Có phải điều chuyển vốn ngân sách vướng luật nên các bộ, ngành đủng đỉnh?

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất Quốc hội có nghị quyết sửa Luật Ngân sách nhà nước 2015 để thực hiện cho được giải pháp điều chuyển vốn đầu tư công đến các dự án có khả năng hoàn thành sớm.

Đầu tư công chậm không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước. Nhiều đại biểu cũng đã nói về lo ngại này. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu đoàn Quốc hội tỉnh Bình Phước mở đầu phần thảo luận tại Hội trường của mình bằng một câu mang tính khái quát như vậy.

Thực tế, nếu so với 2021, 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương nhau, khoảng hơn 18%. Điều này cho thấy Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong giai đoạn thực hiện mục tiêu kép cho đến giai đoạn bình thường mới.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh lo ngại khi nhìn vào kết quả giải ngân đầu tư công các bộ, ngành, địa phương lại rất có vấn đề. 4 tháng đầu năm 2022, có 43/51 bộ và 28/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 17%. Có 17 bộ, cơ quan trung ương thì từ khi phân bổ vốn đến hết tháng 4 vẫn chưa thực hiện giải ngân.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, có 3 nguyên nhân chính. Một là, bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được trung ương phân bổ rồi mới bắt đầu phần bổ cụ thể, dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án. Hai là, công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước hết những khó khăn. Ba là, việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực.

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã đề ra các giải pháp, triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị có thể triển khai hiệu quả.

"Tôi rất tâm đắc giải pháp điều chuyển vốn từ nơi làm chậm cho nơi làm tốt, song thực hiện không phải dễ. Vì theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì không thể điều chuyển vốn từ địa phương này cho địa phương khác. Phải chăng vì biết quy định đó mà các địa phương đủng đỉnh trong giai ngân vốn đầu tư công", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đặt thẳng vấn đề.

Đối với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quốc hội cần xem xét, sửa đổi bằng cách ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 từ cá bộ, ngành, địa phương chậm triển khai cho các dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, nhằm thúc đẩy phục hồi nhanh và bền vững phát triển đất nước.

Cùng với đó, ông cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực cũng là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng chậm trễ trong thực hiện các dự án đầu tư công.

Việc lựa chọn nhà thầu lâu nay rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, thường được cài cắm. Không ít nhà thầy khi thực hiện dự án có hiện tượng trây ỳ, nhưng xử lý rất khó, thiếu kiên quyết và thiếu các chế tài đủ mạnh. Để xử lý dứt điểm căn bệnh trầm kha này, đề nghị cần minh bạch trong lựa chọn nhà thầu là đề xuất của đại biểu Tuấn Anh.

Theo ông, hiện nay có quá nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu sân sau. Có cả trường hợp quây thầu, vây thầu.

“Tôi nhắc lại cả ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc này và đề nghị cần quyết liệt vì nhìn qua thì thấy dễ, nhưng thực hiện thì rất khó, vì không phải nhà thầu nào đủ năng lực cũng chen được vào, số tiền tiết kiệm được nhờ đấu thầu so với mức chủ đầu tư đưa ra không nhiều, thậm chí là rất sát. Đó là chưa kể có nhà thầu sau khi trúng đầu thầu, trây ỳ để đòi trượt giá...", đại biểu làm rõ.

Rõ ràng, hệ thống pháp luật liên quan còn có lỗ hổng, việc thực hiện chưa nghiêm, cần cuộc cách mạng trong việc lập dự án mới trên tinh thần chủ động thực hiện, cải cách thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thủ tục xin ý kiến, rồi mới triển khai dự án... Thời gian dài, khiến nhiều dự toán lỗi thời làm tăng chi phí, giảm tính khả thi của dự án,

Bài học là dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, nếu Thủ tướng Chính phủ không quyết liệt, cho phép cơ chế chỉ định thầu thì không biết bao giờ 12 dự án thành phần mới được đưa vào triển khai thi công.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị với dự án đầu tư công cần linh hoạt, cho phép chỉ định thầu để rút ngắn thời gian, lựa chọn được nhà thầu có uy tín "xách tay" theo từng dự án.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục