Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK VPB (VPBS)

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT trong 12 tháng tiếp theo với giá mục tiêu là 55.500 đồng/cp (+18,5%). Mức giá này cao hơn mức giá mục tiêu trong báo cáo cập nhật tháng 4/2015 do chúng tôi nâng tỷ trọng của phương pháp định giá tổng thành phần.

Chúng tôi dự phóng mức tăng trưởng cao cho năm 2015: Trong năm nay, chúng tôi dự phóng doanh thu hợp nhất của FPT sẽ đạt mức tăng trưởng 18,8% (2014: 20,8%) và lợi nhuận ròng sẽ tăng 13,6% (2014: 1,5%).

Các mảng hoạt động chính còn khá nhiều tiềm năng trong tương lai: VPBS kỳ vọng các phân khúc gia công phần mềm (doanh thu +43% trong nửa đầu năm 2015), viễn thông (+28%), phân phối (+23%) và bán lẻ sản phẩm công nghệ (+63%) sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng trong những năm tới do có các điều kiện thuận lợi về mặt thị trường.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng sẽ tăng 22% trong năm 2016: Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu sẽ đến từ tăng trưởng của các phân khúc nói trên và từ mức chi phí khấu hao thấp hơn đáng kể của mảng viễn thông trong những năm tới. FPT hiện đang giao dịch ở mức 8,2 lần EPS của năm 2016 – quá rẻ cho một cổ phiếu bluechip có mức tăng trưởng vững.

Phân tích kỹ thuật: Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh từ mức cao nhất 49.500 đồng. FPT đang giao dịch dưới các đường trung bình động MA5, MA10 và MA20. Do vậy, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục kiểm nghiệm lại mức hỗ trợ MA50 tại 46.000 đồng. Xu hướng ngắn hạn do vậy chưa cho thấy nhiều triển vọng.

CNG: Kế hoạch kinh doanh khá thận trọng

CTCK VPB (VPBS)

CTCP CNG Việt Nam (CNG-HSX) là nhà phân phối CNG lớn nhất tại Việt Nam với mạng lưới bao phủ hầu hết khu vực phía Nam và đang tiếp tục mở rộng sang khu vực phía Bắc. Công ty CNG đang vận hành hơn 60 xe bồn để phân phối đến khách hàng ở những vùng khác nhau.

Vị thế cạnh tranh giúp CNG có kết quả kinh doanh vững chắc: Sản lượng trong sáu tháng đầu năm 2015 tăng 22% so với cùng kỳ mặc dù giá bán giảm 29%. Đó là do giá đầu vào trung bình khoảng 4,6 USD/mmBTU, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoài nhờ đàm phán thành công với PVGAS, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong kỳ từ 22% lên 25%.

Mức chiết khấu đầu vào đối với CNG và PGS (công ty mẹ của CNG) là như nhau do vị thế thống lĩnh ở mảng khí CNG và khả năng gia tăng giá trị các sản phẩm khí. Ban quản trị CNG dự báo sản lượng năm 2015 đạt 88 triệu m3, tăng 10% theo năm nhờ nỗ lực bán sản phẩm tại thị trường miền Nam và mở rộng thêm ở thị trường miền Bắc.

Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 110 tỷ đồng, không đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng ước tính của ban quản trị khá thận trọng. Lợi nhuận ròng năm 2015 của CNG có thể tăng khoảng 5-6% theo năm. Tổng chi phí đầu tư tài sản cố định năm 2015 khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu để mua xe bồn.

CNG có thể cạnh tranh tốt trước các sản phẩm thay thế: Mặc dù có nhiều sản phẩm thay thế như khí LPG, biomass (khí sinh khối) hay than..., Ban quản trị tự tin CNG vẫn có thể giữ thị phần với các đối thủ cạnh tranh.

Giá dầu giảm và sẽ không tăng nhanh trong thời gian tới, CNG đã rẻ hơn nhiều so với năm ngoái. Ngoài ra, đầu vào khí biomass cũng trở nên đắt hơn do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu vẫn cao và chất lượng đầu vào cũng đang giảm sút, điều này khiến giá vốn sản xuất biomass tăng.

Xét về cơ cấu khách hàng, 60% sản phẩm CNG được bán cho công ty vật liệu xây dựng, và 40% bán cho công ty thực phẩm. Ban quản trị CNG nhấn mạnh vào các công ty thực phẩm, trái ngược với PGS vì CNG tin rằng nhu cầu các sản phẩm này sẽ vẫn tiếp tục ổn định.

Chính sách bán hàng của CNG hoàn toàn độc lập và không cạnh tranh với công ty mẹ PGS. CNG cũng không quá quan ngại về giá dầu giảm do giá đầu vào luôn được neo theo giá dầu FO Việt Nam mà giá dầu FO sẽ tiếp tục giảm nếu giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống.

Ban quản trị khá tự tin về triển vọng trong tương lai: CNG đã ký hợp đồng với bảy công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành vật liệu xây dựng và bán 9 triệu m3 khí CNG trong sáu tháng cuối năm 2015 từ mỏ khí Hàm Rồng – Thái Bình phía Bắc. Mặc dù dự kiến biên lợi nhuận ròng giảm trong lô khí đầu tiên, ban quản trị tin rằng biên lợi nhuận sẽ tăng trong những năm sau.

Năm 2016, CNG dự kiến tăng sản lượng từ mỏ khí mới lên mức 30 triệu m3, đây là mục tiêu khá thử thách. Mỏ Hàm Rồng – Thái Bình có công suất khoảng 200 triệu m3/năm, với vòng đời dự kiến 20 năm. Trong đó, CNG sẽ được phép phân phối khoảng 50 triệu m3/năm. Bà Phó TGĐ cho rằng, rủi ro đàm phán giá đầu vào với PVGAS mặc dù vẫn có nhưng không đáng kể do PVGAS cũng sẽ được hưởng lợi từ việc CNG ghi nhận biên lợi nhuận cao và ổn định. Tự bản thân CNG cũng có khả năng đàm phán nhất định. Bà Phó TGĐ nói rằng lợi suất cổ tức bằng tiền mặt của CNG khá hấp dẫn và bản thân bà cũng đã mua cổ phiếu của công ty. Với mức chia cổ tức bằng tiền mặt 30% như hiện tại, CNG có lợi suất cổ tức đạt 10%/năm.

SBA: Kỳ vọng sản lượng điện trong tháng 9, 10

CTCK MB (MBS)

SBA công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó doanh thu đạt mức 59.2 tỷ VNĐ, giảm 18.3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.64 tỷ VNĐ, giảm mạnh so với mức 16 tỷ VNĐ của năm 2014.

Nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả kinh doanh của SBA suy giảm là do doanh thu suy giảm đáng kể khi điều kiện thủy văn trong 6 tháng đầu năm 2015 không thuận lợi so với cùng kỳ, lượng nước trong hồ giảm khiến nhà máy thủy điện Krong Hnang phải dừng bảo dưỡng một thời gian khá dài. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng mạnh lên mức 29.2 tỷ so với mức 24.2 tỷ của năm 2014 cũng làm giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh. Nguyên nhân chính là do trong năm 2014, SBA đã được hỗ trợ lãi suất cho khoản vay đầu tư dự án Thủy điện Khe Diên, do thanh lý hợp đồng vay tại VCB Đà Nẵng.

Tính từ đầu năm trở lại đây, nhà máy thủy điện Khe Diên đã sản xuất 30.4 triệu Kwh điện, và nhà máy thủy điện Krong Hnang đã sản xuất 27.5 triệu Kwh điện. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, nhà máy thủy điện Krong Hnang của SBA dừng dự phòng không sản xuất, do đó sản lượng điện của SBA trong tháng 8 vẫn chưa khả quan. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện của SBA sẽ tốt hơn trong các tháng 9, 10 khi lượng mưa trong khu vực nhà máy Krong Hnang trong những ngày đầu tháng 8 đã có tiến triển khả quan.

RAL: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 7,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 24/8/2015 là ngày chốt quyền chi trả bổ sung cổ tức bằng tiền mặt của năm 2014 với tỷ lệ 5%. Như vậy, tổng mức cổ tức 2014 của RAL là 35% bằng tiền mặt. Trong tháng 9/2014 và tháng 4/2015, RAL đã chi trả 30% cổ tức tiền mặt của năm 2014. Đồng thời, công ty cũng chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 với tỷ lệ 15%. Thời gian dự kiến thanh toán 4/9/2015. Tổng mức cổ tức 2015 dự kiến là 35%.

RAL thường chi trả cổ tức vào Q2 và Q3 của năm. Theo đó, chúng tôi ước tính tổng mức cổ tức mà cổ đông RAL nhận được trong năm nay là 3.500 đồng/cp, tương ứng lợi suất cổ tức là 8%, cao hơn lãi suất ngân hàng.

RAL đã công bố KQKD hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.441 tỷ và 27,2 tỷ, tăng lần lượt 15% và 10% n/n. Chúng tôi ước tính EPS 2015 của RAL đạt khoảng 6.183 đồng/cp và PE 2015 ở mức 7,3 lần, thấp hơn mức 8 lần của trung bình ngành.

VNM: Mức giá mục tiêu đến cuối năm là 109.600 đồng/Cp

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Cổ phiếu VNM đã tăng trần trong phiên giao dịch hôm nay, đóng cửa ở mức 107.000 đồng/cp sau những tin tức vào cuối tuần qua về việc Nhà nước sẽ thoái vốn đầu tư khỏi Vinamilk. Điều này có thể ngầm hiểu rằng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài tại VNM có thể được nâng từ 49% như hiện nay lên 100%, khá phù hợp với điều khoản về nới room tại nghị định 60 có hiệu lực vào ngày 01/09/2015 sắp tới.

Chúng tôi thấy rằng Bộ kế hoạch và đầu tư mới chỉ xem xét, đề xuất (để Chính phủ thông qua) việc nới room chung cho các ngành và các công ty. Trong Công văn 4493 - tài liệu mới nhất từ Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) đã chuyển giao lại cho các bộ ngành liên quan và chủ sở hữu, nhà đầu tư quyền đề xuất và quyết định về giới hạn cụ thể của tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mỗi ngành, mỗi công ty … ngoại trừ khi có quy định nào khác cao hơn cả điều lệ của công ty.

Nói cách khác đối với trường hợp của Vinamilk, giới hạn đầu tư nước ngoài sẽ tùy thuộc vào cổ đông của Vinamilk. Theo chúng tôi, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ không sớm thoái vốn khỏi Vinamilk vì đây là khoản đầu tư tốt nhất mà SCIC từng nắm giữ tính tới thời điểm này.

Trong báo cáo về kế hoạch tái cấu trúc của SCIC vào khoảng cuối tháng 12/2013 thì Vinamilk, cùng với FPT telecom, DHG, VNR, đều là các khoản đầu tư dài hạn của SCIC – có thể hiểu là không có kế hoạch thoái vốn. Tuy nhiên, lưu ý rằng kế hoạch này có hiệu lực rất ngắn, chỉ từ ngày 02/12/2013 đến cuối năm 2015 và có thể được thay thế bằng một quyết định mới.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2015 của VNM khá ấn tượng với doanh thu tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt 4.387 tỷ đồng (+ 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.185 tỷ đồng (+38,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá cổ phiếu VNM đã tăng 10,7% từ sau khi công bố kết quả này.

Việc tăng trần của VNM trong phiên hôm nay là do phản ánh tích cực từ phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và đây được xem là chất xúc tác trong ngắn hạn đối với cổ phiếu này. Về dài hạn, nền tảng cơ bản của VNM vẫn không thay đổi.

Về định giá, chúng tôi duy trì mức giá mục tiêu của VNM cho đến cuối năm là 109.600 đồng/cp. VNM đang giao dịch ở mức P/E khoảng 18 lần, so với trung bình khu vực ngành là 22 lần.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục