Cổ phần hóa chưa thoát khỏi “hình thức”

(ĐTCK) Quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song nhìn chung vẫn chậm, mang tính hình thức và chưa đạt yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là về tiến trình cổ phần hóa (CPH), đổi mới hệ thống quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động DN sau CPH. Đó là một trong những đánh giá đáng chú ý về vấn đề CPH DNNN tại Báo cáo Đánh giá tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2014 vừa được Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố.
Kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 DN Kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 DN

Theo thống kê kết quả thực hiện các đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, từ năm 2011 - 2014 tính đến năm 2015, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 77 DN.

Trong năm 2014, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167/479 DN, chuyển 1 DN thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN. So với năm 2013, số DN được sắp xếp năm 2014 cao gấp 1,65 lần; số DN cổ phần hóa gấp gần 2 lần; số vốn Nhà nước thoái được gấp hơn 6 lần. Kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải CPH 289 DN.

Tính đến hết quý I/2015, 29 DN (3 tổng công ty nhà nước và 26 DN) được phê duyệt phương án CPH, 260 DN còn lại đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó, 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN. Năm 2014 cũng đã CPH được 71 DN. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPH 200 DNNN.

Đáng chú ý, theo công bố tại báo cáo, số DN thực hiện đấu giá CPH và thoái vốn qua 2 Sở GDCK trong năm ngoái cao gấp 1,4 lần so với cả 3 năm trước. Đến nay, đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp DNNN theo tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 DN CPH năm 2015 và 109 DN CPH giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đánh giá tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN, các DN đã tiến hành điều chỉnh chiến lược, mục tiêu đầu tư kinh doanh theo hướng tập trung vào ngành nghề chính, đổi mới quản trị DN, thực hiện công khai minh bạch.

Hiệu quả hoạt động của DN được nâng cao thể hiện ở tổng tài sản của các DNNN vẫn tăng, đạt 3,2 triệu tỷ đồng; vốn Nhà nước được bảo toàn và tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động đều tăng. Đặc biệt, CPH đã tạo ra những DN mới, đa sở hữu, thu hút được vốn đầu tư ngoài xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường vốn và TTCK.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), bên cạnh kết quả trên, nghiên cứu từ báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, quá trình CPH vẫn chậm do còn một số vướng mắc liên quan đến hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn Nhà nước; xác định giá trị DN để CPH; xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn; giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao; định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển DN thành CTCP; xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động…, cũng như quy trình thẩm định sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

“Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu nói chung cũng như CPH DNNN nói riêng, vấn đề lớn đang tồn tại là khu vực này vẫn chưa phải đối diện với ngân sách cứng, chưa phải hoạt động dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, những ưu đãi bất bình đẳng dành cho DNNN không chỉ gây bất lợi cho các DN tư nhân, mà còn bất lợi cho chính các DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Những chính sách đổi mới quản trị DN trong các DN này cũng chưa đi vào thực chất. Cơ chế lồng ghép giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vẫn còn hiện hữu. Đây là nguyên nhân tạo ra sân chơi không bình đẳng đối với các DN khác và hiện tượng ngân sách mềm”, ông Tú Anh nói.

Nhìn ở góc độ sâu hơn, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, quá trình CPH không chỉ chậm mà vẫn mang nặng tính hình thức, chưa coi trọng việc cải tiến đổi mới hệ thống quản trị.

“Thực chất quá trình CPH mới chỉ dừng ở việc giảm sở hữu Nhà nước, còn con người và hệ thống quản trị vẫn lạc hậu, việc CPH vẫn chưa làm được việc nâng cao nguồn lực vốn Nhà nước”, ông Hồ nhận xét.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, bày tỏ lo ngại về vấn đề hậu CPH khi đặt câu hỏi: liệu việc hoàn thành CPH có phải là kết thúc quá trình tái cơ cấu DNNN không, còn hiệu quả hoạt động sẽ ra sao sau CPH?

“Nếu cho rằng chỉ cần CPH xong về hình thức là coi như xong, thì việc tái cơ cấu DNNN là không thực chất”, ông Ân nhấn mạnh.  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục