Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa kéo dài, hiệu quả cổ phần hóa không cao; thậm chí có trường hợp doanh nghiệp trốn tránh khiến DATC phải lặn lội khởi kiện ra pháp luật.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Vào cuối tháng 10/2019, DATC khởi kiện Công ty cổ phần Sông Đà 8 (trụ sở ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La) về nghĩa vụ bàn giao tài sản.
Năm 2007, Công ty TNHH một thành viên Sông Đà thực hiện cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Sông Đà 8. Quá trình cổ phần hóa, Công ty đã loại trừ một số tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp để bàn giao sang cho DATC.
Ngày 22/10/2010, DATC và công ty ký biên bản bàn giao trên sổ sách các khoản nợ và tài sản loại trừ. Công ty cổ phần Sông Đà 8 có trách nhiệm nộp về cho DATC số tiền thu được từ xử lý tài sản trước bàn giao là 2,7 tỷ đồng.
Trong đó, bao gồm các khoản là tiền thanh lý tài sản loại trừ là 210 triệu đồng, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 2,5 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, DATC mới thu được 996,7 triệu đồng. Sau khi trừ đi phần trích lại, DATC xác định doanh nghiệp còn chưa nộp lại số tiền 1,7 tỷ đồng.
Công ty có các văn bản xin được giữ lại khoảng 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ tôn tạo đất để bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, gần 9 năm nay, Công ty không cung cấp được chứng từ sử dụng khoản tiền trên. Vì vậy, DATC buộc phải khởi kiện ra tòa án, yêu cầu doanh nghiệp phải nộp lại số tiền gốc là 1,7 tỷ đồng. Khi nộp các khoản nợ và tài sản loại trừ thì các bên đều có lợi nhuận.
Trong số đó, DATC được trích lại 30% tương đương số tiền 522,4 triệu đồng; Công ty Sông Đà 8 được trích lại 10%, tương ứng với 174,1 triệu đồng và nộp về ngân sách nhà nước 60% là 1,04 tỷ đồng.
Trong suốt quá trình tố tụng, mặc dù được triệu tập hợp lệ 2 lần, nhưng doanh nghiệp vắng mặt.
Tòa án căn cứ vào Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Thông tư số 38/2006/TT-BTC ngày 10/5/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự thủ tục và xử lý tài chính đối với hoạt động mua bán, bàn giao, tiếp nhận xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp và Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu của DATC.
Riêng với khoản tiền lãi chậm nộp tính đến ngày 25/10/2019 (ngày xét xử sơ thẩm) là 1 tỷ đồng; trong đó, DATC hưởng 30% và nộp ngân sách nhà nước 60%.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Sông Đà 8 còn phải chịu lãi suất thi hành án đối với khoản tiền chậm nộp cho đến khi thanh toán xong.
Câu chuyện của Công ty cổ phần Sông Đà 8 không phải là cá biệt. Thực tế, trường hợp doanh nghiệp chây ỳ xử lý và bàn giao tài sản diễn ra khá phổ biến, điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco).
Suleco được cổ phần hóa năm 2015, cổ đông nhà nước nắm giữ 25%. Phần vốn này do Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) làm đại diện.
Công ty quản lý và sử dụng tài sản là các lô đất thuộc khu “đất vàng” ở TP.HCM, gồm lô đất 842 m2 tại 635A đường Nguyễn Trãi (phường 11, quận 5) và lô đất 12.305 m2 tại 165 Đại lộ 3 (phường Phước Bình, quận 9). Khi cổ phần hóa, các lô đất này không được tính vào giá trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Suleco chưa hoàn thành việc quyết toán nộp trả ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian trước khi cổ phần hóa. Theo ghi nhận 3 năm trước cổ phần hóa, Công ty đều có lãi với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước ở mức 17 - 27%.