Mặc dù Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới nhất đã thu hẹp lĩnh vực được áp dụng biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Nhiều vòng thảo luận, ý kiến vẫn khác nhau
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47, trong đó có những lưu ý về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều vị đại biểu đã đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Sau đó, quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau.
Luồng thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội như trên, vì với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức, nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm, mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xem xét, quyết định khi sửa đổi toàn diện luật này.
Còn luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết. Tuy nhiên, quy định như Dự thảo Luật là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, cần giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 2 lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường.
Tại phiên họp thứ 47, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa thống nhất. Có người cho rằng, quy định cắt điện nước là biện pháp nhỏ nhặt, hạn chế tính nghiêm minh của pháp luật. Người khác lại tán thành quan điểm nên áp dụng, nhưng cần có giới hạn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, một trong những lý do đề nghị vẫn áp dụng biện pháp nêu trên là bởi nhiều Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản phản ánh khó xử lý đối với nhiều vi phạm trong hai lĩnh vực này.
"Đối với việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, do ý kiến của các cơ quan vẫn còn khác nhau, nên cần xây dựng các phương án để tiếp tục xin ý kiến của đại biểu Quốc hội", kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Kiểm toán Nhà nước được xử lý vi phạm hành chính
Khi thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, một số vị đại biểu cũng đã đề nghị bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán Nhà nước.
Tại phiên họp tháng 8/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết, Luật Kiểm toán Nhà nước được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã quy định Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật mới nhất đã bổ sung các quy định có liên quan như mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán Nhà nước, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, trách nhiệm quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính...
Riêng về thẩm quyền quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi này... trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật phân tích: Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán nhà nước không phải là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ, nên việc căn cứ vào quy định nêu trên để giao Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước là không phù hợp.
Thực tiễn triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho thấy, cũng vì lý do tương tự mà mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đều quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được văn bản quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Đề nghị này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, theo thông báo kết luận phiên họp thứ 47.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực và thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định trong Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định để xác định mức tiền phạt tương xứng với mức độ vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa đối với từng nhóm hành vi vi phạm cụ thể.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm xử lý kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tránh dồn việc lên cấp trên cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).
Không bổ sung quy định tạm giữ người
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, không bổ sung quy định về trường hợp tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính; cân nhắc kỹ việc sửa đổi quy định về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian lập hồ sơ và chờ thi hành quyết định của Tòa án.
Không quy định về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi nghiện ma túy trong luật này, mà thực hiện theo Luật Phòng, chống ma túy; không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người thành niên nghiện ma túy; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng này cần thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống ma túy cũng đang được sửa đổi.