Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm, có khả năng không đạt kế hoạch

(ĐTCK) DNNN đã giảm mạnh về số lượng, từ 12.000 doanh nghiệp trong năm 1990 đến nay chỉ còn gần 600 doanh nghiệp. Trong 3 năm, từ 2016 đến nay, số lượng DNNN được cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tăng mạnh mẽ so với giai đoạn trước.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm, có khả năng không đạt kế hoạch

Những có số trên đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra sáng nay 21/11.

Hội thảo với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham gia của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong giai đoạn từ năm 2016 – tháng 11/2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn được trên 17.000 tỷ đồng, thu về được gần 155.000 tỷ đồng (gấp 10 lần giá sổ sách).

Bên cạnh đó, các DNNN được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt để định hướng điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: một số Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng phê duyệt của Thủ tướng;

Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; số lượng vốn nhà nước đã bán ra ở một số doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

“Chúng ta phải tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ DNNN. DNNN chỉ tập trung làm những lĩnh vực quan trọng, quốc phòng an ninh, lĩnh vực thiết yếu mà các thành phần kinh tế khác không làm được đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa. Có những địa phương thực hiện cổ phần hóa DNNN rất thành công nhưng có những địa phương vẫn muốn Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu ở nhiều DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần phân tích, nhìn thẳng vào các khó khăn, thách thức để tìm ra giải pháp cụ thể đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. 

Cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt cũng cho thấy, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.

Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục