Các chuyên gia của VNCS cho rằng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành ngân hàng là tăng trưởng tín dụng bằng hoặc cao hơn 20%, phấn đấu hạ các lãi suất điều hành và dành các khoản tín dụng ưu đãi cho các nhóm ngành ưu tiên thì cơ hội cho cổ phiếu ngân hàng là sáng sủa nhờ việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, có công cụ pháp lý để xử lý nợ xấu, giảm chi phí đầu vào bất chấp lợi nhuận biên có thể giảm sút khi điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Với Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội ban hành, các ngân hàng đang có cơ hội đạt được mức lợi nhuận tốt hơn kế hoạch năm nhờ đưa khả năng hoàn nhập dự phòng khi bán được các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Sĩ Chương - chuyên gia kinh tế, thì chất lượng tín dụng và tính minh bạch các khoản tín dụng là yếu tố mà các ngân hàng phải thực sự coi trọng.
Ông Chương cho rằng cần minh bạch hoá giữa ngân hàng tín dụng và ngân hàng đầu tư mới có thể giải quyết nợ xấu một cách triệt để và từ gốc. Chừng nào các khoản huy động tín dụng ngắn hạn lại bị các ngân hàng thương mại đem đầu tư dài hạn thì còn có khả năng gây ra nợ xấu.
"Chúng ta cần có cơ chế giám sát 2 chức năng tín dụng và đầu tư", ông Chương nói và cho biết: "Kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại nhiều quốc gia trong đó có cả các quốc gia phát triển như Mỹ là phải tách biệt được 2 vấn đề này".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - chuyên gia quản trị doanh nghiệp - cũng cho rằng cần phải hướng dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất, hạn chế tối đa việc dùng các khoản tín dụng ưu đãi mới để đáo nợ, xử lý nợ cũ. Chỉ khi có cơ chế giám sát dòng tiền thì các mục tiêu Chính phủ đặt ra mới đạt hiệu quả.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo nhà đầu tư
Cũng tại cuộc Hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng, ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang có cơ hội tăng trưởng cao, đây là yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho giá cổ phiếu ngân hàng trong tương lai. Tuy nhiên, để hạn chế các rủi ro có tính chu kỳ thì chất lượng tín dụng cần phải tiếp tục nâng cao, và đây cũng là yếu tố tạo sự khác biệt về kế quả kinh doanh giữa các ngân hàng.
Một ngân hàng có ROE, ROA cao nhất ngành ngân hàng cũng chưa hẳn đã có nền tảng bền vững nếu chất lượng tài sản có không tốt.
Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu ngân hàng đang phụ thuộc khá lớn và chất lượng tài sản ngân hàng chứ không chỉ theo các chỉ tiêu hiệu quả như các lĩnh vực sản xuất khác.
Theo đánh giá thì Vietcombank vẫn là ngân hàng có chỉ tiêu này tốt nhất hệ thống, và thực tế thị giá cổ phiếu cũng đạt mức cao nhất sàn niêm yết..