Triển vọng kinh tế toàn cầu
Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2015. Theo đó, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2014 được đánh giá là thất vọng khi chỉ đạt 2,6%, cải thiện rất yếu so với mức 2,5% của năm 2013. Nhìn chung, châu Âu vẫn đang đối mặt với mối lo lạm phát, kéo theo việc duy trì lãi suất ở mức thấp. Ngược lại, các nước có mức hồi phục kinh tế cao như Mỹ có thể sẽ giảm chính sách nới lỏng tiền tệ và đẩy lãi suất tăng trở lại. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến dòng vốn đi vào các thị trường mới nổi.
Thế giới đang đối mặt với rủi ro do các chiều hướng tăng trưởng khác nhau diễn ra ở các nền kinh tế lớn. Mỹ và Anh được đánh giá là đang trên đà phục hồi rõ rệt, trong khi đó, nền kinh tế châu Âu và Nhật vẫn đang giậm chân tại chỗ. Tuy vậy, tình hình tăng trưởng năm 2015 vẫn được dự báo là tích cực so với năm 2014, theo đó, tăng trưởng sẽ đạt mức 3% và tiếp tục tăng lên 3,3% vào năm 2016. Tăng trưởng của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương được đánh giá sẽ giảm nhẹ, nhưng phát triển theo hướng cân bằng hơn và được dự đoán có mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay và ổn định ở mức này trong hai năm sau đó (2016 - 2017).
Cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt, dầu khí khởi sắc
Tuần qua, trên TTCK Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến hạ nhiệt so với tuần trước đó. Giá cổ phiếu VCB giảm 1,6% trong tuần, sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 10.233 tỷ đồng (+12,5%), chi phí dự phòng rủi ro được trích lập ở mức 4.553 tỷ đồng (+30%), lợi nhuận trước thuế 5.680 tỷ đồng (+2%). Con số lợi nhuận năm 2014 của VCB như kỳ vọng của chúng tôi và chúng tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng tốt hơn trong năm nay. Năm 2015, Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 16%, huy động vốn tăng 12%, kiểm soát nợ xấu dưới 2,5% và đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 6.000 tỷ đồng (+6%). Kế hoạch lợi nhuận vẫn khiêm tốn, nhưng đây là năm đầu tiên sau hai năm (2013, 2014), VCB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn 0%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tạo sức nóng cho thị trường vào những ngày đầu tuần khi Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục tiến hành mua cổ phiếu quỹ với mục đích hỗ trợ thị giá của cổ phiếu GAS - cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Việc này đã góp phần giúp VN-Index tăng điểm nhẹ phiên thứ Hai và thứ Ba. Tuy nhiên, khi giá dầu không duy trì được xu hướng phục hồi, mà quay đầu giảm tiếp, còn khoảng 46 USD/thùng (dầu WTI), nhóm cổ phiếu dầu khí đã đuối sức vào cuối tuần và trả lại phần tăng những ngày trước đó.
Vào cuối tuần, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) công bố thông tin về việc thay đổi công thức tính giá khí. Theo đó, công thức tính giá khí đối với lượng khí được giao nhận theo hợp đồng kể từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015 tại điểm giao nhận khí như sau: P = Pn + Tcl = 46%*MFO + 0,92 (USD/triệu BTU). Trong công thức tính giá khí có 2 phần: 46%*MFO là phần biến phí và 0,92 là định phí (chi phí vận chuyển). Phần định phí trong năm 2015 tăng 0,29 USD/triệu BTU so với năm 2014 (chi phí vận chuyển trong năm 2014 là 0,63USD/triệu BTU). Tuy nhiên, việc này chưa chắc làm tăng giá khí đầu vào của DPM trong năm nay, vì phần biến phí (46%*MFO) sẽ thấp hơn năm 2014 do giá dầu hiện ở mức thấp hơn nhiều so với năm trước và đang trong xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, cổ phiếu GAS giảm giá liên tục (-2,1%) trong 2 phiên cuối tuần. Dù sao, đây vẫn là một tuần giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí với GAS tăng 4,7%, PGS tăng 4,8%, PVS tăng 3%, PVT tăng 2,1%.
Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Sáu (16/1), VN-Index đóng cửa tại 574,81 điểm, tăng 5,08 điểm (+0,9%) so với cuối tuần trước đó. Ngược lại, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,35%), xuống 85,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên cả hai sàn trong tuần là 857 triệu đơn vị (+8,6%), giá trị giao dịch đạt trên 13.665 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 100 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng 204 tỷ đồng trên sàn HNX. Các mã được mua ròng nhiều nhất là HVG, BID, VCB, MWG, còn các mã bị bán ròng nhiều nhất là KBC, DBC, DXG.
Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số chứng khoán dường như đã thất bại khi kiểm nghiệm các mức kháng cự quan trọng nằm tại 580 điểm với VN-Index, 625 điểm với VN30 và 86 điểm với HNX-Index trong tuần qua, khi lực bán gia tăng đã đẩy các chỉ số thoái lui. Khối lượng giao dịch khớp lệnh gia tăng khi thị trường nằm tại các mức kháng cự cho thấy, áp lực chốt lời mạnh đang xảy ra trên sàn cả hai.
Hiện tại, mức hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 574 điểm; tương tự, VN30 là 613,5 điểm và HNX-Index là 85,5 điểm. Một khi các chỉ số phá vỡ các mức hỗ trợ nói trên trong phiên đầu tuần này thì nhiều khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục điều chỉnh về mức hỗ trợ mạnh tiếp theo là 565 điểm đối với VN-Index, 83,9 - 83,6 điểm đối với HNX-Index và 605 điểm đối với VN30 trước khi đi lên trở lại. Ngược lại, một khi đi lên và phá vỡ các mức kháng cự 580 điểm trên VN-Index, 625 điểm trên VN30 và 86 điểm trên HNX-Index, các chỉ số này có thể đi lên mức kháng cự mạnh tiếp theo, tương ứng là 600 - 610 điểm (VN-Index), 643 điểm (VN30) và 89 điểm (HNX-Index).
Thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh nên sự điều chỉnh ngắn hạn là cơ hội để mua vào. Tuy nhiên, thị trường đang có sự chuyển hoá dòng tiền từ các nhóm vốn hoá lớn sang nhóm vốn hoá nhỏ, từ cổ phiếu đầu tư sang cổ phiếu đầu cơ. Do đó, trong giai đoạn hồi phục sắp tới, nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng và dầu khí có thể sẽ không tăng mạnh bằng các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá nhỏ.