Cơ hội từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết ở Việt Nam thời gian gần đây, sau khi Chính phủ đẩy mạnh thực hiện chương trình này vào trung tuần tháng 2/2014, với các mục tiêu quyết liệt và biện pháp cụ thể.
Tại Vietcombank, quá trình tìm nhà đầu tư chiến lược xảy ra sau cổ phần hóa một vài năm Tại Vietcombank, quá trình tìm nhà đầu tư chiến lược xảy ra sau cổ phần hóa một vài năm
Bài viết này đưa ra các phân tích tổng quan về danh mục các DNNN sẽ được cổ phần hóa và gợi mở những cơ hội từ cả các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa những năm trước đây.

Tổng quan về DNNN Việt Nam

Về mặt pháp lý, DNNN được hiểu là một doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% cổ phần. Đến tháng 6/2014, cả nước có 1.210 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trên 4.000 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp đại chúng với phần vốn nhà nước chiếm tỷ lệ lớn như Vinamilk, Sabeco.

Tại Việt Nam, DNNN đóng 2 vai trò chính là: tạo lợi nhuận như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, và là bàn tay điều tiết nền kinh tế vĩ mô cho Nhà nước khi cần thiết. Do đó, hệ thống cũng như cơ cấu sở hữu các DNNN tại Việt Nam khá phức tạp. Tất cả các DNNN đều nằm dưới sự quản lý, giám sát của Chính phủ, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ chỉ trực tiếp kiểm soát nhóm 10 tập đoàn kinh tế nhà nước (hay còn gọi là tổng công ty 90) và 11 tổng công ty nhà nước (hay còn gọi là tổng công ty 91). Đối với các DNNN còn lại, Chính phủ trao quyền quản lý, kiểm soát cho đại diện của mình là các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước (đối với ngành ngân hàng), địa phương, các tổng công ty nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

SCIC là công ty đầu tư đặc biệt của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, đóng vai trò là đại diện cho phần vốn nhà nước tại các DNNN, nhằm tách biệt với chức năng giám sát doanh nghiệp của Nhà nước. SCIC đang quản lý nguồn vốn nhà nước tại 436 DNNN. Tuy nhiên, vì một vài lý do mà rất nhiều DNNN thuộc quản lý của SCIC đã được chuyển trả lại cho địa phương hoặc tổng công ty nhà nước như: Jetstar Pacific JV được chuyển lại cho Vietnam Airlines, hay Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã được chuyển lại cho UBND tỉnh An Giang.

Danh mục DNNN cổ phần hóa giai đoạn 2014-2016

Theo số liệu từ Ủy ban Cải cách DNNN năm 2011, Việt Nam có 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Chính phủ dự kiến sẽ cổ phần hóa được 573 doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2015. Với 99 doanh nghiệp đã cổ phần hóa tính đến cuối tháng 6/2014, hiện còn khoảng 503 doanh nghiệp cần được cổ phần hóa. Trong khi các nhà đầu tư trong nước tập trung vào các DNNN sở hữu quỹ đất lớn, thì các nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ ra hứng thú với lĩnh vực tiêu dùng bao gồm: hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, dịch vụ tiện ích công cộng (Biểu đồ 2).

Trong số 503 doanh nghiệp sắp tiến hành cổ phần hóa, thì có 302 doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình nhỏ lẻ, tập trung vào một địa phương cụ thể như huyện, tỉnh; và 51 DNNN có vốn điều lệ trên 25 triệu USD (Biểu đồ 3).

Cơ hội từ việc thoái vốn ngoài ngành bắt buộc của các DNNN

Cùng với việc tiến hành cổ phần hóa một số doanh nghiệp, Chính phủ còn đưa ra một chương trình tái cơ cấu quyết liệt thông qua việc phê duyệt đề án tái cơ cấu cụ thể của 10 tổng công ty trong tập đoàn kinh tế nhà nước và 11 tổng công ty 91. Theo đó, các công ty mẹ với các công ty con và công ty liên kết sẽ phải đưa ra một lộ trình cụ thể cho việc cổ phần hóa của mình và đảm bảo thoái vốn hoàn toàn khỏi các công ty con, công ty liên kết ngoài ngành. Theo dữ liệu tổng hợp của StoxPlus, danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa theo các quyết định này đã được đưa vào danh sách cổ phần hóa sắp tới.

Cơ hội từ các DNNN đã được cổ phần hóa

Từ 1992-2004, đã có 2.025 DNNN được cổ phần hóa, nhưng tổng số tiền thu về từ các đợt cổ phần hóa này chỉ có 0,8 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý, chỉ có 24 tỷ đồng (1,5 triệu USD) là từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, tổng số tiền thu về từ 10 thương vụ cổ phần hóa lớn nhất giai đoạn 2005-2011 cũng chỉ là 1,4 tỷ USD. Trong thời gian cổ phần hóa, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ít, nhưng đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ hậu cổ phần hóa. Tại một số đợt cổ phần hóa lớn, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia DNNN lớn có nền tảng tốt như: Vietcombank, Sabeco và Tập đoàn Bảo Việt. Tuy nhiên, tại các DNNN như Vietcombank, VietinBank, Bảo Việt, Habeco, quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đã xảy ra sau cổ phần hóa một vài năm.

Chúng tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều cơ hội đến từ các DNNN cổ phần hóa, thậm chí là các doanh nghiệp đại chúng như Vinamilk, Sabeco, hay các DNNN có nền tảng tốt khác mà các quỹ đầu tư tư nhân trước đó đã tham gia đầu tư vào các đợt cổ phần hóa DNNN và đang tiếp tục trong quá trình thoái vốn trước khi kết thúc thời gian hoạt động của mình.

Nghiên cứu của StoxPlus

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục