Có hơn 82% hợp tác xã bị giảm doanh thu do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thống kê trên vừa được UNDP đưa ra trong diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 24/3 vừa qua.
Có hơn 82% hợp tác xã bị giảm doanh thu do Covid-19

Nghiên cứu về tác động và ứng phó đại dịch Covid-19 đã được Liên minh hợp tác xã Việt Nam và UNDP thực hiện khảo sát thực địa. Nghiên cứu được thực hiện tại 4 tỉnh, thành phố chịu tác động trực tiếp của Covid-19, điều tra khảo sát 174 hợp tác xã tại 24 tỉnh và 34 liên minh hợp tác xã, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải và một vài sản phẩm nông nghiệp như thanh long. Doanh thu và lợi nhuận của các hợp tác xã bị giảm nhiều do các khó khăn về việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới các nước, đầu vào sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm cũng như số lượng khách hàng và hợp đồng dịch vụ đều sụt giảm.

Nhiều hợp tác xã không biết đến các chính sách hỗ trợ.

Nhiều hợp tác xã không biết đến các chính sách hỗ trợ.

Thống kê năm 2020 có đến 82,2% số hợp tác xã bị giảm doanh thu so với năm 2019, trong đó có 42,5% số hợp tác xã bị giảm hơn 1/2 doanh thu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó mỗi chính sách có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần như: miễn giảm thuế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, ban hành những thủ tục hành chính đơn giản và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác...

Trên thực tế, có một số chính sách không quy định hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh nên các hợp tác xã vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách này.

Có đến 41% tổng số hợp tác xã trong nhóm khảo sát được hỏi không biết đến chính sách cho hợp tác xã vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% hợp tác xã không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Theo bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, điều quan trọng là các hợp tác xã phải tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ để ứng phó với các tác động tức thời của đại dịch, để duy trì lực lượng lao động, duy trì hoạt động của họ và cuối cùng là phục hồi và xây dựng tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới.

“UNDP đã và đang hỗ trợ các hợp tác xã gồm 5 lớp tập huấn về quản lý rủi ro và kinh doanh liên tục cho 276 người là thành viên hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 600 hộ nghèo và cận nghèo của các hợp tác xã nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại Hà Giang, hỗ trợ trực tiếp cho 15 hợp tác xã thanh long ở Bình Thuận về phục hồi xanh và phát triển tốt hơn trong tương lai. Những hỗ trợ này đã mang đến lợi ích trực tiếp cho 1.388 người và hàng nghìn người gián tiếp được hưởng lợi”, bà Sitara Syed cho biết.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục