Có nên nắm giữ USD?

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng hết room 2% trong chưa đầy 5 tháng đầu năm, trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác đang đặt ra quan ngại, trần tỷ giá USD/VND khó giữ được ở mức này trong 7 tháng còn lại. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Đầu tư USD có cho lợi nhuận tốt?
Có nên nắm giữ USD?

Đồng USD thời gian gần đây tăng giá khá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Một mặt là do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mặt khác là do hơn 20 quốc gia đã phá giá đồng tiền của mình để hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tính từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng giá từ 5-15% so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị của đồng Việt Nam tăng so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, khi tỷ giá USD/VND bị neo cứng.

“Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục và tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu là cần thiết để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Việc tỷ giá trên thị trường chính thức thấp (giá trị đồng Việt Nam giữ ở mức cao so với đồng USD - PV) so với thị trường tự do đã khuyến khích tâm lý đầu cơ tích trữ USD và tác động tiêu cực đến chính sách chống đô la hóa… Người dân cần tỉnh táo, không nên nắm giữ đồng USD”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thị trường ngoại hối dự báo vẫn ổn định, dù NHNN đã phải điều chỉnh hết biên độ điều chỉnh 2%. Trong hơn 7 tháng còn lại của năm 2015, NHNN sẽ sử dụng các công cụ can thiệp thị trường thường xuyên để giữ cho tỷ giá USD/VND ổn định. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm bằng đồng USD đang thấp hơn nhiều so với đồng Việt Nam. Trong lộ trình giảm đô la hóa nền kinh tế, NHNN cũng không khuyến khích nắm giữ USD.

“Với bằng ấy yếu tố, việc nắm giữ USD để đầu tư không phải là bài toán hiệu quả”, TS. Lực nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhận định, tâm lý kỳ vọng tăng tỷ giá gần như được giải tỏa sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% vào giữa tuần trước. Theo vị tổng giám đốc này, NHNN cũng không cần phải nới room tỷ giá thêm 1%, mà có thể sẵn sàng ứng phó với những biến động trên thị trường với một biên độ dự phòng hợp lý. Trong trường hợp có biến động, mức điều chỉnh cũng sẽ rất thấp, không mang lại lợi nhuận lớn nếu nắm giữ đồng USD.

Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết, hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

“Kể cả trong trường hợp tỷ giá USD/VND tiếp tục được điều chỉnh thì giá trị tích lũy bằng ngoại tệ vẫn thấp hơn nhiều so với việc nắm giữ dưới dạng tiền đồng và gửi tiết kiệm lấy lãi”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Đồng quan điểm này, bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc khối thị trường tài chính ANZ Việt Nam chia sẻ, trong Báo cáo đánh giá nhanh về quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN, các chuyên gia ANZ cho rằng, tỷ giá USD/VND đến cuối năm sẽ ở mức 22.050, qua đó, ghi nhận mức mất giá tiền đồng cả năm 2015 là 3,1%. Như vậy, chênh lệch lãi suất  gửi tiết kiệm giữa VND và USD dư sức đảm bảo bù đắp cho những biến động tỷ giá (nếu có).

“Do vậy, giữ đồng Việt Nam từ giờ đến cuối năm vẫn có lợi”, bà Bình nói.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước nhằm hạn chế hơn nữa tình trạng đô la hóa. Mục tiêu đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ, ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục