Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:
>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành
Tại Hội nghị Bảo hiểm Việt Nam năm 2013 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, các chuyên gia trong ngành đã nhận định, chừng nào ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm còn được kỳ vọng phát triển thì chừng đó Việt Nam sẽ vẫn là thị trường đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, không chỉ chứa đựng nhiều cơ hội hấp dẫn mà còn ẩn chứa nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà đầu tư phải cân nhắc rất kỹ khi mở rộng thị trường.
Vẫn tăng trưởng hai con số
Đến thời điểm này, dù chưa có công ty bảo hiểm nào công bố kết quả kinh doanh ước tính cả năm 2013, nhưng báo cáo tài chính quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2013 vừa được một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ công bố cho thấy tình hình kinh doanh khá ổn.
Cụ thể, Prudential Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt mức doanh thu phí khai thác mới tới 1.185 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kì năm trước; tổng doanh thu phí đạt 5.256 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Prudential Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường cả về thị phần doanh thu phí khai thác mới lẫn tổng doanh thu phí bảo hiểm, tương ứng gần 26% và 34%.
Manulife Việt Nam có doanh thu phí bảo hiểm mới quy năm trong quý III/2013 đạt 240 tỷ đồng, tăng trưởng với mức cao kỷ lục 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 677 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, quý III năm nay, Công ty đã thiết lập được nhiều kỷ lục về các chỉ số kinh doanh.
Trong khi đó, Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2013, với doanh thu phí bảo hiểm của hợp đồng khai thác mới đạt trên 483 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 1.244 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận sơ bộ ước tính đạt 142 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2012…
Cùng với việc đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ mới thì sự lớn mạnh của lực lượng đại lý cũng góp phần đáng kể vào thành công của những doanh nghiệp này. Trong quý III/2013, Manulife Việt Nam đã tuyển mới hơn 5.000 đại lý, nâng tổng số đại lý hiện có lên gần 13.000 người vào cuối tháng 9. Còn Dai-ichi Life Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2013 cũng khai trương mới 17 văn phòng tổng đại lý tại các tỉnh thành, nâng tổng số văn phòng và tổng đại lý trên toàn quốc lên 110 văn phòng…
Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam cho biết, tính đến cuối quý III/2013, số lượng hợp đồng cá nhân mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao gấp 3 lần so với mức tăng trưởng 8% của 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011. Trong năm nay, phí bảo hiểm mới cũng tăng trưởng mạnh mẽ, với 32,8% so với 10,2% của năm 2012, dẫn đến mức tăng trưởng tích cực của tổng phí bảo hiểm là 23% so với 11% của năm ngoái (tổng phí bảo hiểm gồm có phí bảo hiểm mới và phí bảo hiểm tái tục).
Thách thức lớn của ngành bảo hiểm vẫn là vấn đề trục lợi
Theo số liệu ước tính sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm của khối bảo hiểm nhân thọ đạt 21.149 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2012. Việc tập trung nâng cao chất lượng đại lý, mở rộng kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ là những yếu tố giúp bảo hiểm nhân thọ “thêm điểm” trong mắt khách hàng.
“Sự phục hồi của ngành bảo hiểm mà chúng ta đã chứng kiến trong năm 2013 là một tín hiệu tốt cho năm 2014”, ông Stephen Clark nhìn nhận.
Trong khi đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ dù khá chật vật, thậm chí có những bước thụt lùi trong những tháng đầu năm, nhưng dự kiến cũng đạt doanh thu 25.034 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với với năm trước.
CEO một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, năm 2013, suy thoái kinh tế vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tới các ngành kinh tế, trong đó có bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm, toàn thị trường mới tăng trưởng 6%, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, khối này lại đón nhận nhiều tin vui của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc top đầu thị trường, vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 10 - 12% của thị trường bảo hiểm dù khó nhưng không phải là không thể đạt được.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm phi nhân thọ đã có một quý đầu năm có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục (5%), nhưng quý II và III/2013 đã “gỡ lại” với mức tăng tương ứng là 5% và 8,6%.
Quý IV có doanh thu bảo hiểm học sinh theo mùa nên dự kiến doanh thu cũng sẽ tăng trưởng khá. Nếu so với tình hình kinh tế thì tốc độ tăng trưởng như trên của ngành bảo hiểm vẫn là một điểm sáng, nhưng theo ông Lộc, đây là mức tăng trưởng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của ngành này.
Thách thức
Nhìn nhận về triển vọng năm 2014, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm cũng sẽ phục hồi tốt trong năm 2014. Đây cũng sẽ là thời điểm quan trọng cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khẳng định chiến lược phát triển và tăng tốc. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức.
Hơn nữa, những thách thức mà ngành này đang phải đối mặt lại là những vấn đề “muôn năm cũ” mà dù đã nhận diện được nhưng chưa có giải pháp để xử lý hiệu quả, trục lợi bảo hiểm đã đang và sẽ tiếp tục là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm khi mức độ trục lợi ngày càng tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Ông Phùng Đắc Lộc cho biết, dự kiến, trong chương trình xây dựng luật năm 2014, nội dung phòng chống trục lợi bảo hiểm sẽ được đưa vào. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang dự kiến thành lập một Tổ công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm, kinh phí hoạt động do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp. Tổ chức này sẽ thu hút những chuyên gia pháp lý hàng đầu…
“Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga cũng có những tổ chức này đề điều tra những hành vi trục lợi bảo hiểm”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, đối với khối phi nhân thọ, việc cạnh tranh bằng hạ phí, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ vẫn rất phổ biến. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhìn nhận, năm 2013, cạnh tranh còn khốc liệt hơn năm trước, đặc biệt là trong mảng bảo hiểm xe cơ giới. Hiện nay, các công ty đang ngồi lại cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Bộ Tài chính để thảo luận các biện pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Vị đại diện trên cho rằng, do thị trường bị chi phối chính bởi các doanh nghiệp lớn trong nước với hệ thống công ty thành viên và chi nhánh rộng khắp, nên khối bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, chẳng hạn như chính sách phân cấp quản lý có những ảnh hưởng tiêu cực đến áp dụng thống nhất các quy trình, quy định trong nội bộ các doanh nghiệp lớn cũng như việc cạnh tranh nội bộ; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc quản lý rủi ro và thống kê còn yếu nên khó có
thể tính phí bảo hiểm một cách chính xác..
“Ngoài ra, cũng còn một vấn đề khác, đó là tâm lý nhiệm kỳ và áp lực phải đạt các chỉ tiêu doanh số trong ngắn hạn, khiến nhiều cán bộ quản lý đưa ra những quyết định không có lợi cho việc phát triển bền vững của doanh nghiệp”, vị đại diện trên nhấn mạnh.
Đối với khối nhân thọ, thị trường đã phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia cả về mặt số lượng và chất lượng.
Việc thiếu hụt nhân tài vẫn là vấn đề cần giải quyết. Mặc dù trong 5 năm gần đây, đội ngũ nhân viên trẻ, được đào tạo bài bản đã gia tăng đáng kể, nhưng các công ty bảo hiểm vẫn cần chú trọng đầu tư vào nguồn nhân lực.
Việc tuyển dụng đại lý liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới cũng tạo ra sức ép cho việc kiểm soát chất lượng tư vấn của đội ngũ này. Ngoài ra, hoạt động chi trả bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp vì thị trường đang tăng trưởng rất nhanh.
Chính vì vậy, theo ông Simon Lam, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Generali, các công ty bảo hiểm cần áp dụng cách tiếp cập đa chiều trong việc chi trả bảo hiểm, bao gồm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm và các kênh phân phối; phát triển kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho đội ngũ nhân viên phụ trách chi trả bảo hiểm.