Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Băng qua lối mòn - Kỳ 1: Phía sau tờ phiếu lệnh

(ĐTCK) Bất cập trong định giá doanh nghiệp, lúng túng về cách xác định giá trị lợi thế quyền sử dụng đất, hạn chế trong việc thu hút nhà đầu tư tham dự các phiên đấu giá cổ phần, khó tìm nhà đầu tư chiến lược, níu kéo quyền lợi… đã tạo ra những vòng xoáy làm giảm tốc tiến trình cổ phần hóa.
Dù lợi nhuận lớn, định giá thấp hơn nhiều doanh nghiệp trên sàn, nhưng VEAM cũng không thể bán hết lượng cổ phần đem ra đấu giá

Giai đoạn 2016 - 2020 đang đòi hỏi cách làm đột phá, bắt nguồn từ những thay đổi tận gốc trong tư duy.

Sức cầu yếu là một trong những lý do nhiều chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vin vào nhằm níu giữ quyền lực, lợi ích bằng cách trì hoãn cổ phần hóa hoặc chỉ bán ra ngoài một lượng rất thấp cổ phần. Bởi vậy, bấy lâu nay, cổ phần hóa hầu như chỉ mang tính hình thức, không tạo ra động lực thay đổi cho doanh nghiệp.

Dòng tiền không yếu

Gần 10 năm kể từ lần tham dự phiên đấu giá phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) Ngân hàng Vietcombank, bà Mai Thu Hòa, một nhà đầu tư ngồi tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới trở lại với “đấu trường” IPO bằng tờ phiếu đăng ký mua 10.000 cổ phần trong đợt đấu giá có quy mô lớn nhất năm 2016 của Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Phân tích doanh nghiệp rất kỹ, tham dự buổi roadshow đấu giá của VEAM và chất vấn lãnh đạo Tổng công ty bằng nhiều câu hỏi, song cuối cùng bà Hòa cũng chỉ đăng ký mua số lượng nhỏ so với khả năng tài chính của mình. Bởi trước đó, bà Hòa từng lỗ nặng với việc mua cổ phiếu Vietcombank trong đợt IPO của ngân hàng này.

Có nhiều nhà đầu tư mang tâm lý e dè với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như bà Hòa. Bằng chứng là dù có lợi nhuận lớn, duy trì đều đặn từ 3 liên doanh ô tô, xe máy hàng đầu Việt Nam là Honda, Toyota và Ford, định giá thấp chỉ bằng một nửa so với mức định giá chung của các doanh nghiệp trên hai sàn niêm yết, VEAM cũng chỉ bán được 149,5 triệu cổ phiếu trên tổng số 167 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng, đạt 90%.

Giá đấu thành công trung bình là 14.291 đồng/cổ phần, cao hơn đúng… 1 đồng so với giá chào bán. Đơn vị tư vấn cho VEAM là Công ty Chứng khoán SHS tiếc hùi hụi vì cổ phiếu tốt, nhưng thị trường dường như cạn nguồn tiền hoặc thiếu niềm tin nên không hấp thụ hết.

Chưa đầy 3 tháng sau, vào những ngày cuối cùng của năm 2016, dù VEAM chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, những nhà đầu tư như bà Hòa được săn đón mời chào để bán lại cổ phần với giá ít nhất 17.500 đồng/cổ phần, cao hơn 20% so với giá mà họ đã mua.

Trên sàn chứng khoán niêm yết, nhiều cổ phiếu có các chỉ số kém xa VEAM đang được giao dịch trong khoảng giá 40.000 đồng/cổ phần, thậm chí là trên 50.000 đồng/cổ phần như Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho thấy có sự chuyển biến lớn về tâm lý của nhà đầu tư trong nước.

Chắc chắn rằng, không thiếu nguồn tiền cho các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề là làm gì để nhà đầu tư hào hứng với các đợt cổ phần hóa và sẵn sàng đưa những đồng vốn đang nằm yên dưới gối đầu tư vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế.

