Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vẫn lấn cấn chuyện phí tư vấn

(ĐTCK) Không hiếm công ty chứng khoán (CTCK) lớn, dày dạn kinh nghiệm trong tư vấn cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang từ chối cung cấp dịch vụ này cho DN nhà nước, vì mức phí kém hấp dẫn. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ của các đợt cổ phần hóa DN nhà nước.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Vẫn lấn cấn chuyện phí tư vấn

“Tư vấn để làm hình ảnh, chứ lời lãi đáng bao nhiêu…”

Phó tổng giám đốc một CTCK lớn có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn cổ phần hóa, IPO chia sẻ như vậy và cho biết thêm, để đi đến kết thúc một thương vụ tư vấn cổ phần hóa, IPO cho một tập đoàn hoặc một tổng công ty lớn, nhà tư vấn phải mất cả năm trời với rất nhiều công sức, nhưng mức phí thu được chỉ vài trăm triệu đồng, nhiều cũng chỉ vài tỷ đồng do bất cập của cơ chế tính phí tư vấn cổ phần hóa, IPO.

Theo quy định hiện hành, chi phí cổ phần hóa tính theo giá trị DN, với mức chi không quá 500 triệu đồng đối với các DN có giá trị trên 100 tỷ đồng. Trường hợp cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty, thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền nếu vượt mức quy định.

“Vì chẳng mấy lời lãi, nên Công ty xác định tham gia tư vấn cổ phần hóa, IPO cho vài DN lớn, coi đây là một hình thức đầu tư để làm hình ảnh, chứ tính chi li thì chẳng thu được lợi ích gì đáng kể…”, vị lãnh đạo CTCK trên chia sẻ.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các CTCK nhỏ muốn có nhiều việc, nhưng rất khó ký được các hợp đồng tư vấn cổ phần hóa, IPO vì các DN quy mô lớn thường thích thuê các CTCK lớn. Ngược lại, các CTCK lớn, uy tín đang phải nói lời từ chối tư vấn cổ phần hóa, IPO với nhiều công ty, vì mức phí thu được bèo bọt; đồng thời, không có triển vọng kiếm thêm giá trị gia tăng.

Khẩu vị tư vấn cổ phần hóa, IPO ưa thích của các CTCK lớn là tập trung tư vấn cho các tập đoàn, tổng công ty lớn. Điều này mang lại cơ hội “kiếm thêm” cho nhà tư vấn nếu hỗ trợ đối tác IPO đắt hàng. Hơn nữa, các DN lớn có rất nhiều công ty con, công ty liên kết, các CTCK có cơ hội cung cấp dịch vụ tư vấn cho các đơn vị thành viên. 

“Làm mềm” cơ chế phí tư vấn

Để chống ế cho các đợi IPO, qua đó, thúc đẩy cổ phần hóa, khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chuyển DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 59/2011 (đang lấy ý kiến rộng rãi), Bộ Tài chính đề xuất cách mới trong bán cổ phần qua IPO là phương thức dựng sổ (Book building).

Theo phương thức này, đơn vị tư vấn, bảo lãnh phát hành và nhà phát hành phối hợp với nhau trong quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị  trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Với đặc thù trên, phương thức dựng sổ sẽ không có “đất sống” nếu quy định cứng về mức phí tư vấn cổ phần hóa, IPO hiện tại vẫn duy trì, bởi khối lượng công việc đặt ra cho nhà tư vấn lớn, trong khi mức thu phí chẳng bõ bèn. Do đó, để tương thích với phương thức dựng sổ, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi cơ chế hiện hành theo hướng chi phí cổ phần hóa giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, tổng giám đốc DN quyết định mức chi cụ thể và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Các khoản chi phí cổ phần hóa gồm: các khoản chi phí trực tiếp tại DN (kiểm kê, xác định giá trị tài sản; lập phương án cổ phần hóa, xây dựng điều lệ; chi phí tổ chức bán cổ phần…); tiền thuê kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa và bán cổ phần; thù lao cho Ban chỉ  đạo cổ phần hóa và tổ  giúp việc…

Ý kiến từ các CTCK cho rằng, dự thảo Nghị định cũng như quy định hiện hành chưa có khung pháp lý cho mức phí thành công mà DN nhà nước cổ phần hóa, IPO trả cho đơn vị tư vấn trong trường hợp tư vấn giới thiệu và chào bán được cho đối tác chiến lược tốt, trong khi thực tế đơn vị tư vấn thường thu được phí thành công theo hiệu quả tư vấn đối với các DN tư nhân…

Nếu không có cơ chế phí thành công thì đơn vị tư vấn không có động lực tham gia chào bán, từ đó việc các DN nhà nước tự mày mò bán vốn chiến lược sẽ rất khó khăn và khả năng thành công thấp do thiếu kinh nghiệm. Do đó, dự thảo Nghị định nên bổ sung nội dung này.

“Thực tế, khi triển khai dịch vụ tư vấn tại các DN tư nhân, chúng tôi có thể linh hoạt áp dụng các cấu trúc phí khác nhau, thậm chí là cấu trúc phí lũy tiến theo mức độ thành công của kết quả huy động vốn, trong khi lại không nhận được kết quả tương tự khi tư vấn cho các DN nhà nước cổ phần hóa, IPO…”, bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư, CTCK Bản Việt (VCSC) chia sẻ và đề nghị cần bổ sung cơ chế phí thành công để kích thích các đơn vị tư vấn tham gia IPO, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.  

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục