Bức tranh mía đường thế giới
Dự báo ngành đường thế giới sản xuất trong niên vụ 2017-2018 đạt khoảng 188 triệu tấn, tăng 7,56% so với niên vụ trước; mức tiêu thụ trong niên vụ này khoảng 182 tấn, tăng 1,53%. Như vậy, lượng đường thế giới dư thừa khoảng 6 triệu tấn trong niên vụ 2017-2018.
Chính phủ một số nước sẽ điều chỉnh chính sách bảo hộ ngành đường. Trung Quốc thành lập cơ chế thuế mới với đường nhập khẩu, miễn 45% thuế đối với các nước không phải là nước sản xuất đường; giá nội địa của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao.
Còn Chính phủ Thái Lan xem xét sửa đổi một số chính sách ngành đường để giải quyết tranh chấp thương mại WTO với Braxin sau khi nước này cho rằng, những chính sách trợ cấp của Thái Lan cho nông dân trồng mía khiến gia tăng sản xuất và kéo giá toàn cầu đi xuống. Thái Lan cung cấp trợ giá 160 baht (5 USD/tấn) cho người trồng mía.
Đồng thời, Thái Lan cũng xem xét bãi bỏ chính sách kiểm soát giá nội địa theo đạo luật mía đường năm 1984 - giá đường tăng theo giá thị trường. Chính điều này đã kéo theo nạn đường lậu vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, với mức khoảng 400.000 tấn trong niên vụ 2017-2018.
Cùng với thực trạng trên, việc sử dụng đường lỏng (đường làm từ bắp) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc với mức thuế suất 0% là vấn đề cần được quan tâm và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, Nhà nước nên đánh thuế sản phẩm chứa loại đường lỏng này, vì nó có hại cho sức khỏe, nhất là khi bắp được biến đổi gen.
Trước viễn cảnh ngành đường thế giới như đã nêu ở trên, mía đường Việt Nam cũng đã bước vào niên vụ 2017-2018 với tổng năng suất sản xuất từ mía ước đạt khoảng 1.325.125 tấn so với niên vụ trước là 1.239.000 tấn; tổng nguồn cung ước đạt khoảng 2.379.375 triệu tấn so với niên vụ trước là 2.078.500 triệu tấn. Trong khi đó, mức cầu tiêu thụ của thị trường trong niên vụ 2017-2018 ước tính khoảng 1.819.825 tấn so với mức tiêu thụ của niên vụ trước là 1.650.000 tấn.
Để cạnh tranh được với đường Thái Lan, các chuyên gia ngành đường cho rằng, cách tốt nhất là mía đường Việt phải giảm được giá thành phẩm , hoặc tiếp cận với các cơ chế hỗ trợ nhiều hơn. Chẳng hạn, điện sinh khối hiện ở Thái Lan giá 13 cent, trong khi Việt Nam chỉ có là 5,8 cent. Có thể nói, mía đường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Cơ hội cho ngành đường trong nước
Trong khi mía đường thế giới bão hòa thì ngành đường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Một trong những thuận lợi đối với ngành đường Việt Nam, theo các chuyên gia lĩnh vực mía đường, cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam sẽ là cơ hội cho ngành tiêu dùng phát triển trong tương lai.
Gia tăng tỷ lệ dân số sẵn sàng chi trả giá cao cho sản phẩm thực phẩm an toàn cho sức khỏe chính là động lực tăng cầu tiêu thụ đường.
Hiện mức tiêu thụ đường bình quân tại Việt Nam là 16 kg đường/người/năm, thấp hơn so với Thái Lan là 37kg đường/người/năm, Indonesia là 23 kg đường/người/năm, Philippines là 25 kg đường/người/năm; Mỹ là 48 kg đường/người/năm; EU là 38 kg đường/người/năm. Dù vậy, cơ hội tăng trưởng và bứt phá chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp.
Theo dự báo, mức tiêu thụ đường của thị trường Việt Nam đến năm 2026 đạt khoảng 2,6-3 triệu tấn/năm. Nhưng thị trường sẽ sàng lọc doanh nghiệp mía đường có năng lực cạnh tranh thấp và loại bỏ khâu trung gian trong hoạt động phân phối đường. Làn sóng M&A nóng dần trong lĩnh vực mía đường để tạo nên những doanh nghiệp lớn, như vậy mới có thể tồn tại, phát triển và có thể cạnh tranh để vững mạnh hơn.
Đón đầu được xu thế này, doanh nghiệp trong ngành mía đường – Công ty Thành Thành Công (TTC Suger - mã chứng khoán SBT) đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập. Diện tích vùng nguyên liệu của TTC Suger hiện nay lên đến 60.384 ha.
Trong đó, mía đầu tư 48.555 ha và mía nông trưởng 11.829 ha. Mặt khác, vùng nguyên liệu mía của SBT được phân bổ tại các khu vực có thổ nhưỡng phù hợp cho cây mía và được đầu tư cơ giới hóa cao; ứng dụng IOT vào hệ thống quản lý nộng nghiệp bằng phần mềm FRM hiện đại.
SBT cũng đa dạng sản phẩm chất lượng cao đáp ứng cho nhiều phân khúc khách hàng, với hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tối ưu. SBT cũng có khả năng luyện đường công suất lớn và thời gian luyện linh hoạt. Hệ thống kho bãi có sức chứa lớn (34 kho đường = 340.000 tấn đường).
Đặc biệt, SBT có hệ thống kênh phân phối đa dạng khắp cả nước (200.000 điểm bán) cung cấp kịp thời và linh hoạt nhu cầu khách hàng. Ngoài việc phân phối sản phẩm do Công ty sản xuất, SBT cũng có tiềm năng trở thành nhà phân phối chính thức lượng đường nhập khẩu. Trong đó, có khoảng 300-500 tấn/năm được nhập khẩu phi chính thức chính thức.
Bên cạnh đường, SBT còn có lợi thế phát triển năng lượng sạch. Trong đó, xăng sinh học ethanol E5-E10 (áp dụng từ tháng 1/2018) dự kiến thiếu 1,5-2 triệu lít/năm, xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng, trong khi cung hiện ít hơn cầu.
Mục tiêu của SBT đến năm 2020 đạt 1.118 tấn đường, tăng trưởng 100% so với niên vụ 2017-2018; sản lượng tiêu thụ bình quân tăng 37%/năm, tăng trưởng doanh thu đường 28%/năm. Đến nay, SBT đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này khi Công ty đã hoàn tất việc sáp nhập và tháng 12/2017, SBT hoàn thiện mô hình tổng công ty quản lý tập trung tất cả ngành đường TTC. Hiện nay, vốn điều lệ SBT đạt 5.570 tỷ đồng, tổng tài sản 17.853 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.135 tỷ đồng, vốn hóa thị trường tính tháng 3/2018 đạt 480 triệu USD.
6 tháng sau khi thương vụ M&A giữa CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và CTCP Đường Biên Hòa hoàn tất (vào tháng 5/2017), TTC Sugar tổ chức sự kiện chuyên đề, cập nhật, trao đổi các thông tin về hoạt động sau M&A như thiết lập mô hình tổng công ty, tổ chức công tác vận hành đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống sản xuất - kinh doanh phù hợp với năng lực và quy mô mới, tiếp tục chuyên nghiệp hoạt động nông nghiệp - sản xuất - thị trường...
TTC Sugar đã đạt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng với nhiều điểm đáng khích lệ cả về khả năng sinh lợi cũng như an toàn tài chính. Tính đến 31/12/2017, giá trị tổng tài sản là 17.853 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 327 tỷ đồng. Với kết quả này, TTC Sugar đặt mục tiêu tổng doanh thu niên độ 2017-2018 hợp nhất đạt 9.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 680 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức từ 6-10% mệnh giá trên vốn điều lệ.
Trong giai đoạn tiếp theo, TTC Sugar đưa ra dự báo thị trường có nhiều dư địa để phát triển và Công ty cũng sẽ giảm chi phí mía tiệm cận mức hiện nay của Thái Lan, tăng năng suất từ 68 tấn/ha lên 78 tấn/ha trong 2 niên vụ tới. Định mức chi phí sản xuất tiệm cận Thái Lan là 45 USD/tấn, TTC Sugar hướng đến nông nghiệp hiện đại và cơ giới hóa toàn diện.