Cổ phần hoá bệnh viện, trường học công lập: Siết phanh!

(ĐTCK-online) Chuyển các đơn vị bệnh viện, trường học công lập sang CTCP, nên hay không? Đây là vấn đề được bàn cãi nhiều trong suốt thời gian vừa qua, và có nhiều ý kiến đưa ra trái ngược nhau, biện hộ cho lý lẽ của mình. Để hiện thực hoá vấn đề này, Bộ Tài chính đã Dự thảo Nghị định trình Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp thành CTCP, trong đó có bệnh viện, trường học. Vậy nhưng, với nhiều vướng mắc phát sinh, cơ quan này đã phải hãm phanh và chuyển hướng sang soạn thảo một hệ thống quy định khác liên quan đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị trên.
Cổ phần hoá bệnh viện, trường học công lập: Siết phanh!

Cần khẳng định, việc chuyển đổi các đơn vị bệnh viện, trường đại học, cao đẳng công lập sang mô hình doanh nghiệp là một hướng đi đúng. Điều này sẽ phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung ứng dịch vụ công; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và học hành cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy, bệnh viện, trường học là đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, không hoàn toàn hoạt động như doanh nghiệp với mục tiêu chỉ vì lợi nhuận. 

Thực tế vừa qua, có 2 đơn vị (Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM) đã xây dựng đề án thí điểm chuyển sang CTCP nhưng đều không thành công. Nguyên nhân là do yếu tố xã hội và dư luận của nhân dân chưa đồng thuận đối với việc chuyển các cơ sở y tế, giáo dục công lập (lĩnh vực phúc lợi xã hội) sang mô hình mới, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đối với Bệnh viện Đại học Y Dược là đơn vị hoạt động theo hình thức bán công, tự đảm bảo thu chi thường xuyên, thực hiện trích khấu hao tài sản cố định, hạch toán lãi lỗ. Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện nhiệm vụ chuyên khoa tuyến trung ương, hoạt động có hiệu quả, có nhiều uy tín nên rất thuận lợi để cổ phần hoá, nhưng (sau nhiều điều tiếng) đã đề nghị được chuyển sang xây dựng đề án hoạt động như doanh nghiệp mà không chuyển thành CTCP. Bệnh viện Bình Dân lại gây ra một “xì căng đan” khác, khi kế hoạch cổ phần hoá đã được một số cấp lãnh đạo thông qua, quyền mua cổ phần ưu đãi đã được CBCNV rao bán. Tuy nhiên, “lúa non” đã không đợi được đến mùa gặt hái khi cơn bão dư luận đã đập tan tành kế hoạch đưa đơn vị này thành CTCP.

Quan điểm mới nhất của Bộ Tài chính cho rằng, cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp là bước chuyển đổi lớn về cơ chế quản lý, hoạt động, trách nhiệm, sở hữu, quyền lợi, quan hệ phân phối,… do đó cần có sự chuẩn bị kỹ càng; lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo là 2 lĩnh vực hoạt động hết sức nhạy cảm, tác động lớn đến người dân. Vì vậy, vấn đề tuyên truyền để các cấp chính quyền và người dân cùng ủng hộ và thực hiện cần được đặc biệt coi trọng. Điều kiện để chuyển đổi các đơn vị bệnh viện, trường học sang mô hình doanh nghiệp là: các đơn vị chuyển đổi phải có nguồn vốn điều lệ ban đầu, tính chất hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ y tế, đào tạo, lấy thu, bù chi, tự đảm bảo kinh phí. Trong thời gian đầu, nên tập trung vào mô hình công ty TNHH hoặc liên doanh. Theo đó, Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc cho phép liên doanh với các đối tác để tăng cường khả năng thu hút vốn, công nghệ và nguồn nhân lực. Mô hình CTCP là một hình thức doanh nghiệp tiên tiến, tuy nhiên trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, mô hình này có lẽ chưa phù hợp đối với các bệnh viện, trường học, vì vậy có thể triển khai ở giai đoạn sau.

Để có thể thực hiện cổ phần hoá, cần phải từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, tiến tới hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp; sau khi ổn định từ 3 đến 5 năm sẽ tiếp tục thực hiện mô hình cổ phần hoá.

Từ những lý lẽ trên, Bộ Tài chính đã đề nghị chưa thực hiện việc chuyển đơn vị sự nghiệp thành CTCP mà thay vào đó là dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp sang cơ chế hoạt động như doanh nghiệp, hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên... Hiện cơ chế này đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2008.

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