Được biết, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giao Bộ Tài chính lập danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần qua IPO, nhưng số cổ phần bán được chưa đạt tỷ lệ theo phương án đã được phê duyệt, trên cơ sở đó đề ra lộ trình tiếp tục bán vốn nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ Tài chính đã tập hợp xong danh sách này chưa, thưa ông?
Chúng tôi đang rà soát để tập hợp danh sách các doanh nghiệp này, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ đề ra phương án bán tiếp vốn tại các doanh nghiệp mà tỷ lệ cổ phần bán được qua IPO thấp. Để bán tiếp vốn, cần phải xem xét phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp có còn hiệu lực không (trong vòng 1 năm kể từ khi phê duyệt). Với các trường hợp phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt quá 1 năm, thì phải xác định lại giá trị doanh nghiệp để bán tiếp cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước.
Ông Đặng Quyết Tiến
Qua theo dõi kết quả bán cổ phần của các doanh nghiệp khi tiến hành IPO, Bộ Tài chính nhận thấy số lượng doanh nghiệp IPO không thành công có nhiều không, lượng cổ phần bị “ế” tại các doanh nghiệp này đạt tỷ lệ trung bình bao nhiêu?
Tuy chưa có danh sách, nhưng qua theo dõi hoạt động IPO các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp bán được lượng cổ phần thấp so với tổng lượng cổ phần đưa ra IPO. Cá biệt, có những doanh nghiệp chỉ bán được 1 - 2% trong tổng lượng cổ phần chào bán. Chẳng hạn, theo dõi các phiên IPO của doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng cho thấy, đơn vị chủ quản là Bộ Xây dựng thường chốt tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ cao trong phương án IPO, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Đơn cử, trong tổng số hơn 35,5 triệu cổ phần mà Công ty mẹ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đưa ra IPO, chỉ bán được hơn 1 triệu cổ phần. Trong quá trình triển khai IPO Lilama, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 49% cổ phần của Tổng công ty, nhưng Bộ Xây dựng không chấp thuận.
Khi lý giải nguyên nhân khiến các đợt IPO thất bại, nhiều ý kiến cho rằng, sức cầu của thị trường hạn chế trong khi các đợt IPO được tổ chức dày đặc. Ông có đồng ý với cách giải thích này?
Không thể phủ nhận nguyên nhân sức cầu của thị trường còn hạn chế, nhưng qua thực tiễn theo dõi sát khâu triển khai cổ phần hóa, tổ chức IPO, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính khiến nhiều đợt IPO không thành công là do năng lực của đơn vị tư vấn yếu kém. Nhà tư vấn không chỉ là xác định giá trị doanh nghiệp (việc này đơn giản, do đã có sẵn quy trình, quy chuẩn), mà còn xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp trong tương lai, tìm được nhà đầu tư chiến lược. Thế nhưng, trên thực tế có nhà tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa cho doanh nghiệp theo kiểu chép lại phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp khác. Không thể chấp nhận tình trạng lợi thế, điểm yếu của doanh nghiệp này lại được được “bê” nguyên vào phương án cổ phần hóa, IPO của doanh nghiệp khác.
Khi nhà tư vấn phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành, thì không nên so sánh với các doanh nghiệp trong nước, mà nên so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, hoặc trên thế giới, qua đó làm nổi bật những lợi thế, điểm mạnh của doanh nghiệp, cũng như những điểm hạn chế, kèm theo đó là những thông tin có chiều sâu, để giúp nhà đầu tư nhận diện rõ cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.
Ví dụ, với phương án tư vấn cổ phần hóa cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang được triển khai, vì Tập đoàn có vốn chủ sở hữu ước lên đến 40.000 tỷ đồng, tài sản rất đa dạng và là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cao su, nên không thể so sánh về những điểm mạnh, yếu với các doanh nghiệp trong nước, mà phải so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành ít nhất trong ASEAN, thậm chí là so sánh với các doanh nghiệp lớn ở các cường quốc trồng và xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới. Qua đó, giúp nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài nhận diện rõ cơ hội, cũng như rủi ro khi đầu tư vào VRG, thì phương án tư vấn cổ phần hóa, IPO mới tạo ra sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ông, cách nào để khắc phục bất cập trên, qua đó tăng khả năng thành công cho doanh nghiệp khi IPO, cũng như bán tiếp vốn nhà nước được ví như “cổ phần hóa lần 2”?
