Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/10

DHC: Khuyến nghị mua trong trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Ngày 29/9, RongViet Securities phát hành báo cáo phân tích CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC). DHC bắt đầu trở thành cổ phiếu đáng chú ý sau khi tiến trình tái cấu trúc tại Công ty mang lại những kết quả bước đầu trong năm 2013. Là doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ, DHC hiện chiếm khoảng 5% thị phần cả nước về cung cấp giấy công nghiệp. Công ty cũng đang cung ứng cho các nhà máy bao bì lớn như Box-Pak Vietnam, Bia Sài Gòn, Nam An, Gia phú, Mỹ Xuân…

Trước tiềm năng của ngành bao bì công nghiệp Việt nam, DHC xác định yếu tố chủ chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh là chất lượng và giá thành sản phẩm Chuyên viên ngành của RongViet Securities đánh giá cao những nỗ lực của DHC để hoàn thiện quy trình kỹ thuật và cắt giảm những chi phí chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành (nguyên vât liệu, chất đốt, điện…). Đồng thời, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty trong thời gian tới sẽ duy trì hoặc cải thiện trong thời gian tới nếu giá giấy nguyên liệu không biến động quá bất thường.

Do tính mùa vụ của ngành, sản lượng quý III và quý IV thường tăng cao hơn 2 quý đầu năm, chuyên viên ngành ước tính doanh thu nửa cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm. Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014 ước đạt 538 tỷ  và 46,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 67% so với kế hoạch đề ra; EPS cả năm, theo đó, có thể đạt 3.117 VND/cổ phiếu. Dựa trên những kết quả lạc quan trên, có khả năng sẽ Công ty tăng tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông từ mức 12% theo kế hoạch ban đầu lên khoảng 18-20% bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Về dài hạn DHC lên kế hoạch xây dựng dự án nhà máy sản xuất giấy kraft Giao Long (giai đoạn 2), công suất thiết kế khoảng 80.000 tấn/năm với giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến khởi công trong năm 2015 và bắt đầu vận hành từ năm 2017. Sản phẩm của nhà máy Giao Long 2 dự kiến sẽ khá tương đồng về chất lượng và có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các thượng hiệu lớn như Vina Kraft. Nhờ vào kinh nghiệm xử lý vấn đề tại nhà máy Giao Long 1, dự án mới này được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả khả quan. Với lý do trên, RongViet Securities khuyến nghị MUA trong TRUNG HẠN với cổ phiếu DHC với giá mục tiêu 25.200 đồng/cp.

DCL: Thận trọng trong quyết định đầu tư vào thời điểm này

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tuần trước, Tổng thanh tra chính phủ vừa ra quyết định số 2234/QĐ-TTCP yêu cầu CTCP Imexpharm phải nộp 697.500 USD từ việc dự trữ Tamiflu từ các năm trước. Imexpharm là một trong bốn doanh nghiệp được Bộ Y Tế giao sản xuất thuốc trị cúm H5N1 trong năm 2005. Trong đó, Chính phủ đã chi hơn 562 tỷ đồng mua dự trữ 20 triệu viên thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate (tương tự thuốc Tamiflu), bao gồm 10 triệu viên thành phẩm và 10 triệu viên nguyên liệu).

Ba doanh nghiệp, Imexpharm, STADA VN, Pymepharco nhập khẩu nguyên liệu từ Stada Import/Export Hong Kong với giá 17.500-18.500USD/kg, riêng Dược Cửu Long đã nhập 520kg nguyên liệu từ Mambo Overseas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg, tương đương  với giả trị 9,1 triệu USD. Trong kết luận điều tra của thanh tra Chính phủ, giá nguyên liệu được mua là khá cao so với giá kế hoạch của Bộ Y Tế (12.000 USD/kg).

Đồng thời, các doanh nghiệp này đều được phía đối tác hoàn lại tiền nhưng số tiền này lại không được nộp trở lại ngân sách Chính phủ. Đơn cử, Imexpharm, STADA VN, Pymepharco được hoàn trả 2,1 triệu USD với giải trình rằng Công ty Stada Hong Kong bù lỗ. Về phía Dược Cửu Long, 3,85 triệu USD trong tổng giá trị đơn hàng 9,1 triệu USD vẫn được treo tại khoản phải trả đến khi Công ty nhận được xác nhận của Mambo Overseas Limited Singapore về việc xóa khoản phải trả này (2/1/2009).

Trở lại quyết định truy thu của Thanh tra chính phủ, Imexpharm hiện đã chấp thuận nộp số tiền 697.500 USD (~ 14 tỷ đồng). Tuy nhiên, với phương án sử dụng quỹ dự phòng tài chính (số dư 16,7 tỷ đồng tại cuối quý II/2014, khoản truy thu này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong năm nay của IMP.

Thanh tra chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục điều tra về vụ việc này, đặc biệt số tiền 3,8 triệu USD (~80 tỷ đồng) tại DCL. Như vậy, câu chuyện sẽ rất khác nếu DCL buộc phải nộp ngân sách số tiền trên.

Hiện nay, nguồn quỹ dự phòng tài chính và quỹ khác từ nguồn chủ sở hữu đến năm 2013 chỉ vào khoảng 16,7 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với số tiền truy thu. Do đó, nếu rủi ro này xảy ra, DCL có thể sẽ phải ghi nhận khoảng 63 tỷ đồng vào chi phí trong kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến trong năm nay ước tính chỉ khoảng 38 tỷ đồng, kết quả là sẽ có một khoản lỗ trước thuế lên đến 25 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng trước khi có quyết định cuối cùng của thanh tra chính phủ, đây chỉ là giả thuyết xấu nhất mà chúng tôi cho rằng sẽ xảy ra đối với DCL. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trong quyết định đầu tư vào thời điểm này, đặc biệt là các thông tin rõ ràng về khoản truy thu này chưa được công bố.

ASM: Doanh thu dự án Bình Khánh 5 dự kiến 1.000 tỷ

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đã có chuyến đi thăm Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM). Trong chuyến đi này, chúng tôi đã đi thăm nhiều dự án của Công ty trên địa bàn tỉnh An Giang và TP Long Xuyên. Trong các dự án đó, Chúng tôi đánh giá cao triển vọng của dự án Bình Khánh 5. Dự án nằm trên địa bàn phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang với diện tích 28 ha trong đó có 13.7 ha đất thương phẩm.

Dự án bao gồm 1.164 nền đất trong đó có 23 nền đất biệt thự và 1141 nền đất nhà liền kề. Tổng vốn đầu tư cho dự án ước trên 630 tỷ VNĐ trong đó một phần là vốn tự có của Công ty một phần là vốn vay và vốn huy động của khách hàng.

Chúng tôi đánh giá cao khả năng bán hàng của dự án nhờ dự án được nằm trong một vị trí khá đẹp gần trung tâm TP. Long Xuyên và được quy hoạch tốt bao gồm nhiều tiện tích như bệnh viện, trường học và nhà thi đấu thể thao. Thêm vào đó, Dự án Bình Khánh 5 nằm ngay bên cạnh dự án Bình Khánh 3, một dự án cũng của ASM và đã bán hàng khá tốt, do đó khả năng tiêu thụ sản phẩm là khả thi.

Thành phố Long Xuyên là một đô thị trẻ đang phát triển với dân số khoảng 750 nghìn người và dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu người vào năm 2020 do đó nhu cầu nhà ở đô thị sẽ tăng mạnh trong tương lại. Điều này sẽ đảm bảo cho khả năng bán hàng và giá bán của dự án Bình Khánh 5.

Hiện tại, Công ty đã tiến hành song công tác thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với người dân và đang chuẩn bị tiến hành công tác đầu tư hạ tầng cho dự án. Công ty dự kiến giá bán của dự án vào khoảng 8 triệu/m2 và doanh thu dự kiến khoảng trên 1000 tỷ VNĐ. Chúng tôi đánh giá với xuất đầu tư thấp dự án Bình Khánh 5 sẽ có biên lợi nhuận khả quan và sẽ đem lại cho Công ty khoản lợi nhuận đáng kể trong 3 năm tới.

PPC: PE dự phóng khoảng 8,4x

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Cùng với xu hướng giảm của đồng JPY trên thị trường thế giới, đồng JPY cũng giảm giá khá nhiều so với VND trong quý 3/2014. Tỷ giá JPY/VND được sử dụng để đánh giá lại khoản nợ vay dài hạn bằng JPY (theo thông báo của Ngân hàng Vietcombank) vào ngày 30/9/2014 là 192,97, giảm 7,9% so với cuối quý 2/2014. Đến cuối quý 3/2014, dư nợ vay bằng đông JPY của công ty là 25,07 tỷ JPY, tương đương 4.844 tỷ VND.

Theo đó, chúng tôi ước tính PPC sẽ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 413 tỷ trong quý 3/2014, là con số đáng kể so với lỗ chênh lệch tỷ giá 46,3 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, PPC đã ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 225 tỷ do đồng JPY tăng gần 5% so với cuối năm 2013. Với sự đảo chiều sang xu hướng giảm của đồng JPY trong quý 3 vừa qua, luỹ kế 9 tháng 2014 ước tính công ty ghi nhận 158 tỷ lãi CLTG.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng năm 2014 của PPC đạt 959 tỷ. Cổ phiếu PPC giao dịch với PE dự phóng 8,4x so với trung bình ngành 10x.

VSC phù hợp đầu tư dài hạn

CTCK BIDV  (BSC)

Công ty Cảng Viconship là cổ phiếu đáng chú ý trong ngành cảng biển với mức chi trả cổ tức cao (năm 2012 và 2013 là 40%), tăng trưởng kép 8% (2010-2014), ROE bình quân 32% và tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt mức tối đa.

Chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) và được biết ước tính kết quả kinh doanh quý III đạt khoảng 245 tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ năm ngoái) doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 65 tỷ đồng (+10% so với cùng kỳ năm ngoái).

EPS 2014 dự báo đạt 8.100/cp, tương đương P/E forward 7.5x. Với triển vọng lớn từ dự án Cảng container hợp tác với VIPCO ở khu vực Đình Vũ, chúng tôi cho rằng, VSC là cổ phiếu phù hợp đầu tư dài hạn với giá mục tiêu 72.000 (upside 19%).

(1) Doanh thu của VSC chủ yếu từ hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Green Port, chiếm tỷ trọng trên 55% doanh thu thuần và đóng góp trên 70% lợi nhuận gộp. Vị trí Green Port ở thượng lưu sông Cấm – Hải Phòng, có 2 cầu tầu với tổng chiều dài 340m và 5 đế bốc dỡ hàng, có khả năng phục vụ cùng lúc 2 tàu trọng tải 10.000 DWT. So với khu vực Đình Vũ, Green Port có vị trí kém thuận lợi hơn nhiều (ở hạ lưu sông và có thể đón tàu trên 20.000 DWT).

(2) Cảng Green Port luôn đạt trên 100% công suất trong mấy năm gần đây, dẫn đến nhu cầu bức thiết về việc mua thêm cảng mới với vị trí chiến lược hơn. Đối tác của VSC sẽ là CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO. VSC sẽ mua lại 65% cổ phần Cảng container Đình Vũ của VIPCO với 2 cầu dài 380m, có thể đón tàu 30.000 DWT và công suất thiết kế 500.000 TEU/năm. Chi phí để đầu tư dự án này khoảng 1.000 tỷ và ước tính hoàn thành thi công trong 18 tháng.

(3) Mảng Vận tải – kho bãi cũng góp phần quan trọng trong doanh thu và chiến lược phục vụ trọn gói dịch vụ cảng. Ngoài bãi container ở khu cảng Chùa Vẽ có diện tích 9.8 ha, VSC còn sở hữu bãi container ở khu Đông Hải với diện tích 1.5 ha và đang hoàn tất thủ tục mua lại bãi 2.64 ha của CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hải Phòng. Ngoài ra, VSC đã đầu tư 120 tỷ trong năm 2013 cho 2 kho CFS (kho hàng khô) tổng diện tích 1.5 ha ở Trung tâm Green Logistic, phục vụ khu vực Đình Vũ, ước tính đóng góp doanh thu 70-80 tỷ/năm.

(4) VSC thể hiện khả năng quản lý và đầu tư hiệu quả vượt bậc với tỷ suất lợi nhuận / vốn góp tại các công ty con ở mức cao, trung bình 50%/năm. Trong các khoản đầu tư tài chính, nổi bật có sở hữu 22% PSP và 37% Danalog DNL. Công ty chưa có ý định nâng sở hữu tại 2 công ty này do tập trung cho dự án ở Đình Vũ.

Mức độ cạnh tranh ở khu vực cảng Hải Phòng ngày càng lớn với sự tham gia mới nhất của GMD với cảng Nam Hải Đình Vũ (sát cạnh cảng mới của VSC) cùng tình hình căng thẳng Biển Đông phần nào gây khó khăn cho hoạt động của VSC. Tuy nhiên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi vào hoạt động sẽ giúp tăng lượng hàng xuất nhập khẩu của vùng Nam Trung Quốc – vốn đóng góp doanh thu đáng kể cho VSC.

REE: Mua vào với giá mục tiêu 35

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

REE có phiên bật tăng điểm khá mạnh với khối lượng giao dịch đột biến vào ngày 23/9 lên sát ngưỡng cản 30 sau đó có 4 phiên liên tiếp điều chỉnh về sát vùng hỗ trợ tạo ra bởi đường SMA20 với khối lượng giao dịch giảm khá mạnh.

Chúng tôi đánh giá hiện tượng Throwback này sẽ sớm kết thúc. Chúng tôi khuyến nghị khách hàng tiến hành mua vào tại vùng giá này với giá mục tiêu 35. Tiến hành dừng mua khi cổ phiếu này giảm quá mức hỗ trợ 28.

REE hiện tại đang nắm giữ 71,16 triệu cổ phiếu PPC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 22,37% tại PPC. Trong thời gian gần đây, REE đã tiến hành đăng ký bán ra 3,18 triệu cổ phiếu PPC bằng giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 24/9 đến 22/10/2014 nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn vốn. Tính theo thị giá hiện tại của PPC, nếu thoái thành công lượng cổ phiếu này ngay trong quý 3 sẽ đem lại khoản lợi nhuận xấp xỉ 50 tỷ đồng cho REE.

Trong quý III, khả năng khoản lãi REE có thể được hạch toán khoảng hơn 40 tỷ đồng lợi nhuận từ PPC và sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của TBC với mức lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng. Hiện tại, REE đang được giao dịch quanh mức P/E khoảng 9,6 lần, là mức khá thấp so với mức P/E bình quân toàn thị trường (15). Những khoản lợi nhuận đột biến trong quý III từ các công ty liên kết sẽ giúp cổ phiếu này có sức hút hơn trong mùa báo cáo tài chính quý III sắp tới.

T.Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục