Có một “thế giới tiền tệ ngầm” song song tồn tại (phần I)

Với những nhu cầu về vốn, về thanh toán nhanh, gọn và ít thủ tục, một thế giới kinh tế ngầm vẫn luôn tồn tại song hành với nền kinh tế thống kê truyền thống. Và không ít thì nhiều, mỗi người đều tham gia, có thể là hợp pháp hoặc phi pháp.

Ai cũng là một phần trong nền kinh tế ngầm!

 

Phải đến khi những vụ rửa tiền quy mô lớn bị vỡ lở, điển hình như Liberty Reserve trong những ngày gần đây, thì thế giới giao dịch ngầm mới thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết được bản chất và ý nghĩa của hoạt động giao dịch trong thế giới này.

 

Trước hết, phải đặt câu hỏi, “giao dịch ngầm” là tốt hay xấu? Câu trả lời là vừa tốt vừa xấu. Không phải mọi giao dịch ngầm đều xấu và mang tính chất “mờ ám” hay “chui lủi” mặc dù đa số trường hợp dùng cụm từ này đều ám chỉ ý nghĩa xấu.

 

Sẽ là thú vị khi hầu hết các cá thể trong nền kinh tế cũng đều tham gia những giao dịch ngầm nhất định trong một nền kinh tế ngầm (Underground Economy) mà không hề ý thức về nó. Những khoản tiền mặt trao thay khi đi chợ, cho vay lẫn nhau, ăn uống ngoài hàng quán, vỉa hè… mà không hề xuất hoá đơn đều là giao dịch ngầm.

 

Những khoản này không thể thống kê, không nộp thuế cho ngân sách nhà nước và dĩ nhiên cũng không đóng góp trong con số tính toán GDP. Một ngày có hàng triệu giao dịch như vậy diễn ra, và đó đều là những giao dịch hợp pháp.

 

Khi các khoản tiền thanh toán lên tới ngưỡng nộp thuế hay diễn ra tại những dịch vụ, hàng hoá cấm; các hành vi hối lộ, rửa tiền tinh vi – bức tranh về một nền kinh tế ngầm bất hợp pháp mới thực sự trở nên phức tạp và không kém phần sôi động.

 

“Ngân hàng ngầm”

 

Tại Hội nghị Ổn định tài chính Đông Á diễn ra tại Hà Nội cuối năm 2012, các chuyên gia tài chính quốc tế đã lật lại khái niệm "shadow banking" (tạm dịch: ngân hàng ngầm) được cho là bắt đầu tư trước cuộc khủng hoảng 2007-2009 ở Mỹ. Hệ thống ngân hàng ngầm nằm ngoài vòng giám sát của Cục dự trữ liên bang (Fed) và Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).

 

Theo số liệu của Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế (FSB), tính trên quy mô toàn cầu, giá trị giao dịch năm 2011 ở thị trường này lên đã lên tới 67.000 tỷ USD, lớn hơn tổng GDP của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (bằng 111%). Mỹ được xếp là nước có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất thế giới, với quy mô 23.000 tỷ USD, khu vực đồng Euro (Eurozone) là 22.000 tỷ và Anh là 9.000 tỷ USD.

 

Trước đó, tính đến 2007, mức giao dịch đã đạt khoảng 62.000 tỷ USD trên toàn cầu, sau khi tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm.

 

"Shadow Banking" vẫn tồn tại và tăng trưởng mạnh mẽ trên thế giới

 

Với tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn dẫn khuyến cáo của Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế cho biết, nếu các cơ quan quản lý không sớm coi trọng và có giải pháp xử lý thì một cuộc khủng hoảng tài chính mới rất có thể sẽ xảy ra trong vòng 5 - 10 năm tới.

 

Nếu hiểu một cách cơ bản, hệ thống ngân hàng ngầm là các hoạt động trung gian tín dụng giống như ngân hàng nhưng được thực hiện ở ngoài hệ thống ngân hàng, thì ở Việt Nam người ta dễ thấy những điểm cầm đồ, cho vay tín dụng đen, hay đổi ngoại tệ bất hợp pháp… đều là “shadow banking”.

 

Bên cạnh đó, “shadow banking” còn là một phần của các hoạt động repo cổ phiếu, cho vay margin tại các công ty chứng khoán và quản lý quỹ. Các hoạt động này hợp pháp do được điều tiết bởi các quy định về giám sát an toàn tài chính của Bộ Tài chính.

 

Liên hệ gần nhất từ vụ Liberty Reserve, việc các tổ chức tự cho là “exchanger” thực hiện mua/bán/trao đổi tiền tệ từ tiền thật sang tiền ảo và ngược lại, đó cũng là một hình thức trong “shadow banking”. Trên các website cho phép giao dịch LR, tỷ giá quy đổi LR với tiền VND được cập nhật liên tục. 1 LR có mệnh giá tương đương 1 USD. Và do vậy, sau vụ sụp đổ Liberty Reserve vừa qua, nếu mỗi thành viên mất hàng nghìn LR (tương ứng hàng nghìn USD) thì số dư nợ của các đơn vị trung gian là rất lớn.

 

Chỉ tính riêng quy mô hoạt động rửa tiền bị phát hiện và điều tra thông qua Liberty Reserve lên tới 6 tỷ USD và công bố ban đầu cho thấy, 55 triệu giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp đã được thực hiện cho hơn 1 triệu người cũng đủ để hình dung quy mô một "ngân hàng ngầm" lớn nhường nào!

Nhìn chung, shadow baking song hành cùng ngân hàng truyền thống để tạo ra sự linh hoạt và vòng quay nhanh hơn, nhằm luân chuyển nguồn vốn từ nơi có lợi nhuận thấp tới nơi có lợi nhuận cao. Nói cách khác là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

 

Tuỳ vào từng trường hợp mà ngân hàng ngầm được xem là hợp pháp hay phi pháp, và nếu để hình thức này phát triển thái quá, không đúng hướng thì đây sẽ là những mảnh đất màu mỡ cho giới tội phạm.

(Còn nữa)


Dân trí

Tin cùng chuyên mục