Điều quan trọng là thay đổi cách bán, chứ không thể làm theo cách cũ. Một trong những cách mà chúng tôi kiến nghị với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cần có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu hoạt động sau IPO theo hướng xử lý triệt để các tồn tại, nhất là về tài chính, để tạo ra hình ảnh và sức khỏe mới về doanh nghiệp. Cùng với đó là đổi mới cơ chế để quy trách nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo cổ phần hóa, cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp, nếu IPO, hoặc thoái vốn nhà nước không thành công.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là hình thành cơ chế cho phép doanh nghiệp lựa chọn các doanh nghiệp tư vấn tốt, kể cả thuê tư vấn nước ngoài để đảm bảo thu hút được nhà đầu tư tham gia ngay trong quá trình xây dựng phương án IPO, thoái vốn nhà nước. Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải khắt khe với công ty tư vấn, chứ nhà tư vấn nói chỉ làm được đến thế, mà không thể nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn cho phương án cổ phần hóa, IPO, nhưng Ban chỉ đạo cổ phần hóa vẫn chấp nhận, thì… nguy to.
Ông có thể phân tích rõ hơn hướng đề xuất cơ chế của Bộ Tài chính để cho phép doanh nghiệp chọn được tư vấn tốt, qua đó tăng sức hấp dẫn cho phương án IPO?
Trong quá trình xây dựng phương án sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần mà Bộ Tài chính đang triển khai, chúng tôi tập trung vào đề xuất các giải pháp, cũng như tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, giới chuyên gia…, nhằm nâng cao các tiêu chuẩn mà nhà tư vấn phải đáp ứng khi tham gia tư vấn cổ phần hóa, IPO các doanh nghiệp nhà nước. Qua đó, giúp doanh nghiệp chọn được các nhà tư vấn tốt thông qua đấu thầu công khai.
Chúng ta không phải chê tư vấn trong nước, nhưng với những doanh nghiệp nhà nước lớn, đầu ngành khi tiến hành cổ phần hóa, rõ ràng nhà tư vấn nước ngoài có lợi thế hơn. Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, IPO cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, họ phải mua dữ liệu từ nhiều nguồn, kể cả từ nước ngoài, cũng như kết nối, tìm kiếm nhà đầu tư, trong đó có cả cổ đông chiến lược, nên chi phí tư vấn cổ phần hóa, IPO cao hơn. Do đó, cần phải điều chỉnh về pháp lý để mở đường cho doanh nghiệp áp dụng. Thực tế cho thấy, với tư vấn nước ngoài, ngay trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, IPO, thì họ đã tìm kiếm được một số nhà đầu tư nhất định, để đảm bảo cho IPO thành công. Trường hợp chưa tìm kiếm được nhà đầu tư, họ đề xuất lùi thời gian IPO, để tránh nguy cơ cổ phần bị “ế”.
Trong lần sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP này, Bộ Tài chính còn đề xuất thêm giải pháp nào để tránh “ế” cho các đợt IPO?
Với những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc nắm nhưng không chi phối, thì thay vì cách làm như trước đây là đưa ra lộ trình bán cổ nhà nước làm nhiều đợt, kéo dài trong nhiều năm, Bộ Tài chính sẽ đề xuất hình thành cơ chế bán vốn một lần, với tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài tối đa. Qua đó, mở đường cho nhà đầu tư trở thành chủ mới tại doanh nghiệp, để thực sự đổi mới về quản trị, tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ” như trước.
Vậy bao giờ những cơ chế mới trên sẽ được áp dụng, thưa ông?
Theo kế hoạch, trong tháng 11/2016, dự thảo sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành. Trên cơ sở đó, hy vọng ngay trong năm nay sẽ áp dụng luôn các nội dung cải cách về cơ chế cổ phần hóa.