Ấn tượng với xuất siêu nông nghiệp 8,5 tỷ USD
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông nghiệp ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, năm qua, ngành nông nghiệp về đích với kết quả hơn mong đợi, xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao 3 tỷ USD, xuất siêu của ngành nông nghiệp 8,5 tỷ USD chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022...
Còn tính trong 2 nám đại dịch 2021-2022, ngành này đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn nền kinh tế gần 102 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất ngày càng được cải thiện về sản lượng lẫn chất lượng. Đơn cử, sản xuất lúa gạo đạt 42,66 triệu tấn, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 7 triệu tấn, với giá trị 3,49 tỷ USD.
Thủy sản đạt trên 9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD (trong đó cá tra, tôm, cá ngừ; gạo đạt 3,49 tỷ USD vượt mục tiêu đề ra (3,2-3,3 tỷ USD), lâm nghiệp xuất khẩu đạt gần 17 tỷ USD…
Cơ cấu thị trường xuất khẩu hiện nay sang Trung Quốc chiếm 19,2%, Mỹ 24,5%, châu Âu và một số nước khác 40%, Nhật Bản 8%, Hàn Quốc 4,7%,…
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại..., các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa hiệu quả...đã giúp ngành nông nghiệp có được kỳ tích xuất khẩu trong năm 2022.
Năm qua, toàn nền kinh tế xuất khẩu gần 372 tỷ USD, xuất siêu 12,6 tỷ USD, nông nghiệp đã đóng góp trên 53 tỷ USD, đáng mừng hơn là xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 70% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm 2022. Trong một hoàn cảnh khó khăn, nhưng ngành đã có một năm phát triển mạnh, mang lại nhiều giá trị tích cực, là trụ đỡ cho nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục cơ cấu ngành, xây dựng nền nông nghiệp theo tư duy kinh tế nông nghiệp để có một nền kinh tế độc lập tự chủ, sản xuất hàng hóa nông nghiệp đạt giá trị gia tăng cao.
Để nông sản Việt nâng cao giá trị, cần gắn sản xuất với thị trường, chế biến, chuỗi giá trị gia tăng và coi trọng việc xây dựng thương hiệu, xây dựng dữ liệu để đưa ra dự báo sát về thị trường, để nông dân không còn chịu cảnh "được mùa mất giá".
Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành, như: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ còn ít; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu nhập cho lao động nông nghiệp chưa cao.
Mục tiêu xuất khẩu 2023: 54-55 tỷ USD
Năm 2023, dự báo tình hình với ngành nông nghiệp sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn năm 2022, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu và tạo đà cho nhiều năm tới, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng giảm tỷ trọng sản xuất nhỏ, nỗ lực để thẻ vàng IUU mà EU áp cho thủy sản nhiều năm qua, cải thiện chất lượng nông lâm thủy sản để thích ứng với tiêu chuẩn cao tại nhiều thị trường lớn.
Thực tế trong năm 2022, vẫn còn tình trạng một số các lô hàng gạo, mỳ ăn liền, rau quả… của Việt Nam xuất đi EU bị kiểm tra gắt gao và không hiếm lô hàng đã bị cảnh báo.
Trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Mục tiêu lâu dài và trước mắt mà ngành nông nghiệp hướng tới là phát triển sản xuất nông nghiệp thành một nền kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn.
Ngành nông nghiệp phải gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.