Thủ tướng Chính phủ gần đây đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước (DNNN) thực hiện thoái vốn trong năm nay.
Quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu vốn nhà nước trong các DNNN. Quyết định cũng sẽ giúp đảm bảo đủ nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020.
Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Đại học RMIT Tiến sĩ Burkhard Schrage cho rằng, việc thúc đẩy thoái vốn DNNN trong nửa cuối năm 2020 sẽ tạo ra “những cơ hội thú vị cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
“Mặc dù thời điểm hiện tại có thể khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những bất ổn toàn cầu khác, quyết định đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN ngay thời điểm này là sáng suốt, đồng thời cũng giải quyết được tình trạng chậm tiến độ cổ phần hóa”.
Tiến sĩ Schrage bổ sung rằng việc chậm triển khai kế hoạch đã và đang là một điểm khiến các nhà đầu tư quốc tế chưa hài lòng.
Việc tăng tốc thoái vốn sẽ giúp tận dụng được mối quan tâm lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam và giá trị cao chưa từng có của thị trường chứng khoán thế giới - điều mà theo Tiến sĩ Schrage cho thấy nhu cầu nắm giữ cổ phiếu vẫn tiếp tục cao trên toàn cầu.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa cũng sẽ giúp tận dụng tối đa những cải cách về bộ nguyên tắc quản trị công ty và việc áp dụng các cơ chế quản trị hiện đại tại các doanh nghiệp Việt.
“Những diễn tiến này giúp tăng tính minh bạch và giảm rủi ro đầu tư cho cổ đông thiểu số, từ đó giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam”, chuyên gia này nhận định.
Tiến sĩ Schrage tin rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng niềm tin vào Việt Nam sẽ là tín hiệu tốt cho triển vọng tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan sẽ buộc phải đưa ra những cam kết mạnh mẽ về vấn đề này.
“Chính phủ nên đưa ra khung pháp lý minh bạch và dễ dự đoán cho các ngành nghề mà những DNNN đang hoạt động”, Tiến sĩ nhận định thêm.
Ông còn đề xuất một số biện pháp để nhà nước có thể tối ưu hóa giá trị thoái vốn của các DNNN, bao gồm tăng tính minh bạch của quy trình tổng thể, áp dụng các cơ chế quản trị công ty tiên tiến trên thế giới và chỉ định những tổ chức quốc tế có uy tín cho việc cổ phần hóa.
“Nhà chức trách nên xem xét cắt bớt những tài sản có vấn đề tại mọi doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa”, ông nhấn mạnh. “Chẳng hạn trong ngành ngân hàng, chính phủ có thể tiếp quản danh mục nợ xấu trước khi thoái vốn và chỉ cổ phần hóa các tài sản có khả năng tạo ra thu nhập”.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, một số cổ phiếu có trong danh mục thoái vốn nhà nước năm nay đã có sóng lớn. Đơn cử, cổ phiếu SAB của Sabeco đã tăng gần 50%.
Thông tin được cho là có ảnh hưởng lớn tới biến động thị giá cổ phiếu này là tiến trình thoái vốn nhà nước.
Trên nhiều diễn đàn, nhà đầu tư bàn luận khá rôm rả về chủ đề này và câu hỏi thường trực là “SAB sẽ được thoái vốn ở mức giá nào?”.