Cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Nhà nước sẽ thoái vốn sâu

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề nghị để ngỏ khả năng Nhà nước sẽ thoái tới 35% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có giá trị vốn hóa lên tới 2 tỷ USD.

Sân bay Nội Bài đang là “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Ảnh: Đ.T Sân bay Nội Bài đang là “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Ảnh: Đ.T

Nhà nước sẽ thoái vốn sâu

Đây là một trong những điểm đáng chú nhất trong phương án cổ phần hóa ACV vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào đầu tuần trước.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ từ 75% xuống không thấp hơn 65% theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp sau cổ phần hóa ACV.

“Căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế từng thời điểm, ACV sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu vào thời điểm thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không thấp hơn 65% vốn điều lệ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị.

Với hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, quy mô vốn điều lệ của ACV được đánh giá là vào loại lớn nhất cả nước, lên tới 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2,243 tỷ cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của ACV, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ; 0,41% vốn điều lệ được bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiêp; 0,13% vốn điều lệ bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn; 20% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và 3,47% vốn điều lệ được bán đấu giá công khai.

Trước đó, vào tháng 12/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế của Công ty mẹ - ACV tính đến ngày 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn nhà nước là 20.769 tỷ đồng. Giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ nói trên không bao gồm giá trị các tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (khoảng 1.914,5 tỷ đồng).

Liên quan phương án IPO, Bộ GTVT cho biết sẽ tiến hành bán đấu giá công khai 77.804.122 cổ phần, với giá khởi điểm là 11.100 đồng/cổ phần.

Như vậy, khác với đề xuất của ACV vào cuối năm 2014, toàn bộ phần vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ và các khoản cổ tức cổ đông Nhà nước sẽ không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà dùng trực tiếp cho việc đầu tư thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, lộ trình thoái vốn nhà nước xuống 65% vốn điều lệ và toàn bộ các khoản tiền được thu từ hoạt động này cũng sẽ phụ thuộc nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sân bay Long Thành đã được xác định tại Tờ trình số 452BC-CP ngày 27/10/2014 của Chính phủ gửi Quốc hội về “Báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.

Theo tính toán, trong trường hợp bán được toàn bộ 35% lượng cổ phiếu với mức giá khởi điểm 11.100 đồng/cổ phần, Bộ GTVT sẽ thu được 8.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD), chưa tính các khoản cổ tức, lợi nhuận phát sinh…, góp phần giảm bớt áp lực nợ công khi xây dựng siêu sân bay Long Thành.

Soi sức hút cổ phiếu ACV

Cũng giống trường hợp của Vietnam Airlines, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được coi là có ảnh hưởng rất lớn đối với chiến lược quản lý kinh doanh của ACV giai đoạn hậu cổ phần hóa.

Trong Tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết là trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng tiêu chí, sau khi các nhà đầu tư tiềm năng gửi hồ sơ tham dự, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng công ty xây dựng bộ tiêu chí chi tiết làm cơ sở lựa chọn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với phương án có độ “mở” lớn hơn cho các cổ đông bên ngoài tham gia sở hữu và vận hành so với ý tưởng được đưa ra hồi giữa năm 2014 (Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ), sức hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn vào loại bậc nhất trong ngành GTVT sẽ tăng đáng kể.

Việc cổ phần hóa tổng công ty này thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Pháp. Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.

Trên thực tế, ACV cũng là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành GTVT, với “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2014 của ACV đạt 9.090 tỷ đồng, bằng 112,7% kế hoạch đề ra. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 1.693,4 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch.

Mặc dù chịu tác động rất lớn của những bất ổn về địa chính trị trên thế giới, an ninh hàng không diễn biến phức tạp, nhưng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV vận hành trong năm qua đạt 50,86 triệu lượt, tăng 15%; hàng hóa bưu kiện đạt 814.000 tấn, tăng 7% so với năm 2013. Hạ cất cánh thương mại ước đạt 373.839 chuyến, tăng 13,86% so với năm 2013.

“Lợi nhuận và doanh thu của ACV sẽ còn tăng mạnh trong năm nay, bởi thị trường hàng không quốc tế và nội địa được kỳ vọng khởi sắc mạnh sau hơn 4 năm trầm lắng“, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục