Cơ hội trong môi trường lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace, môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán nói chung và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Ngoài kênh tiền gửi ngân hàng thì kênh cổ phiếu được nhiều người quan tâm Ngoài kênh tiền gửi ngân hàng thì kênh cổ phiếu được nhiều người quan tâm

Mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 đang tới gần, dự báo kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn quý liền trước. Theo ông, liệu có thể kỳ vọng “sóng” sẽ xuất hiện trên thị trường chứng khoán?

Tôi đánh giá, khó có thể kỳ vọng về “sóng” kết quả kinh doanh quý IV/2023, vì bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp dù lạc quan hơn so với quý III nhưng mức tăng lợi nhuận dự kiến thấp, không dễ tạo ra cú huých cho thị trường chứng khoán.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, sản xuất ở mức thấp, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 3 tháng cuối năm đều dưới 50; xuất khẩu chưa hồi phục rõ nét do nền kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Trung Quốc vẫn trong giai đoạn khó khăn; lãi suất giảm mạnh nhưng dòng tiền chậm chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Với việc các doanh nghiệp “chốt số liệu”, chỉ một số ngành nghề có “của để dành” như bất động sản thì mới có thể tạo sự đột biến vào quý cuối năm. Với nhóm ngân hàng, tôi không kỳ vọng cao, do “của để dành” gần như không còn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã về mức thấp. Còn các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, lợi nhuận thường chia đều trong năm, chứ không dồn vào quý IV.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace

Nhìn chung, tôi không kỳ vọng cao vào mùa báo cáo tài chính cuối năm. Tôi đặt xác suất 40% vào kịch bản lạc quan, thị trường sẽ xuất hiện một “sóng” tăng nhẹ; 60% là thị trường đi ngang ở mức hiện tại.

Vậy đâu là yếu tố để kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trong giai đoạn tới?

Thông thường, có 2 yếu tố kỳ vọng để thị trường chứng khoán tăng trưởng. Một là chính sách tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, bơm tiền thúc đẩy kinh tế, nhưng chúng ta cũng khó kỳ vọng vào yếu tố này, vì lãi suất đã tạo đáy. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành, góp phần giúp lãi suất xuống thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Do nội tại nền kinh tế vẫn yếu, nhu cầu tiêu thụ kém, nên tiền được “bơm” ra thị trường nhưng chậm chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, nền kinh tế tồn tại rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Vì thế, thị trường chứng khoán chưa hồi phục mạnh, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được người dân ưu tiên.

Phần lớn thị trường đang đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024, bởi chính sách thúc đẩy, hỗ trợ đã được ban hành, giờ chỉ đợi kết quả từ phía doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thật sự tốt mới đủ tạo ra cú huých cho thị trường chứng khoán.

Lãi suất huy động đã về đáy, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm khi lượng tiền gửi lãi suất cao giai đoạn đầu năm 2023 đáo hạn và quay vòng tiếp vào hệ thống, giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp để hấp dẫn các doanh nghiệp vay mới, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Dự báo, lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ tăng trưởng, nhưng không quá cao.

Tôi đồng quan điểm với dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) về kinh tế Việt Nam năm 2024, tăng trưởng GDP từ 5,8 - 6%, cao hơn so với mức tăng 5,05% năm 2023, nhưng vẫn thấp so với nền trung bình 20 năm qua là 6,5%. Nhìn chung, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp sẽ khả quan, nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến.

Ở thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về dòng tiền và các kênh đầu tư?

Ngành kim loại và khai khoáng (thép), chứng khoán, vật liệu xây dựng, dệt may có thể ghi nhận hiệu suất vượt trội trong môi trường lãi suất thấp.

Năm 2023, kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, lãi suất thấp, rủi ro lạm phát và tỷ giá, trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu tại Mỹ và EU khi lạm phát ở mức cao, rủi ro địa chính trị tại Israel… Do vậy, dòng tiền chủ yếu tìm đến các kênh trú ẩn như vàng, tiền tệ (các đồng tiền có tính chất trú ẩn như USD, JPY, CHF) và gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bối cảnh năm 2024 dự kiến sẽ không quá khác biệt so với năm 2023, ngoài lạm phát hạ nhiệt và kinh tế phục hồi nhẹ. Tôi cho rằng, dòng tiền trên toàn cầu sẽ tiếp tục để tỷ trọng lớn ở các kênh trú ẩn như vàng, tiền tệ, bitcoin.

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam đang có vị thế tốt so với thế giới, lạm phát không quá cao và kinh tế phục hồi rõ ràng. Trong các kênh đầu tư đầu tư phổ biến còn lại là trái phiếu, bất động sản, cổ phiếu, tôi đánh giá dòng tiền năm nay sẽ ưu tiên chảy vào kênh cổ phiếu, do lãi suất thấp và kinh tế phục hồi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận.

Kênh trái phiếu có thể cần thêm 2 - 3 năm tới sau khi đã đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Còn kênh bất động sản chỉ tăng tốt nhất khi lãi suất và lạm phát cùng giảm sâu, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, điều này thì năm 2024 nhiều khả năng chưa có.

Trong bối cảnh lãi suất thấp, ông có thể chia sẻ các nhóm ngành/cổ phiếu đáng quan tâm đầu tư?

Môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán nói chung và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2024 được dự đoán sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng yếu. Chúng tôi nhận định, 2024 sẽ là năm phục hồi nhẹ và đến quý I - II/2025, kinh tế Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và chỉ số giá của các ngành. Mục tiêu để xếp hạng hiệu suất đầu tư tương đối của các ngành tại Việt Nam với lãi suất. Kỳ vọng, mối quan hệ điển hình giữa lãi suất và chỉ số giá của giai đoạn 2018 - 2023 sẽ lặp lại trong năm 2024 - 2025.

Kết quả cho thấy, các ngành kim loại và khai khoáng (thép), bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, vật liệu xây dựng, dệt may có hiệu suất vượt trội trong môi trường lãi suất thấp. Nhưng chúng tôi không ưu tiên 2 ngành ngân hàng và bất động sản.

Với bất động sản, dù lãi suất ở mức thấp, nhưng lạm phát vẫn đáng quan ngại, tăng trưởng kinh tế chậm, nên khi các yếu tố thuận lợi chưa kích hoạt thì ngành này khó có thể tăng mạnh. Hơn nữa, năm nay có lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn năm 2023, điều này đặc biệt rủi ro trong bối cảnh hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao nhất trong 3 năm qua.

Đối với ngân hàng, dù hưởng lợi nhiều khi lãi suất giảm, nhưng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp, nhiều khả năng trong năm 2024 sẽ phải ưu tiên phòng thủ hơn tấn công, ưu tiên việc chuyển từ lợi nhuận sang trích lập dự phòng.

Hoàng MinH thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục