Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/2

TCM sẽ tích lũy trong ngắn hạn và giữ đà tăng trong trung hạn

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công  (mã TCM) đang vận động trong kênh giá 22.59 – 28.15.

Chỉ báo RSI vẫn nằm trong vùng mua và xu hướng đi ngang. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy đà tăng giá có thể duy trì trong các phiên tiếp theo.

Hiện tại, mức giá tăng với thanh khoản tích cực báo hiệu cổ phiếu TCM sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy ngắn hạn và giữ đà tăng trong trung hạn trước khi gặp ngưỡng kháng cự mạnh là 30.3.

Khuyến nghị khả quan đối với PVD

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) thêm 17,3% và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên khả quan nhờ mức giá thuê ngày dự kiến cao hơn 4% trong giai đoạn 2020-2021 và cập nhật mô hình định giá. Chúng tôi nâng lợi nhuận sau thuế dự phóng 2019 thêm 51% chủ yếu do thay đổi chính sách khấu hao cho 3 giàn khoan tự nâng của PVD.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019 đạt 8,1 triệu USD so với khoản lỗ 1,9 triệu USD trước đây, giả định mức giá thuê ngày tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và hiệu suất hoạt động đạt 95% so với 85% trong năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo dự phóng 2019 cũng được hỗ trợ bởi lợi nhuận bất thường (10,3 triệu USD từ thu hồi nợ xấu).

Chúng tôi dự báo EBITDA năm 2019 sẽ đạt 64% so với năm trước, đến từ mảng khoan và dịch vụ giếng khoan.

Với dự phóng P/E đạt 13,2 lần và EV/EBIDTA đạt 6,1 lần, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu của PVD hiện đang có định giá hấp dẫn trong bổi cảnh triển vọng phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận sau thuế 2019 và khả năng tài chính mạnh mẽ. Chúng tôi dự phóng PVD sẽ có vị thế tiền mặt ròng từ năm 2020 (tỷ lệ đòn bẩy -2,4%).

Sẽ giảm dự báo dành cho hoạt động hàng không cốt lõi của HVN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Kết quả lợi nhuận 2018 hợp nhất chưa kiểm toán của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) vượt dự báo của chúng tôi. Doanh thu tăng 16% so với năm 2017 lên 98 nghìn tỷ đồng, tương đương 86% dự báo của chúng tôi, trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 3,7% xuống 2,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 120% dự báo của chúng tôi.

Vietnam Airlines (VNA/ công ty mẹ) tính riêng đạt doanh thu 71 nghìn tỷ đồng, tăng 12%, đạt 99% dự báo của chúng tôi trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% và đạt 124% dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng lý do khiến lợi nhuận của HVN tăng mạnh hơn so với dự báo là lợi nhuận từ các thương vụ bán và thuê lại (SALB) của công ty tăng mạnh trong quý IV/2018 trong khi chúng tôi giả định công ty không có thương vụ SALB nào trong quý IV như mục tiêu công ty đề ra. Chúng tôi đang tìm kiếm thêm thông tin từ phía ban lãnh đạo về vấn đề này.

Nếu không tính lợi nhuận quý IV/2018 từ các thương vụ SALB, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2018 của HVN giảm 21,5% xuống 1,9 nghìn tỷ đồng (95,4% dự báo của chúng tôi). Nếu không tính lợi nhuận cả năm từ các thương vụ SALB năm 2017 và 2018, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2018 tăng 6,6% lên 1,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,5% dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh giảm dự báo dành cho hoạt động hàng không cốt lõi của HVN vì tiếp tục nhận thấy lượng khách quốc tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại (chỉ 1,4% trong tháng 01/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam) và sự xuất hiện của đối thủ mới Bamboo Airways. Chúng tôi được biết hãng hàng không này liên tục đẩy mạnh tần suất, có đẩy mạnh tần suất trên cả tuyến TP. HCM – Hà Nội, là một tuyến chủ lực của HVN.

khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số, với giá mục tiêu 27.400 đồng/cổ phiếu. Kết quả dự phóng của chúng tôi thấp hơn so với kế hoạch DGW đưa ra nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng 19% lợi nhuận ròng so với kết quả thực hiện năm 2018 do thận trọng về mảng chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh cạnh tranh từ các đối thủ như Vinamilk, Abbot hay Friesland Campina, trong khi mảng kinh doanh, phân phối ĐTDĐ khó có thể ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ như 2018 khi thị phần Xiaomi và Nokia tương đối ổn định tại thị trường trong nước.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục