Cổ phần hóa Sawaco sẽ tạo cơ hội cho Manila Water

Để được cung cấp nguồn nước toàn diện tại TP HCM, Manila Water phải tiếp cận được hệ thống phân phối do Sawaco nắm hơn 90%, khả thi nhất là chờ tới thời điểm Sawaco cổ phần hóa.
Cổ phần hóa Sawaco sẽ tạo cơ hội cho Manila Water

Thị trường nước ở Việt Nam đang âm thầm dậy sóng với những động thái gần đây của các công ty trong ngành. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) vừa ra mắt công ty con mang tên Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Việt Nam Philippines (VPI). Vốn điều lệ của VPI là 900 tỷ đồng, trong đó CII sở hữu 99,99%.

 

CII cho biết sẽ chuyển nhượng cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu tại VPI xuống dưới 50% cho các nhà đầu tư, kể cả nước ngoài. Đây là cơ hội để khối ngoại có thể tiến sâu thêm vào ngành hạ tầng nước của Việt Nam . Trong đó, đại gia Manila Water chính là ứng cử viên sáng giá.

 

“Việt Nam là một trong những thị trường có nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng cao nhất châu Á. Manila Water sẽ không bỏ lỡ tiềm năng này”, Tổng giám đốc Tập đoàn Ayala, ông Jaime Augusto Zobel de Ayala, cho biết.

 

Tháng 4, Ayala đã cùng lúc công bố 2 khoản đầu tư gồm mua 10% cổ phần của CII và công ty con Manila Water sở hữu 47,35% cổ phần của Công ty cấp nước Kênh Đông. Đây cũng là đơn vị thứ hai cung cấp nước cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) với sản lượng hơn 150 triệu lít/ngày.

 

Từ năm 2007, Manila Water đã bước vào thị trường Việt Nam sau khi ký hợp đồng 5 năm trị giá 44 triệu USD với Sawaco cho dự án giảm thất thoát nước vùng 1 của TP HCM. Không dừng tại đây, cuối năm qua, Manila Water đã tiến thêm một bước sâu hơn sau khi thôn tính 49% cổ phần của Công ty nước Thủ Đức hoạt động theo mô hình BOO (đầu tư-vận hành-sở hữu).

 

Mới đây, ông Ferdinand Dela Cruz, một trong những Giám đốc điều phối hoạt động của Tập đoàn Ayala, công ty mẹ của Manila Water từng tiết lộ trên trang web business.inquirer.net rằng, thương vụ này có giá trị không dưới 50 triệu USD. Nước Thủ Đức là đơn vị cung cấp hơn 300 triệu lít nước/ngày cho Sawaco.

 

Tuy nhiên, để có thể cung cấp giải pháp toàn diện về phân phối và quản lý nguồn nước tại TP HCM, Manila Water cần phải tiếp cận được hệ thống phân phối nước do Sawaco nắm giữ hơn 90%. Giải pháp khả thi nhất là chờ tới thời điểm Sawaco cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì điện, nước vẫn là 2 ngành thiết yếu được Nhà nước quản lý chặt chẽ.

 

Trong khi chờ đợi, Ayala đã mua 10% vốn của CII, một bước đệm mở đường cho Manila Water có thể tiến tới sở hữu đến hơn 50% cổ phần (tương đương hơn 450 tỷ đồng) của VPI trong thời gian tới.

 

Cơ cấu đầu tư hiện nay của CII gồm hơn 80% cho các dự án cơ sở hạ tầng (vốn 6.547 tỷ đồng), trong đó có 8 dự án cầu đường giao thông và 3 dự án sản xuất nước sạch. Do vậy, khả năng Manila Water đưa VPI của CII vào tầm ngắm là khá lớn. Ngược lại, VPI cũng có quyền chọn mặt gửi vàng nếu muốn nhượng hơn 50% cổ phần.

 

Thông tin từ Sawaco cho hay, năm nay, Sawaco sẽ mở thêm gần 1.400 km đường ống, nâng cấp, mở rộng hàng loạt các nhà máy cấp nước. Để đạt mục tiêu trên, Sawaco cần nguồn vốn đầu tư lên tới 12.740 tỷ đồng từ năm 2012-2015. “Khó khăn lớn nhất mà Sawaco phải đối mặt là khả năng mất cân đối về vốn đầu tư xây dựng”, ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Sawaco, cho biết.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2013 và cũng không loại trừ cái tên Sawaco có thể sẽ nằm trong số này. Đó sẽ là cơ hội cho Manila Water.

 

“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%/năm tại Việt Nam trong 5 năm tới. Kế hoạch này phù hợp với chiến lược sản xuất và phân phối 500 triệu lít nước/ngày của TP HCM trong tương lai”, Chủ tịch Manila Water, ông Gerry Ablaza cho biết tại Hội thảo Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa thủ đô Manila và TP HCM tại thành phố Pasay, Philippines gần đây.

 

Không chỉ riêng Việt Nam, Tập đoàn Ayala, công ty mẹ của Manila Water với tổng tài sản hiện lên tới 8,5 tỷ USD, trong tháng 10 vừa qua cũng công bố sẽ thâu tóm 51% cổ phần của nhà máy nước thuộc sở hữu của Công ty PT PAM Lyonnaise Jaya (Palyja) ở Jakarta, Indonesia theo thông tin từ trang web intellasia.net. “Với sản lượng hơn 700 triệu lít/ngày cùng hệ thống phân phối dài 5.300 km của Palyja, đây là thương vụ quan trọng của Manila Water với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD”, một Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh của Manila Water (không muốn nêu tên) tiết lộ.

 

Chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong năm nay của Manila Water được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2012. Theo đó, Công ty đã tăng trưởng 24% tổng doanh số lên mức 7,2 tỷ Peso (175 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2011.

 


Nhịp cầu đầu tư

Tin cùng chuyên mục