Cổ phiếu VIC bất ngờ nổi sóng từ phiên đầu tuần trước (31/7) với mức tăng hơn 20% trong tuần trước, sau đó tiếp tục bứt tốc trong 2 phiên đầu tuần này, liên tiếp thiết lập các đỉnh mới trong năm. Cổ phiếu VHM cũng phát tín hiệu khởi sắc từ phiên 31/7, nhưng lại không thể bứt lên như VIC, mà bị chặn lại ở vùng 65.000 đồng, trong khi VRE dù cũng gặp chút khó khăn, nhưng sau đó đã đuổi theo VIC khá tốt từ cuối tuần qua và 2 phiên đầu tuần này.
Chính sự khởi sắc của bộ 3 cổ phiếu họ Vin này, cùng với sự hỗ trợ từ nhóm bất động sản và một số mã bluechip đầu ngành khác giúp VN-Index bay cao, liên tục thiết lập mức đỉnh mới của năm, cũng như đứng vững trong các phiên rung lắc do áp lực chốt lời.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm nay, chính nhóm cổ phiếu trụ này đã bị chốt lời khá mạnh, là tác nhân khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh. Dòng tiền cũng đang tỏ ra thận trọng hơn sau chuỗi phiên hưng phấn của thị trường, khiến thanh khoản thị trường phiên hôm nay cũng sụt giảm so với 3 phiên liền trước.
Chốt phiên 9/8, VN-Index giảm 8,24 điểm (-0,66%), xuống 1.233,99 điểm với 215 mã tăng và 276 mã giảm, trong đó có 16 mã vẫn duy trì đà tăng kịch trần, trong khi chỉ có 2 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.092,5 triệu đơn vị, giá trị 21.709,8 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 81,2 triệu đơn vị, giá trị 1.801,3 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ có HPG và STB có được sắc xanh, cùng TCB đứng giá, trong khi có tới 27 mã giảm. Trong đó, VHM là mã giảm mạnh nhất khi mất 3,5% xuống 60.600 đồng, khớp 5,59 triệu đơn vị, cũng là mã lấy đi của VN-Index nhiều điểm số nhất hôm nay (2,4 điểm). Tiếp đến là GVR giảm 2% xuống 22.150 đồng, khớp 2,61 triệu đơn vị. Tiếp đến là MWG và VNM cũng giảm 1,9%, VIC cũng điều chỉnh trước áp lực chốt lời mạnh khi mất 1,8% xuống 65.800 đồng, khớp 9,77 triệu đơn vị và lấy đi của VN-Index 1,14 điểm.
Trong nhóm này hôm nay có khá nhiều mã giảm trên 1% như SSI, POW, VJC, FPT, MSN, VCB, VIB, SSB. Tổng cộng nhóm bluechip này lấy đi của VN-Index khoảng 7 điểm trong phiên hôm nay.
Ở chiều ngược lại, HPG tăng 2,2% lên 27.800 đồng, khớp 42,66 triệu đơn vị và STB tăng 4,7% lên 31.200 đồng, khớp 37,82 triệu đơn vị. Hai mã này đóng góp 1,5 điểm cho VN-Index, không đủ sức để đối trọng lại với nhóm giảm.
Ngoài nhóm Vin, một cố phiếu nhỏ khác là AGM cũng bị chốt lời mạnh hôm nay sau chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp (tính cả phiên sáng nay), từ mức 6.090 đồng lên 14.400 đồng – mức trần trong phiên hôm nay. Áp lực chốt lời khiến AGM quay đầu lao từ mức kịch trần xuống kịch sàn 12.600 đồng khi đóng cửa phiên với khối lượng khớp 1,52 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 1,29 triệu đơn vị.
Một mã khác cũng đóng cửa kịch sàn hôm nay là SMA ở mức 9.400 đồng, nhưng thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu này cũng có chuỗi tăng tốt từ đầu tháng 8 từ mức 7.820 đồng, lên mức cao nhất phiên hôm nay là 10.200 đồng, trước khi quay đầu giảm trước áp lực chốt lời, trong khi lực cầu quá ít.
Tương tự, áp lực chốt lời cũng khiến NVL chính thức có phiên điều chỉnh sau 2 phiên rung lắc dữ dội đầu tuần. Chốt phiên, NVL giảm 2,2% xuống 19.900 đồng, khớp 44,74 triệu đơn vị, đứng đầu về thanh khoản trên sàn HOSE và cả thị trường hôm nay.
Một số mã bất động sản khác cũng quay đầu giảm ngoài VHM và NVL là PDR giảm 2,3% xuống 21.500 đồng, NTL giảm 2,2% xuống 26.550 đồng, KBC giảm 2,2% xuống 31.300 đồng, DIG giảm 1,5% xuống 25.800 đồng, HQC giảm 1,4% xuống 4.900 đồng…
Trong khi đó, đa số còn lại đều duy trì được đà tăng, thậm chí SJS hôm nay bất ngờ tăng kịch trần lên 60.100 đồng, HTN tăng 4,4% lên 20.050 đồng, DXS tăng 4% lên 11.750 đồng, HBC tăng 3,4% lên 10.800 đồng, NHA tăng 2,4% lên 23.450 đồng, EVG tăng 2,2% lên 7.450 đồng, DRH tăng 2,1% lên 7.380 đồng; các mã tăng hơn 1% có TDH, HDC, DXG, HDG, NVT, SZL, NBB. Trong đó, DXG có thanh khoản khá tốt với 24,12 triệu đơn vị, đứng top 5 sau NVL, HPG, STB và HAG; đóng cửa tăng 1,3% lên 19.000 đồng.