Yếu ở cách làm

Trước VEAM, nhiều tổng công ty nhà nước chỉ tiêu thụ được một tỷ lệ rất nhỏ so với số cổ phần đem ra chào bán. Chẳng hạn, Công ty mẹ - Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp chào bán 140 triệu cổ phần chỉ bán được 140.900 cổ phần, bằng 1% so với lượng chào bán; Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí Xây dựng chào bán 5,34 triệu cổ phần nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 80.000 cổ phần; Công ty mẹ - Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam chào bán 6,8 triệu cổ phần, bán được 4 triệu cổ phần…

Cổ phần hóa đã góp phần quan trọng giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước. Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, nếu như năm 2001, cả nước có tới 6.000 doanh nghiệp nhà nước thì đến hết tháng 10/2016 còn 718 doanh nghiệp. Nếu như cách đây 15 năm, các doanh nghiệp nhà nước dàn trải hoạt động trên 60 ngành, lĩnh vực, thì nay còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Vậy nhưng, tại Hội nghị về Đổi mới doanh nghiệp nhà nước diễn ra tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét cổ phần hóa chậm.
Chậm ở đây không chỉ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp nhà nước còn nhiều và tỷ lệ vốn mà Nhà nước còn nắm giữ lớn, khi có gần 100 tập đoàn, tổng công ty hiện nhà nước còn nắm giữ tới 70 - 100% vốn, mà cả ở khía cạnh độ sâu của cổ phần hóa, khi lượng vốn bán ra thị trường tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới đạt 8%, 92% còn lại vẫn do Nhà nước nắm giữ...
Con số này, theo Thủ tướng, cho thấy số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng chưa thay đổi được căn bản cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp để quản trị tốt hơn.

Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn còn vốn của Nhà nước sau khi cổ phần như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) có 98%, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có 95,5%, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có 94,99%, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) có 93,6%, ACV có 92%…

“Cái tên doanh nghiệp dù đã được thay đổi, chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần, song bản chất chẳng có gì thay đổi. Nếu trong giai đoạn mới, chúng ta vẫn chỉ thích thành tích, thì sẽ khó có sự thay đổi đột phá. Các doanh nghiệp cần lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, chứ không phải thay đổi mỗi cái tên”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét.

Cổ phần hóa chậm, theo Thủ tướng, có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa. “Đề án cổ phần hóa xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm”, Thủ tướng chỉ rõ.

Qua thực tiễn tổ chức triển khai cổ phần hóa, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ ra nguyên nhân khiến cổ phần hóa chậm. Đó là tâm lý của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước muốn "làm ông chủ giả", được xài vốn Nhà nước như ông chủ thật, nhưng lại không bị áp lực về hiệu quả kinh doanh, không phải lo trả cổ tức cho cổ đông như ông chủ thực sự, chỉ cần bảo toàn vốn nhà nước. Do vậy, “ông chủ giả” tại doanh nghiệp nhà nước không cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa để "chiến đấu" sòng phẳng trên thương trường...

Đồng quan điểm trên, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thẳng thắn nói rằng, cổ phần hóa chậm có nguyên nhân từ nhận thức và tầm nhìn của không ít cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp nhà nước chưa đầy đủ, có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ.

“Một số cán bộ quản lý e ngại không còn vị trí lãnh đạo, quản lý đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nên vẫn chần chừ cổ phần hóa, hoặc đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ chi phối vốn khi cổ phần hóa…”, ông Hà chỉ rõ.

Dưới góc nhìn của ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cổ phần hóa chậm do bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện đối với các doanh nghiệp lớn có giá trị lên đến cả tỷ USD, đồng thời cơ cấu tài sản phức tạp, nên thời gian xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài…

Trong khi đó, quan điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước triệt để, giao cho những người làm chủ thật sự, được chính bản thân những nhà quản lý doanh nghiệp cổ phần trước đây là doanh nghiệp nhà nước ủng hộ. Nếu không, cứ cổ phần hóa nửa vời, doanh nghiệp sẽ ngày càng giảm sức cạnh tranh, thiếu các nguồn lực đại chúng tham gia, doanh nghiệp khó lớn lên được.

Thậm chí, nói như bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, còn có nhiều doanh nghiệp không muốn “lớn”, phấn đấu “nghèo” để được hỗ trợ. Hay doanh nghiệp ngại “lớn”, vì càng lớn, thủ tục hành chính càng nhiều, càng phải thường xuyên đón các đoàn thanh tra, kiểm tra. 

(Còn nữa)

Việt Anh - Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục