Có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn?

Thảo luận cơ chế đặc thù cho Thành phố Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội lo ngại "hội chứng xin cơ chế đặc thù".
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu tại Quốc hội. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phát biểu tại Quốc hội.

Có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn hay không là khả năng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập khi giải trình ý kiến đại biểu tại Quốc hội, ngày 23/5.

Theo đề xuất của Chính phủ, sau TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng là thành phố thứ ba được Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù.

Lo hội chứng xin cơ chế đặc thù

Ngoài thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng 4 cơ chế đặc thù khác về quy hoạch, ngân sách, phí và lệ phí.

Một số vị đại biểu cho rằng, nên xem xét cơ chế cho cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề, hiện nay đã có TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được xem xét cơ chế đặc thù, Hải Phòng cũng chuẩn bị đề nghị, còn Cần Thơ nữa thì thế nào? Vậy thì xem xét cơ chế cho Đà Nẵng có còn là đại diện để thí điểm cho 5 thành phố?

Tại sao Quốc hội không xây dựng một luật chính quyền đô thị, hay luật thành phố trực thuộc trung ương? Hiện giờ đã có Luật Thủ đô. Vậy tiến tới các tỉnh thành khác cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất. Như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc thù.

"Nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến một "hội chứng xin cơ chế đặc thù", đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu.

Hồi âm băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, luật là áp dụng chung cho tất cả mọi đối tượng, mọi địa phương. Còn cơ chế, chính sách khi làm đều tính đến những đặc thù, tính chất, đặc điểm riêng của từng vùng, từng địa phương và từng đối tượng.

Trong quá trình phát triển sẽ phát hiện ra những vấn đề đang cản trở một số địa phương, một số vùng miền nên không tránh khỏi cần phải bổ sung những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn, vượt trội hơn để tạo cho nơi đó có điều kiện phát triển, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mình, giải phóng được các nguồn lực, phát triển nhanh hơn và trở thành một nơi đóng góp cho ngân sách nhiều hơn, tạo động lực lan tỏa và lôi kéo được các địa phương xung quanh, Bộ trưởng trình bày.

Theo Bộ trưởng, các cơ chế, chính sách cho TP.HCM hay Hà Nội và bây giờ là Đà Nẵng đếu xuất phát từ mục tiêu như vậy.

Về việc chưa đề xuất cơ chế đặc thù cho Cần Thơ và Hải Phòng, Bộ trưởng nêu lý do "trong quá trình làm thì cũng chưa tính đến hết câu chuyện này".

Thừa nhận ý kiến đại biểu về cần có cơ chế cho cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương là đúng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ báo cáo lại Chính phủ để nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản hơn trong thời gian tới, đặc biệt là bám sát vào chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Trong chiến lược này, chúng ta đều xác định là các vùng động lực, các cực tăng trưởng cũng như các thành phố lớn là động lực cho phát triển đất nước. Làm thế nào để cho các vùng này, các cực tăng trưởng này có được động lực phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước thì chúng tôi sẽ bám sát vào chiến lược đó để tham mưu cho Chính phủ để báo cáo lại với Quốc hội xem có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn hay các vùng kinh tế trọng điểm như thế hay không, Bộ trưởng nói.

Để dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là mô hình chính quyền đô thị sẽ được thí điểm như thế nào.

Theo mô hình được Chính phủ đề xuất, chính quyền Thành phố Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề xuất cho thí điểm việc dân trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) thì cần một cơ chế để cho chính quyền đô thị của Đà Nẵng thật mạnh mẽ. Trong Hội đồng nhân dân thì 90% đại biểu là chuyên trách, như vậy mới thực sự sát với dân, đủ quyền lực và thường xuyên làm việc nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cũng nhấn mạnh phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được. Ông Thắng cũng đề nghị để dân bầu trực tiếp chức danh này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Đà Nẵng phải nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, để làm sao cho phù hợp với điều kiện không tổ chức HĐND cấp quận và cấp phường.

“Sau khi Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ cùng cơ quan thẩm tra và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát để làm sao cho chặt chẽ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, Bộ trưởng cam kết.”

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục