Khuyến nghị mua cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 23.624 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Chuyển đổi đất cao su thành các dự án khu công nghiệp, khu dân cư là định hướng chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR). Các dự án gồm (1) 6,361 ha các KCN đã và sắp tự phát triển, (2) 5.000 ha đất dự định tự phát triển khu công nghiệp từ năm 2025 trở đi và (3) hơn 23.000 ha đất chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác hoặc dự án làm cơ sở hạ tầng.
GVR sẽ ghi nhận đền bù chuyển nhượng đất cao su thành sân bay Long Thành tháng 11/2020, ghi nhận lợi nhuận 1.080 tỷ đồng (21% lợi nhuận trước thuế);
Bên cạnh đó, giá cao su phục hồi hỗ trợ mảng lợi nhuận cao su. BSC kỳ vọng năm 2021 -2025: sản lượng cao su tăng trưởng 5%, giá bán tăng 10%, sản phẩm công nghiệp cao su: sản lượng tăng 5%, giá bán tăng 10%.
Về việc thoái vốn công ty con, BSC ước tính GVR sẽ ghi nhận lợi nhuận từ việc thoái vốn SIP và GVR vào khoảng 979 tỷ đồng (19% lợi nhuận trước thuế).
Chúng tôi dự báo năm 2020 doanh thu của GVR đạt 19.610 tỷ đồng (giảm 1% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 3.862 tỷ (tăng trưởng 16%), tương đương với EPS đạt 966 đồng/CP. Năm 2021, BSC dự báo doanh thu của GVR đạt 23.185 tỷ đồng (tăng trưởng 18%), lợi nhuận sau thuế 3.683 tỷ (giảm 4,6%), tương đương với EPS đạt 921 đồng/CP.
BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 23.624 đồng (upside 18%) dựa trên phương pháp định giá từng phần với lợi nhuận chủ yếu đến từ (1) mảng cao su, gỗ, (2) khu công nghiệp và (3) thoái vốn. Chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu so với báo cáo cũ do cập nhật thêm các dự mới của GVR và lợi nhuận từ thoái vốn.
Cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu NVL trở về vùng giá 75.0
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va vừa hình thành phiên bứt phá trước ngưỡng giá 60.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá ngắn hạn trong khi chỉ báo RSI cho thấy cổ phiếu có thể tích lũy 1,2 phiên trước khi tiếp tục nhịp tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, phản ánh xu hướng tăng giá trung hạn.
Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh ngưỡng giá 63.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu trở về vùng giá 75.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 60.0.
Khuyến nghị mua cho IMP với giá mục tiêu 70.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Trong tháng 11, doanh thu của CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) tăng 6% YoY đạt 162 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 29 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng 2020, doanh thu đã tăng 1%, đạt 1.163 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 18%, đạt 218 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tháng 11 tiếp tục cải thiện về doanh thu, theo sau đà tăng 4% trong tháng 10 sau khi đã giảm 8% trong quý III/2020 do làn sóng COVID-19 thứ 2. Trong tháng 11/2020, doanh thu kênh nhà thuốc giảm 6% (so với mức tăng 25% trong tháng 10) và doanh thu kênh bệnh viện tăng 37% (so với mức giảm 39% trong tháng 10), được chúng tôi cho rằng là do yếu tố thời điểm giao hàng.
Trong 11 tháng 2020, doanh thu hàng tự sản xuất tăng 2%, trong đó doanh thu kênh nhà thuốc giảm 10% và kênh bệnh viện tăng 40%. Kênh nhà thuốc/bệnh viện đóng góp 62%/38% doanh thu hàng tự sản xuất trong 11 tháng 2020.
Lợi nhuận còn được củng cố bởi việc kiểm soát chi phí khi chi phí bán hàng/Hàn chính & Quản lý giảm lần lượt 8,6%/5,4% YoY trong 11 tháng 2020.
Kết quả kinh doanh tháng 11 của IMP phù hợp kỳ vọng của chúng tôi khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 11 tháng 2020 hoàn thành 82% và 84% dự phóng lần lượt của chúng tôi cho năm 2020. Chúng tôi cũng lưu ý tháng 12 chiếm 18%/17% doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 (trước trích lập cho quỹ Khoa học và Công nghệ, mà IMP sẽ dừng trích lập từ năm 2020 trở đi).
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho IMP với giá mục tiêu 70.000 đồng/CP, tương ứng mức sinh lời kỳ vọng 30%, bao gồm 2,7% tỷ suất cổ tức, so với giá đóng cửa gần nhất là 55.000 đồng/CP.