Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/10

Khuyến nghị mua cổ phiếu TCW với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Thuộc hệ sinh thái của Công ty TNHH MTV – Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP). SNP là nhà khai thác cảng lớn nhất nước ta với 51% thị phần trên cả nước, và 93% thị phần tại khu vực Hồ Chí Minh.

Việc SNP đang sở hữu 59% cổ phần của CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW – UPCoM) sẽ giúp TCW khai thác triệt để các dịch vụ bốc, dỡ, xếp hàng từ cảng Tân Cảng Cát Lái – cảng container lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đang chứng kiến tăng trưởng trở lại. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 8T2020, sản lượng hàng container cả nước tăng 13% n/n. Nhu cầu dịch vụ logistics, kho bãi, vận tải hàng hóa… nhờ đó sẽ được cải thiện rõ rệt hơn. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và sẽ thúc đẩy hoạt động dịch vụ vận tải biển trong tương lai.

Ngoài ra, TCW duy trì mức cổ tức tiền mặt cao và đều đặn, khoảng 1.800-2.000 đồng/CP trong 4 năm gần đây. Năm 2020 dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 1.800 đồng/CP, tương ứng lợi tức 8,6%.

Sức khỏe tài chính tốt với ROE cao (20%) và tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản thấp và có xu hướng giảm dần.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TCW với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DPM

CTCK MB (MBS)

Điểm nhấn đầu tư đối với cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí:

Thứ nhất là hiệu quả kinh doanh tăng lên: Sản lượng sản xuất và bán hàng trong 6 tháng đầu năm tăng 47%, trong đó phân Urea Phú Mỹ tăng 60%, NPK Phú Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ.

Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 3.877 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 493 tỷ đồng. Sản lượng tăng mạnh, doanh thu tăng chậm là do giá bán hàng giảm trong kỳ, mặc dù vậy lợi nhuận vẫn đạt cao vì chi phí giá vốn giảm nhanh hơn.

Thứ 2 là nhà máy sản xuất NPK dần đi vào ổn định: nhà máy sản suất phân bón NPK công nghệ hóa học với công suất 250 nghìn tấn/năm với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đang dần đi vào hoạt động ổn định.

Sản lượng sản xuất 5 tháng đầu năm đạt 56.1 nghìn tấn, tăng 44% so với cùng kỳ 2019, dự kiến cả năm sản xuất và bán hàng đạt 120 nghìn tấn. Nhà máy đi vào hoạt động ổn định, gia tăng sản lượng, tối ưu công suất sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt cho công ty từ 2021.

Thứ ba là nguồn lực tài chính mạnh: Tổng tài sản đến tháng 6/2020 đạt 11.828 tỷ đồng, trong đó tiền tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi) đạt 4.456 tỷ đồng. chiếm 37,7% tổng tài sản.

Nợ phải trả đạt 3.537 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng nguồn vốn, vay nợ ngắn và dài hạn đạt 1.169 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,9% tổng nguồn vốn. Kiếm soát dòng tiền kinh doanh tốt cho phép công ty thực hiện chính sách cổ tức bằng tiền hấp dẫn.

Rủi ro đầu tư:

Biến động gián đoạn và giá nguyên liệu khí ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của công ty: nguồn nguyên liệu chiếm đến 75% chi phí giá vốn sản phẩm sản xuất của công ty, trong đó nguyên liệu chính là khí thiên nhiên lại có quan hệ phụ thuộc giá dầu quốc tế luôn có nhiều biến động. Mặc dù sản lượng tiêu thụ không lớn, nhưng gián đoạn nguồn khí khu vực Đông Nam bộ cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nông vụ và diện tích trồng trọt: hạn hán, mưa lũ do biến đổi khí hậu khiến diện tích canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, tác động tiêu cực đến thị trường phân bón nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, chi phí sửa chữa bảo dưỡng nhà máy sẽ tăng dần lên sau hơn 15 năm hoạt động: nhà máy sau hơn 15 năm hoạt động, mặc dù được quản lý vận hành, bảo dưỡng nghiêm ngặt, cũng khó tránh hỏi những gián đoạn, có thể làm tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa trong những năm tới, làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Định giá cổ phiếu DPM ở mức 18.550 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu này ở mức giá hiện tại.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HSG

CTCK BIDV (BSC)

Luận điểm đầu tư cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen: Hoạt động tái cấu trúc của tập đoàn đã đạt được những kết quả khả quan, phản ánh vào tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh 2019/2020.

Bên cạnh đó, lợi thế về kênh phân phối lẻ nhưng định giá hiện còn rẻ: Kênh phân phối lẻ quy mô lớn và rộng khắp được tập trung khai thác trong thời gian tới thông qua triển khai hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất – Hoa Sen Home. Cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B fw 2021 =0.97 lần).

BSC ước tính doanh thu niên độ 2019/20 của HSG đạt 25.271 tỷ đồng (giảm 10% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 948 tỷ (tăng trưởng 163%) với giả định sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép tăng lần lượt 5% và 3%.

Niên độ 2020/21, chúng tôi dự báo doanh thu 25.740 tỷ (tăng 2% so với năm trước) với giả định sản lượng tiêu thụ tăng 3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 918 tỷ (giảm 3,2%), EPS = 1.980 đồng/CP.

Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cho HSG trong 1 năm tới là 15.800 đồng/CP theo phương pháp P/E dựa trên dự báo EPS niên độ 2020/21 = 1.980 đồng/CP và P/E mục tiêu là 8 lần. Giá cổ phiếu HSG diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, phản ảnh tăng trưởng kết quả kinh doanh và đã vượt 28% so với giá khuyến nghị cho năm 2020 của chúng tôi trong báo cáo hồi tháng 6.

Có thể mở vị thế cổ phiếu CTD tại vùng giá 65-70.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đang có dấu hiệu xác lập ngưỡng đáy sau khi điều chỉnh về gần ngưỡng hỗ trợ 65.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên trong phiên giao dịch gần nhất.

Chỉ báo MACD đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh trong khi chỉ báo RSI đang cho thấy dấu hiệu hồi phục. Đường giá cổ phiếu đang nằm dưới dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn chưa hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư dài hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại vùng giá 65-70.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 80.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 65.0.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục