VNE: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu VNE với giá kỳ vọng 12 tháng là 13,000 đồng/cp, tăng 14% so với thị giá ngày 09.02.2015, theo phương pháp FCFF và NAV.
Hoạt động xây dựng điện tăng trưởng ổn định với biên lợi nhuận gộp (~20%) cao hơn các ngành xây dựng khác. Với lợi thế quy mô doanh nghiệp, quy mô vốn lớn, và năng lực tài chính lành mạnh, công ty sở hữu khả năng cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hoạt động sản xuất công nghiệp phụ trợ trực tiếp cho hoạt động xây dựng điện cũng làm tăng năng lực trúng thầu của công ty. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng của công ty không chỉ dừng ở các hợp đồng xây dựng hiện tại mà còn nhờ động lực tăng trưởng của ngành điện cũng như các hợp đồng mở rộng mạng lưới điện của EVN trong giai đoạn 2015 - 2020.
Các dự án BĐS mà công ty đang sở hữu có giá trị lớn và đầy tiềm năng khi thị trường BĐS ấm lên trong năm 2015.
Năng lực tài chính cải thiện. Chúng tôi đánh giá VNE đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi trả hết 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, trong khi liên tục giảm nợ vay ngân hàng dài hạn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thuần luôn dương trong các năm 2012, 2013. Công ty cũng đã thu gọn hoạt động đầu tư tài chính để tập trung vào phát triển hoạt động cốt lõi là lĩnh vực xây dựng điện.
Chúng tôi thận trọng dự báo năm 2014, doanh thu thuần đạt 1,004 tỷ đồng (+15% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng (+507% so với năm trước), tương đương EPS xấp xỉ 1,500 đồng/cp. Giá cổ phiếu VNE hiện tại chỉ tương đương với P/E 2014 dự phóng là 7.81 lần, P/B 2014 dự phóng là 0.90 lần.
HNM: Tiếp tục khó khăn trong thời gian tới
CTCK MB (MBS)
HNM công bố BCTC quý IV/2014. Theo đó, doanh thu đạt 66 tỷ VNĐ, tăng 56% so với cùng kỳ 2013; lãi ròng đạt 387 triệu, giảm 67% so với cùng kỳ 2013. Tính chung cả năm 2014, HNM đạt 221.87 tỷ doanh thu thuần, giảm 7% so với năm 2013; Lãi ròng cả năm đạt 160 triệu, giảm 95% so với kết quả năm 2013.
Hoạt động kinh doanh của HNM chủ yếu là sản xuất kinh doanh sữa nước, những sản phẩm chính của Công ty là nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%. Nhìn chung vị thế kinh doanh của Công ty là yếu khi mảng hoạt động này Công ty chịu áp lực cạnh tranh ác liệt từ các Doanh nghiệp lớn trong ngành là Cô Gái Hà Lan, Vinamilk và THtrue milk.
Năng lực tài chính và sản xuất yếu khiến Công ty hoàn toàn lép vế tại các kênh phân phối chính so với các doanh nghiệp trên và chiếm thị phần không đáng kể. Thị phần của Công ty đang trong giai đoạn co hẹp.
Mặc dù trong quý IV/2014, chi phí đầu vào của HNM giảm mạnh nhờ giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm mạnh (khoảng 50% so với cùng kỳ), song áp lực cạnh tranh mạnh khiến Công ty vẫn gần như không có lãi.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ tăng mạnh trong quý 4 2014, cụ thể, chi phí bán hàng quý 4/2014 tăng 98% so với cùng kỳ lên 15.4 tỷ, chi phí quản lý tăng 37% lên 2.7 tỷ.
Chúng tôi đánh giá, hoạt động kinh doanh của HNM sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
TNG: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
TNG là cổ phiếu được chúng tôi chú ý từ nửa cuối tháng 1 đến nay. Đường giá trong thời gian này đã bật tăng từ hỗ trợ MA trung hạn và giao dịch trở nên sôi động hơn.
Cho đến phiên hôm nay, một sự bứt phá rất dứt khoát đã xảy ra, phá vỡ hoàn toàn kháng cự 20.3 và tạo lập rõ rệt mức đỉnh liền sau cao hơn trên đồ thị giá.
Kết quả vừa nêu cho thấy xu hướng của TNG đã chuyển hẳn sang tăng sau một giai đoạn tích lũy.
Thanh khoản ủng hộ. Bất chấp kỳ nghỉ Tết đang gần, dòng tiền giao dịch tại TNG vẫn rất sôi động (vùng khoanh tròn).
Trong phiên vượt kháng cự hôm nay, KLGD cũng nằm ở mức cao hơn hẳn vùng trung bình 50 ngày, giúp gia tăng độ tin cậy của điểm bứt phá.
Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD từ nửa cuối tháng 1 bắt đầu vượt lên trên đường 0 và duy trì điều này liên tục cho đến hiện nay.
Chiến lược đầu tư: Do đã có phiên tăng trần hôm nay, NĐT thận trọng có thể chờ một sự điều chỉnh nhỏ để tham gia (tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với khả năng mất cơ hội tham gia); NĐT mạo hiểm hơn có thể xem xét mua ngay quanh vùng hiện tại 21.5; Mục tiêu giá đầu tiên tại 25.0 (+16,3%) Dừng lỗ tại 19.5 (-9,3%)
TCM: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Chúng tôi đã tiến hành gọi mua TCM vào giai đoạn cuối tháng 1, khi đường giá lần đầu tiên tạo ra sự bứt phá vượt khỏi kênh giá giảm duy trì liên tục 5 tháng trước đó.
Tuy nhiên sau đó TCM đã suy giảm lại, một lần nữa quay về vùng kênh giá giảm, đây là kết quả khá thất vọng.
Dù vậy đến một số phiên gần đây, sự hồi phục đã trở lại. Đáng chú ý nhất là đường giá trong hôm nay đã lần thứ hai vượt thành công lên trên kênh giá giảm.
Việc lần thứ hai tạo điểm bứt phá, khiến triển vọng của TCM tích cực trở lại và xu hướng tăng ngắn hạn vẫn duy trì hiệu lực.
Thanh khoản là điểm trừ. Do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết kéo dài sắp đến, KLGD của TCM duy trì mức thấp. Việc thanh khoản không cao có thể khiến tốc độ tăng của TCM bị ảnh hưởng phần nào, hy vọng điều này sẽ cải thiện sau Tết.
Chỉ báo quay lại tích cực. MACD trước đó đã “liếm nhẹ” trở lại bên dưới đường 0 nhưng nhanh chóng hồi phục trở lại và vẫn duy trì sự ủng hộ cho xu hướng tăng của giá. Các chỉ báo khác nằm cũng quay về vùng tích cực.
Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào TCM quanh mức giá hiện tại 33.9. Mục tiêu đầu tiên tại 38.8 (+14,5%). Dừng lỗ tại 30.8 (-9,0%).