Đứng trên và sau DXG về thanh khoản là HAG và VND đều đóng cửa giảm giá, trong đó HAG giảm 2,7% xuống 9.550 đồng, khớp 25,25 triệu đơn vị còn VND chỉ giảm nhẹ 0,5% xuống 20.000 đồng, khớp 23,28 triệu đơn vị, cao nhất trong nhóm công ty chứng khoán. Đứng sau VND về thanh khoản cũng là 1 mã công ty chứng khoán là VIX với 23 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng 0,9% lên 16.250 đồng.
Nhóm ngân hàng ngoài STB chỉ có thêm sắc xanh nhạt tại EIB, cùng TCB đứng giá, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không mạnh, khi 2 mã giảm mạnh nhất cũng chỉ mất hơn 1%.
Nhóm công ty chứng khoán cũng tương tự khi ngoài VIX chỉ có thêm APG và TVB tăng giá, trong đó APG tăng mạnh 5,8% lên 10.900 đồng và TVB tăng 2,2% lên 6.490 đồng, còn lại đều giảm. Có 2 mã giảm hơn 2% là VDS giảm 2,1% xuống 16.200 đồng và HCM giảm 2,1% xuống 30.550 đồng. SSI cũng giảm 1,7% xuống 28.600 đồng.
Trong khi đó, cùng với bất động sản, nhóm thép cũng giữ nhịp tăng khá tốt khi chỉ có duy nhất TNA giảm, cùng 3 mã khác đứng giá, còn lại đều tăng mạnh. Ngoại trừ NKG tăng thấp nhất là 1,6% lên 19.550 đồng, còn lại đều tăng từ hơn 2% trở lên.
Trên sàn HNX, giằng co nhẹ trong nửa đầu phiên sáng, sau đó HNX-Index bứt lên khá mạnh, nhưng cũng nhanh chóng trở lại vào cuối phiên sáng. Trong phiên chiều, chỉ số này chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,08%), xuống 245,88 điểm với 120 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 126,3 triệu đơn vị, giá trị 1.885,2 tỷ đồng, giảm 20,8% về khối lượng và 31,7% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 71,5 tỷ đồng.
Phiên hôm nay DDG là tâm điểm khi mở cửa giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng sau đó bứt lên tăng kịch trần với thông tin lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào 1,8 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, DDG tăng kịch trần 10.200 đồng, khớp 7,65 triệu đơn vị và còn dư mua trần.
Dù không có mức kịch trần như DDG, nhưng AMV cũng có phiên giao dịch tích cực hôm nay cả về điểm số và thanh khoản khi đóng cửa tăng 3,8% lên 5.500 đồng, khớp 9,45 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn HNX sau SHS và trên chính DDG.
Các mã thường đóng góp chính vào giao dịch trên HNX hôm nay đều đóng cửa giảm, trong đó SHS giảm 1,9% xuống 15.800 đồng và vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 18,75 triệu đơn vị. Trong khi đó, CEO giảm 2% xuống 19.200 đồng, khớp 7,16 triệu đơn vị, PVS giảm 0,8% xuống 35.700 đồng, khớp 4,94 triệu đơn vị, MBS giảm 1,9% xuống 20.800 đồng, khớp 4,88 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, dù cũng giằng co nhẹ trong phiên chiều, nhưng đóng cửa chỉ số chính của lại có được sắc xanh, tích cực hơn 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%), lên 93,8 điểm với 196 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,5 triệu đơn vị, giá trị 1.196,6 triệu đơn vị, giảm 41% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên hôm qua.
Ngoại trừ 2 mã thuộc nhóm tài chính (ngân hàng - ABB và chứng khoán - SBS), các mã có thanh khoản cao trên 3 triệu đơn vị hôm nay trên UPCoM đều tăng giá khi đóng cửa, trong đó có 3 mã đóng cửa ở mức kịch trần là LMH (5.200 đồng, khớp 5,16 triệu đơn vị), HHG (3.200 đồng, khớp 3,44 triệu đơn vị) và BOT (6.000 đồng, khớp 3,11 triệu đơn vị). Trong khi đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,03 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,5% lên 20.500 đồng, VHG tăng 2,6% lên 3.900 đồng, khớp 4,62 triệu đơn vị và C4G tăng 0,6% lên 15.600 đồng, khớp 4,49 triệu đơn vị.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay không có giao dịch nào được thực hiện. Còn trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 8 là VN30F2308 giảm tương đương VN30 khi mất 8 điểm (-0,6%), xuống 1.240 điểm với 203.995 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 25.319 tỷ đồng; khối lượng mở 55.734 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có giao dịch khá sôi động khi có tới 12 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là CVRE2216 do SSI phát hành và CVHM2303 do KIS phát hành. Cả 2 đều đóng cửa giảm lần lượt là 6,5% xuống 290 đồng và 16,9% xuống 740 đồng. Trong khi mã có mức tăng mạnh nhất là CSTB2307 do KIS phát hành, tăng 28,8% lên 670 đồng, thanh khoản 1,81 triệu đơn vị, còn mã giảm mạnh nhất là CVHM2219 do HSC phát hành, giảm 20,1% xuống 1.270 đồng, thanh khoản 412.200 đơn vị.