FIDT: Cơ hội từ chân sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán còn nhiều động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn, khi chính thức vận hành hệ thống KRX và nâng hạng thị trường.
FIDT: Cơ hội từ chân sóng

Phục hồi kinh tế tạo triển vọng mới cho thị trường chứng khoán 2024

“Năm 2024, vẫn có dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế - đây là điều kiện thuận lợi cho trường chứng khoán thu hút dòng tiền”, ông Huỳnh Minh Tuấn, người sáng lập Công ty cổ phần FIDT - đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam nhận định.

Theo kỳ vọng của ông Tuấn, “chân sóng” của thị trường đã ở đợt điều chỉnh 1.04x điểm của chỉ số VN-Index vừa qua và sẽ tạo nền tảng cho thị trường đi lên trong những năm tiếp theo.

Đội ngũ FIDT đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán 2024: Kịch bản tích cực là VN-Index đạt 1.420 điểm (+/-30 điểm), khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý trên thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên. Cuối cùng là dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng. Kịch bản cơ sở là VN-Index đạt 1.300 điểm (+/-20 điểm) và kịch bản tiêu cực là 1.150 điểm (+/- 20 điểm).

Chủ điểm đầu tư chính năm 2024 được FIDT khuyến nghị gồm: Một là, năng lượng và cơ sở hạ tầng, với các nhóm xây lắp dầu khí thượng nguồn, xây dựng hạ tầng và xây lắp điện; hai là xuất khẩu hồi phục mang lại cơ hội cho nhóm thuỷ sản, đặc biệt là cá tra; ba là đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn sẽ thu hút FDI nhờ sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh rõ ràng với tâm điểm là bất động sản khu công nghiệp; bốn là, câu chuyện KRX cùng nâng hạng thị trường, với chủ điểm là cổ phiếu chứng khoán.

Nhu cầu tư vấn chuyên nghiệp tạo nên thị trường trăm tỷ USD

Ảnh tác giả

Chân sóng của thị trường đã ở đợt điều chỉnh 1.04x điểm vừa qua và sẽ tạo nền tảng cho thị trường đi lên trong những năm tiếp theo

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Người sáng lập Công ty cổ phần FIDT

Trải qua nhiều biến động mạnh của thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư càng ngày càng nhận ra tầm quan trọng trong việc tìm kiếm tư vấn tài chính chuyên nghiệp đi song hành, để vừa có thể gia tăng tài sản nhưng cũng phải bảo vệ được thành quả.

Theo chia sẻ từ ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT, trong những giai đoạn tài chính của khách hàng bị “thập diện mai phục” thì nhu cầu về đội ngũ “bác sĩ tài chính” lại trở nên vô cùng cần thiết, nhằm giúp họ gỡ rối tình hình tài chính, từ tái cơ cấu danh mục tài sản đến cấu trúc nợ vay, xây dựng giải pháp bảo vệ tài chính… Đây là cơ hội để FIDT phát huy lợi thế, đặc biệt khi là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính và quản lý gia sản trong một thị trường tài chính vẫn đang tập trung cung cấp sản phẩm và rất hạn chế về dịch vụ cung cấp kế hoạch tài chính toàn diện.

Các “bác sĩ tài chính” này không chỉ làm việc tại các tổ chức tư vấn độc lập, mà còn ở các định chế tài chính lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản.

Nếu hiểu sâu hơn về nghề nghiệp này, thì những năm 70 của thế kỷ trước, nước Mỹ đã chính thức khai sinh ra nghề Financial Planner với mục đích nâng cao dân trí tài chính và xa hơn là hỗ trợ giải quyết thách thức của già hóa dân số (gây áp lực lên quỹ lương hưu của chính phủ). Đây cũng là câu chuyện của Việt Nam ở thì hiện tại, theo ông Huấn. Góc nhìn của FIDT về thị trường tài chính cá nhân và quản lý gia sản tại Việt Nam là rất tiềm năng, quy mô hàng trăm tỷ USD nhưng còn quá sơ khai, chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Với việc có khoảng 11% người dân tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ, 5% người dân tham gia thị trường chứng khoán thì dân số hơn trăm triệu người sẽ tạo ra thị phần hàng trăm tỷ USD cho cả dịch vụ tư vấn và hoa hồng theo sản phẩm. Với xu thế rõ nét về sự chuyển đổi của toàn thị trường tài chính, FIDT kiên trì với sứ mệnh thúc đẩy phát triển nghề tư vấn tài chính chuyên nghiệp (Financial Advisor/ Financial Planner) tại Việt Nam; xây dựng đội ngũ Bác Sĩ Tài Chính đầy đủ năng lực, kỹ năng chăm sóc khách hàng và nhất là đạo đức nghề nghiệp.

FIDT đã hợp tác với các trường đại học hàng đầu trên cả nước để thúc đẩy sự ra đời của chuyên ngành đào tạo Hoạch định tài chính cá nhân chính quy; mở các diễn đàn, hội thảo về nâng cao dân trí tài chính toàn dân và năng lực của tư vấn tài chính.

Bên cạnh đó, FIDT cũng đồng hành cùng Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) trong công tác soạn thảo bộ tiêu chuẩn nghề tư vấn tài chính, phát triển các trung tâm đào tạo nghề và kết nối với các định chế tài chính hàng đầu như BIDV, Sacombank, Manulife, Dai-ichi, AIA hay One Housing để trang bị cho đội ngũ tư vấn hiện có các kiến thức và kỹ năng từ chuyên môn chính quy và kinh nghiệm thực tiễn.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục