Cổ phần hóa, thoái vốn chờ thoát “khoảng lặng”

(ĐTCK) “Nốt trầm” trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ sớm qua khi các dự thảo văn bản gỡ khó cho hai tiến trình này đang được đặt lên bàn các cơ quan chức năng để ban hành chính sách ngay đầu năm mới 2020.
Cổ phần hóa, thoái vốn chờ thoát “khoảng lặng”

Kết quả 2019 thấp ngoài dự liệu

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 30/9/2019, có 148 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378, chiếm 71%.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Tổng giá trị của 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đó chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (bằng 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92.

Những số liệu trên cho thấy, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất chậm.

Tương tự là tình trạng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đầu mối bán vốn nhà nước lớn nhất, trong cả năm 2019, tỷ lệ bán vốn nhà nước của SCIC chỉ đạt khoảng 17% kế hoạch.

Trong khi đó, tại các diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn luôn là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm.

Tại cuộc gặp của Thủ tướng và 3.000 doanh nghiệp gần đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đề nghị, Chính phủ đẩy nhanh tiến trình này, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư bỏ vốn vào nền kinh tế.

“Nhà máy đường Biên Hòa bán được 68 tỷ đồng vốn nhà nước. Sau khi chúng tôi bỏ vốn vào đã mở rộng sản xuất - kinh doanh, mỗi năm, nhà máy đóng thuế không dưới 70 tỷ đồng, còn Nhà nước có khoản tiền 68 tỷ đồng đầu tư cho các dự án khác”, ông Thành nêu ví dụ về tác động tích cực của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì tỏ rõ sự sốt ruột khi nhấn mạnh rằng, cơ hội để họ lựa chọn hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là quá hẹp.

Không có các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, dư địa sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty tiềm năng hầu như không còn.

Một phân tích được dẫn chiếu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 cho thấy, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 145 tỷ USD, trong đó tổng vốn hóa cho nhà đầu tư nước ngoài theo luật là 72 tỷ USD, room còn lại chỉ còn hơn 10 tỷ USD.

Nói về nguyên nhân của tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn chậm, nhiều chuyên gia không buồn nhắc lại.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, có nhiều lý do khiến bức tranh thoái vốn nhà nước trong năm 2019 không sáng: “Chúng tôi đã nói nhiều về vướng mắc, trong đó vướng mắc nhất là định giá doanh nghiệp”.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích…

Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa nghiêm túc triển khai.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Thực tế, sự chậm trễ cũng bắt nguồn từ việc khó có thể thực hiện một số quy định mới. Có nhiều phiên thoái vốn do SCIC thực hiện, thị trường và bên bán cầm chắc không có người mua, nhưng không thể làm khác, chẳng hạn phiên chào bán cổ phần tại Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Domesco (DMC), Vocarimex, Nhiệt điện Quảng Ninh...

Đại diện SCIC cho biết, việc định giá doanh nghiệp theo các quy định mới rất chặt chẽ, phải tính đủ, tính tối đa theo các phương pháp định giá dựa trên tiềm năng doanh nghiệp, chứ không đơn thuần theo phương pháp định giá tài sản.

Ngoài ra, SCIC còn phải tuân thủ quy định là giá khởi điểm không thấp hơn trung bình giá cổ phiếu trong ít nhất 30 phiên liên tục trước khi chọn thời điểm chốt giá.

"Có doanh nghiệp chúng tôi mới đầu tư 2-3 năm thì làm sao có giá trị lịch sử, văn hoá. Tuy nhiên, quy định vẫn yêu cầu tính 1% lịch sử, văn hoá vào giá trị doanh nghiệp”, Phó tổng giám đốc SCIC nói.

Hay vấn đề sở hữu đất đai, có những doanh nghiệp nhà nước thuê đất trả tiền hàng năm, giờ yêu cầu định giá sát với giá thị trường, quả thực là rất khó, vì chưa có thị trường đất đai đích thực.

Nghị định số 32/2018/NĐ-CP yêu cầu “Xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật”.

Giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ, thực tế triển khai xác định giá khởi điểm bán cổ phần tại các doanh nghiệp cho thấy, các tài sản vô hình của doanh nghiệp thường là giá trị quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng, giá trị tiền thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê, phần mềm máy tính, nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, bằng phát minh, sáng chế, bản quyền thuốc và các tài sản quyền sở hữu trí tuệ khác.

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá doanh nghiệp, việc xác định giá trị tài sản vô hình nói chung và giá trị quyền sở hữu trí tuệ nói riêng được quy định trong phương pháp tài sản.

Trong nhiều trường hợp, việc xác định giá trị là không khả thi vì doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin, hoặc chỉ cung cấp cho cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp; nhiều tài sản vô hình là các bằng sáng chế, phát minh, phần mềm đặc thù liên quan đến bí quyết kinh doanh nên doanh nghiệp không cung cấp thông tin; một số tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ khó xác định hoặc không xác định được, vì không đủ điều kiện để ghi nhận là tài sản vô hình trên bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp (ví dụ nhãn hiệu).

Trong các trường hợp này, đơn vị tư vấn không thể xác định được giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị các tài sản vô hình khác.

Đặc biệt, việc xem xét giá trị đất đai nảy sinh các trường hợp rất phức tạp.

Theo một công ty thẩm định giá, không ít doanh nghiệp đang vướng vào tình trạng có những khu đất có giấy tờ không hoàn chỉnh, nhưng thành phố hoặc tỉnh vẫn cho tiếp tục sử dụng đất, thậm chí thời gian hết hạn sử dụng tới cả chục năm và hàng năm, doanh nghiệp vẫn đóng tiền sử dụng đất.

Trường hợp này rất khó định giá, bởi doanh nghiệp có thể bị thu hồi đất bất cứ lúc nào.

Việc bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần chưa niêm yết cũng nan giải: đấu giá công khai, đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh và chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Theo quy định, giá khởi điểm sẽ không thay đổi trong quá trình triển khai 3 bước (trừ khi chứng thư thẩm định giá đã quá thời hạn). Bán vài lần không được mà vẫn không được hạ giá, giảm giá thì rất khó cho bên chào bán.

Sẽ sớm gỡ tắc

Bộ Tài chính đã nhận được nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định /2018/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

“Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo mới, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32. Về cơ bản, dự thảo có những quy định thuận lợi cho quá trình thoái vốn”, ông Tùng nhận xét.

Ông Tùng cho hay, Nghị định 32 mới nếu được thông qua sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong định giá. Chẳng hạn, lợi thế giá trị lịch sử, văn hoá tạm tính 1% sẽ được loại bỏ; lợi thế quyền sử dụng đất sẽ được tiếp cận sát với Luật Đất đai, giúp giá trị doanh nghiệp sát với giá trị thực tế hơn. Việc sửa đổi Nghị định 32 sẽ khiến bức tranh thoái vốn năm 2020 khởi sắc hơn 2019 rất nhiều.

Tương tự, việc sửa Nghị định 126/2017/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, nhiều tiềm năng.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư và tư vấn doanh nghiệp, ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, yếu tố cốt lõi quyết định thành công của các đợt cổ phần hóa, thoái vốn là chất lượng doanh nghiệp, thể hiện trên 2 khía cạnh, sản xuất - kinh doanh hiệu quả vàquản trị minh bạch.

Để thị trường có thêm hàng hóa chất lượng, ngay từ các bước ban đầu liên quan đến thủ tục, phê duyệt định giá cũng phải thông suốt.

Hà Minh - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục