Trong nhịp tăng điểm của thị trường thời gian qua, cổ phiếu của các công ty chứng khoán là nhóm cổ phiếu nóng nhất.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20% và HNX-Index tăng hơn 30%, trong khi tốc độ tăng trung bình của các cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng trên 50%, cá biệt, một số cổ phiếu chứng khoán đã tăng trên 100%.
Việc cổ phiếu các công ty chứng khoán trở thành điểm nóng của thị trường trong gần 3 tháng qua cũng là điều dễ hiểu, bởi các công ty chứng khoán là các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán.
Trong quý I/2014, giá trung bình các cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn đã tăng trung bình 20 – 30%, cũng đồng nghĩa, các khoản tự doanh của các công ty chứng khoán cũng “nở” ra với giá trị tương tự.
Không những thế, trong 3 tháng đầu năm 2014, thanh khoản của thị trường đã bùng nổ rõ rệt so với năm 2013. Điều này khiến cho doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán của các công ty chứng khoán cũng tăng tương ứng.
Theo thống kê của 2 sở giao dịch chứng khoán, trong năm 2013, tổng khối lượng giao dịch bình quân trên cả 2 sàn đạt khoảng hơn 100 triệu cổ phiếu/ phiên, với tổng giá trị giao dịch 2 sàn vào khoảng gần 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch đã bùng nổ rõ rệt. Riêng trên sàn TP.HCM, khối lượng giao dịch mỗi phiên đều đạt trên 100 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch trên 2.000 tỷ đồng.
Xu hướng thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục gia tăng, trong tuần giao dịch gần đây nhất, khối lượng giao dịch trên sàn TP.HCM đạt tới 184 triệu đơn vị/ phiên, với giá trị giao dịch bình quân lên tới trên 3.300 tỷ đồng. Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, khối lượng giao dịch bình quân đạt khoảng hơn 132 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/phiên.
Việc thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn từ đầu năm đến nay là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu “bong bóng” đã xuất hiện và có khả năng, trong một ngày không xa quả bóng sẽ “xì hơi”?
Ông David Roses, đại diện Quỹ Asean Fund cho biết, thị trường Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên của chu kỳ đi lên mà thôi.
Asean Fund là một quỹ đầu tư khá “tinh tường” khi đã đầu tư vào thị trường Việt Nam vào tháng 12/2011, đúng thời điểm đáy nhất của thị trường chứng khoán. Đến nay, nhiều khoản đầu tư của Asean Fund tại Việt Nam đã đem lại lợi nhuận tới 3 – 4 lần.
Chẳng hạn, khoản đầu tư vào cổ phiếu APS là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Asean Fund, quỹ này mua cổ phiếu APS khi thị giá chỉ khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu, thì nay giá APS đã lên khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ông David Roses, trước năm 2011, tổng giá trị đầu tư của Asean Fund vào các thị trường Indonesia và Thái Lan lên đến 60%, nhưng hiện quỹ này đã rút gần hết các khoản đầu tư tại các nước trong khu vực để dồn vào Việt Nam và hiện cơ cấu tài sản đầu tư của quỹ tại Việt Nam đã lên tới 85%. “Chúng tôi đã rời các thị trường trong khu vực để đến Việt Nam và hy vọng sẽ còn có nhiều chuyện tuyệt vời tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sắp tới”, ông Roses nói.
Asean Fund là quỹ đầu tư đã trải qua nhiều thời kỳ sau khủng hoảng tại nhiều nước trên thế giới, như giai đoạn những năm 1985 tại NewZealand, giai đoạn 1988 – 1990 tại Australia, giai đoạn 1997 – 1998 tại Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… Quy luật được Asean Fund rút ra là, tất cả các thị trường chứng khoán đều tăng rất khủng khiếp sau khủng hoảng, vì thế, một trong những kinh nghiệm “xương máu” của quỹ là, thường xuyên bán ra khá sớm.
Ngoài ra, riêng với các công ty chứng khoán, năm 2014 sẽ là cơ hội vàng cho mảng tư vấn, khi Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, từ cuối 2013, Nghị định 108/2013/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, theo đó doanh nghiệp phát hành ra công chúng phải niêm yết cổ phiếu trong vòng 1 năm. Với các yếu tố thuận lợi trên, rõ ràng các công ty chứng khoán sẽ có nhiều “công ăn việc làm hơn” trong năm 2014.