Cơ hội 'thử lửa' dầu đá phiến của Mỹ

Mỹ có khả năng tự chủ nguồn cung dầu mỏ với dầu đá phiến hay không, điều này sẽ được kiểm chứng trong cú sốc giá dầu lần này.
Khu vực khai thác dầu đá phiến tại Kern County, California, Mỹ. Ảnh: WSJ Khu vực khai thác dầu đá phiến tại Kern County, California, Mỹ. Ảnh: WSJ

Sự cố hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công cuối tuần qua đã khiến nước này buộc phải cắt giảm sản lượng 5,7 triệu thùng mỗi ngày, tức chiếm hơn 5% nguồn cung toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, thế giới vẫn đủ lượng dầu thô để cung cấp trên thị trường thương mại. Các quốc gia bao gồm Mỹ có thể tăng khai thác dự trữ chiến lược nếu sản xuất của Saudi Arabia mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hồi phục.

Tuy nhiên, các thương nhân không nên dựa vào khả năng giải cứu của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. "Dường như có ý tưởng trong công chúng rằng dầu đá phiến có thể tăng cường nguồn cung ngay lập tức nhưng không phải vậy", Bernadette Johnson - Chuyên gia phân tích của Enverus cho biết.

Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua nhờ dầu đá phiến, cho phép nước này sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mỹ cũng đã trở thành một nước xuất khẩu năng lượng lớn.

Nước này vượt Saudi Arabia xuất khẩu nhiều dầu nhất thế giới, với 3 triệu thùng mỗi ngày hồi tháng 6. Tuy nhiên, vẫn phải mất nhiều tháng nữa để ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có thể tăng sản lượng nhằm làm dịu cú sốc giá đang diễn ra.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến dựa vào nhiều giếng riêng lẻ, và tăng sản lượng có nghĩa là phải có các giàn khoan mới, khó hơn nhiều so với việc bơm thêm dầu từ mỏ dầu thô truyền thống. Trên hết, các nhà khai thác Mỹ có khả năng hạn chế để tăng sản lượng trong Lưu vực Permian vì các tắc nghẽn cơ sở hạ tầng.

Theo Johnson, một số đường ống và nhà ga đang được xây dựng. Nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại, các nhà sản xuất dầu đá phiến không thể sản xuất nhiều dầu hơn ngay cả khi họ muốn.

"Cơ sở hạ tầng chỉ đơn giản là chưa xong để tiếp cận với bờ biển cũng như các bến xuất khẩu", cô nói và cho biết có 1.000 giếng trong khu vực đã được khoan nhưng chưa hoàn thiện. Ngoài ra, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng chịu áp lực từ các nhà đầu tư về việc cắt giảm chi tiêu và làm chậm quá trình mở rộng. Chứng khoán ngành dầu đá phiến vì thế khá ảm đạm năm nay.

Sự tăng vọt dữ dội của giá dầu thô hôm thứ hai phản ánh mối lo ngại về xung đột vũ trang leo thang ở Trung Đông, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu của các nhà sản xuất truyền thống.

Nguồn tin của CNN Business cho rằng việc khôi phục hoàn toàn sản xuất tại hai nhà máy bị tấn công của Saudi Arabia "sẽ mất vài tuần chứ không phải vài ngày". Do đó, việc sản xuất của nước này có thể bị cản trở trong thời gian dài.

Hầu hết các nhà sản xuất lớn khác đã hoạt động đầy đủ công suất sau vụ tấn công. Iran có một số khả năng dự phòng, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ gây khó cho xuất khẩu dầu thô của nước này. Venezuela, một nguồn cung cấp bổ sung tiềm năng khác, thì đang có một ngành công nghiệp dầu mỏ bất ổn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, OPEC có công suất dự phòng 3,2 triệu thùng mỗi ngày trước các vụ tấn công. Nhưng khoảng hai phần ba số đó lại đến từ Saudi Arabia.

"Thế giới thậm chí còn không thể thay thế hơn 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, xuất khẩu bởi Saudi Arabia. Phản ứng của thị trường đối với tầm quan trọng của nước này, trong kỷ nguyên mới của dầu đá phiến Mỹ giờ sẽ được kiểm chứng", Bjørnar Tonhaugen - Trưởng nghiên cứu thị trường dầu tại Rystad Energy bình luận.

Thế giới sẽ dựa vào dự trữ dầu thô thương mại và dự trữ dầu thô các quốc gia trong khi chờ Saudi Arabia phục hồi sản lượng. Chính phủ nước này, cùng với Trung Quốc và Mỹ đang có lượng dự trữ đáng kể.

"Dòng chảy dầu thô toàn cầu sẽ không bị gián đoạn ngay lập tức ... Tuy nhiên, nguồn cung từ Saudi Arabia càng bị gián đoạn thì tác động tiềm năng đối với dòng dầu thô thực tế sẽ càng lớn", Tonhaugen nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục