Hơn 200 doanh nghiệp chờ bán
6 tháng cuối năm 2015, theo kế hoạch, sẽ có 200 doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa. Trong số các doanh nghiệp trong diện sắp xếp, cổ phần hóa, thì nhiều doanh nghiệp là các tập đoàn, tổng công ty, có quy mô vốn, tài sản rất lớn.
Mặt khác, theo chỉ đạo của Chính phủ, với những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, cần gia tăng lượng cổ phần chào bán ra công chúng.
Theo bước tính của Bộ Tài chính, nếu việc cổ phần hóa hơn 200 doanh nghiệp chỉ theo con đường thị trường, có nghĩa là tổ chức chào báo cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thì rất khó khả thi, nhất là trong bối cảnh sức cầu trên TTCK chưa được cải thiện, nguồn lực từ khu vực trong nước hạn chế.
Chính vì lý do trên, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế “cổ phần hóa bước 1”, đó là chuyển toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần ngay cả khi chưa có điều kiện IPO ngay.
Theo đó, với những doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chưa có điều kiện IPO ngay, thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm của doanh nghiệp dự kiến sẽ bán ra bên ngoài trong phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các ưu đãi mà người lao động, tổ chức công đoàn được hưởng theo quy định...
Trong vòng 12 tháng sau khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện IPO.
“Khi cơ chế trên được phê duyệt và triển khai, một lượng hàng hóa rất lớn sẽ được chuẩn bị sẵn. Chỉ cần khả năng hấp thụ của thị trường được cải thiện là cổ đông nhà nước sẵn sàng chào bán cổ phần ra bên ngoài…”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết.
Nới room sẽ phát huy hiệu lực nếu bán hàng tốt, bán lớn
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa qua là nội dung: đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa. Trường hợp pháp luật về cổ phần hóa không có quy định, tỷ lệ này thực hiện như áp dụng với công ty đại chúng.
“Khi quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có hiệu lực, yếu tố ngoại sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...”, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận và cho rằng, Nghị định 60/2015 sẽ giúp nâng cao sức cầu cho TTCK, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ có hiệu ứng trước mắt với những công ty hết room và dần mở rộng ra với các công ty đã niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tập trung, các công ty đại chúng chưa niêm yết, các công ty cổ phần khác thông qua việc thực hiện các thương vụ M&A, cũng như các doanh nghiệp nhà nước được đưa ra IPO.
Không chỉ các thành viên thị trường, cả cơ quan quản lý cũng kỳ vọng khi quy định về nới room có hiệu lực, sẽ gia tăng sức cầu, qua đó giúp cải thiện khả năng hấp thụ lượng hàng hóa lớn đang chờ bán ra thị trường.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc thực hiện Nghị định 60/2015 sắp tới đây được kỳ vọng sẽ thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Khi sức cầu của TTCK được cải thiện bền vững, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai đạt được kết quả cao cả về số lượng và chất lượng.
Ở một góc nhìn khác, chia sẻ trên diễn đàn đối thoại với nhà đầu tư tại New York vừa qua, ông Johan Nyvenne, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, nếu việc nới room được thực hiện theo đúng lộ trình tại Nghị định 60, hoạt động M&A sẽ sôi động và nhiều thương vụ giao dịch có khả năng tăng giá.
Tuy nhiên, M&A hay việc chào bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có thực sự hấp dẫn hay không, trước hết phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên bán.
"Như VNM, cổ phiếu rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng khi Nghị định 60 có hiệu lực mà Nhà nước không muốn thoái bớt vốn, thì hiệu quả của việc nới room cũng không thể hiện trong trường hợp này", ông Johan nói.