Phiên ngày 15/1, nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm nổi bật nhất khi hầu hết các mã trong nhóm này đều tăng mạnh như SSI (+5,1%), HCM (+3,1%), VND (7,7%), KLS (2,1%). Khối lượng giao dịch toàn thị trường gia tăng mạnh mẽ, đạt 126,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh, cao hơn đáng kể mức trung bình 50 ngày (86,2 triệu), cho thấy dòng tiền vẫn đang trong trạng thái hưng phấn.
Dù đà tăng điểm có "lưỡng lự" vào phiên hôm qua (16/1), nhưng sắc xanh vẫn duy trì vào cuối phiên. Biểu hiện trong phiên sáng nay (17/1) đang có dấu hiệu lặp lại.
Theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC), các cổ phiếu CTCK tăng là bởi hầu hết đều có kết quả kinh doanh khả quan, cộng với thông tin nới room vốn ngoại đã tác động tích cực đối với những mã hết room như SSI. Do trong phiên ngày 15/1, SSI đã tăng trần với khối lượng giao dịch rất lớn, nên hiện tượng trong phiên sáng 16/1 là dễ hiểu, bởi NĐT mua được giá rẻ thực hiện chốt lời. Còn cổ phiếu VND tăng giá là do có thông tin liên kết với đối tác nước ngoài, thực tế trong phiên sáng 16/1, khối ngoại vẫn mua mạnh mã này.
Việc giá cổ phiếu chứng khoán "rung lắc" thì chưa thể kết luận sóng ngành này đã chấm dứt.
Còn đối với toàn thị trường, đà tăng chung có thể kéo dài sau Tết, bởi dòng tiền nước ngoài vào nhiều. Các mã nhỏ thời gian qua đã tăng mạnh, nên dòng tiền sẽ phân hóa vào cổ phiếu bluechip, midcap; tập trung vào những ngành nghề như dầu khí, cơ sở hạ tầng, vật liệu cơ bản; riêng ngành ngân hàng phải chờ sau điều chỉnh bởi Thông tư 02/2013/TT-NHNN mới có diễn biến tích cực hơn. NĐT có thể lưu ý những cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt mà tăng chưa mạnh, cổ phiếu đầu ngành và nếu thông tin nới room ra đời thì những mã hết room sẽ tăng.
Theo thống kê của CTCK MBS, trong 20 CTCK hàng đầu hiện đang niêm yết trên hai sàn, tính đến quý III/2013, đã có hơn 50% công ty hoàn thành trên 50% kế hoạch đề ra trong năm. Trong đó SSI, HCM, VND, KLS, BVS... là những công ty có lợi nhuận cao nhất trong ngành với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sau 9 tháng trên 70%. Đồng thời, nhiều CTCK bị thua lỗ lớn những năm trước đang có xu hướng thoát lỗ và có lãi trở lại.
Ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường MBS cho rằng, đây là những yếu tố củng cố cho niềm tin của NĐT trở lại với cổ phiếu ngành chứng khoán, nhất là khi NĐT kỳ vọng TTCK sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2014. Thêm vào đó, cổ phiếu các CTCK mang yếu tố thị trường rất cao, có thanh khoản tốt, đồng thời thị giá thấp tương đối so với mặt bằng chung; nên khi TTCK khởi sắc, dòng cổ phiếu này không chỉ thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn mà cả đầu cơ ngắn hạn. Ngoài ra, thị trường đặt kỳ vọng rất lớn về đề xuất nới room vốn ngoại sẽ được thông qua, do đó, các mã cạn room ngoại như SSI, HCM, REE, FPT… thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của NĐT.
Theo thống kê 10 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch của các mã như SSI, HCM, VND… đều có mức tăng đột biến từ 30 - 60% so với khối lượng giao dịch trung bình 1 tháng. Điều đó cho thấy khả năng dòng tiền trở lại với cổ phiếu chứng khoán là có cơ sở và cú huých này thực sự đến từ sự cải thiện về kết quả kinh doanh và đặc biệt là kỳ vọng mở room ngoại trong thời gian tới.
Về cả lý thuyết cũng như thực tiễn, cổ phiếu của các CTCK luôn dao động đồng pha với diễn biến của TTCK. Với quan điểm của MBS là TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014, thì cổ phiếu của các CTCK nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Trong hầu hết phiên giao dịch ngày 16/1, theo ông Sơn, nhóm cổ phiếu chứng khoán quay đầu giảm là đương nhiên bởi chẳng NĐT nào lao vào mua khi cổ phiếu chạm trần liên tục. Do đó, đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật. Theo thống kê của MBS, các lệnh chờ giá ở phía dưới đều là những lệnh lớn của các NĐT lớn, tức họ có căn cứ, cơ sở gì đó mới mua. Việc giảm điểm không quá quan trọng mà vấn đề là thanh khoản vẫn được duy trì, mặt khác, niềm tin NĐT đã “sôi” lên cả tháng trời thì không dễ bị mất đi chỉ trong vài phiên giảm điểm.
Ông Sơn khuyến nghị, ngoài cổ phiếu CTCK, NĐT có thể quan tâm tới nhóm ngành bất động sản và xây dựng, y dược, hàng tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông thủy sản.