Tỷ lệ cổ tức hấp dẫn
Bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên tổ chức sáng 15/4/2025 bằng một thông tin vui là cổ tức năm 2024 ở mức 10% đã được cổ đông thông qua, nhưng Công ty có thể tăng tỷ lệ chi trả, dự kiến vào quý III, sau khi có kết quả vụ kiện với Amazon.
Trước đó, trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về vụ kiện, bà Nguyệt cho biết, thông tin đó phải bảo mật, nhưng Công ty kỳ vọng sẽ được đền bù một phần thiệt hại sau vụ kiện và kết quả dự kiến được công bố vào quý III năm nay.
Khi cuộc họp ĐHCĐ đang diễn ra, giá cổ phiếu GIL giảm sàn, còn 13.500 đồng/cổ phiếu, do ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới của Mỹ khiến kỳ vọng của nhà đầu tư về nhóm khu công nghiệp đổi chiều, hầu hết cổ phiếu tiếp tục bị bán tháo.
Chỉ tính riêng mức cổ tức 10% cho năm 2024 và dự kiến 10% cho năm 2025, thì yếu tố này cũng hấp dẫn để đầu tư cổ phiếu GIL ở mức giá gần 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ cổ tức/thị giá hơn 7%/năm, gấp rưỡi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại quốc doanh. Với thông tin Gilimex tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt, cổ phiếu GIL càng hấp dẫn hơn, góp phần giúp giá hồi phục lên 14.550 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 17/4.
Tương tự, cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM trong tháng 3/2025 dao động trên ngưỡng 13.000 đồng/cổ phiếu, ngay cả khi các cổ đông bán cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu, thu lời 30 - 40%/sau một năm, nhưng do ảnh hưởng của đợt bán tháo vì yếu tố thuế quan vừa qua, giá ngày 9/4 giảm còn 10.500 đồng/cổ phiếu. Trong phiên này, nhiều nhà đầu tư đã mua bắt đáy cổ phiếu CII, nhất là khi Công ty thông qua mức cổ tức tiền mặt 12%, trong khi doanh thu và lợi nhuận chủ yếu từ các dự án thu phí hạ tầng ở trong nước, không bị ảnh hưởng trực tiếp và ít bị ảnh hưởng gián tiếp từ nguy cơ xuất khẩu suy giảm do thuế quan.
Đầu tư cổ phiếu để hưởng cổ tức khi giá giảm xuống vùng thấp được xem là chiến lược “ăn chắc mặc bền”, vì có thu nhập đều đặn từ cổ tức, đồng thời kỳ vọng hưởng lợi kép nếu giá cổ phiếu hồi phục. Thực tế cho thấy, chiến lược này được không ít nhà đầu tư áp dụng trong nhịp thị trường sụt giảm đầu tháng 4/2025 và đang dần mang lại hiệu quả.
Ngày 25/4 tới, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) sẽ thực hiện chia cổ tức phần còn lại của năm 2024 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%. Trước đó, Công ty đã có hai lần tạm ứng cổ tức, với tổng tỷ lệ 20%. Đường Quảng Ngãi là đơn vị thường xuyên chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, tỷ lệ từ 30 - 40%. Với thị giá đang ở ngưỡng 44.000 đồng/cổ phiếu, mức cổ tức trên được xem là hấp dẫn khi so sánh tương quan với lãi suất tiền gửi ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Anh Trần Duy Quang, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, doanh nghiệp chi trả cổ tức ổn định từ 8 - 10%/năm trở lên là mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm trung bình, điều này giúp nhà đầu tư yên tâm nắm giữ dài hạn cổ phiếu. Một số doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức cao như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) với tỷ lệ 30 - 40%, Vinamilk (mã VNM) ở mức 38 - 40%, Cơ điện lạnh (mã REE) ở mức 20 - 25%. Cổ phiếu nhóm này thường ít bị bán tháo trong các đợt thị trường giảm sâu, do đặc điểm “phòng thủ” rõ rệt.
“Trong danh mục của mình, tôi lựa chọn một số cổ phiếu thường xuyên được trả cổ tức bằng tiền mặt như DGC, REE..., vừa mang lại thu nhập ổn định từ cổ tức, vừa mang lại kỳ vọng vào việc giá cổ phiếu tăng”, anh Quang chia sẻ.
Một số doanh nghiệp đã trở thành thương hiệu “cổ tức khủng” trên sàn chứng khoán khi nhiều năm liền trả cổ tức bằng tiền mặt với mức trên 100% và dự kiến duy trì mức cổ tức cao trong năm 2025 như Nhựa Bình Minh (mã BMP), Cadivi (mã CAV), Phốt pho Apatit Việt Nam (mã PAT), Mía đường Sơn La (mã SLS)... Tuy nhiên, thị giá của những cổ phiếu này không còn thấp.
Yếu tố cơ bản vẫn được quan tâm
Những doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thường có dòng tiền ổn định, ít vay nợ và hoạt động trong lĩnh vực ít biến động mạnh.
Nhìn lại giai đoạn thị trường biến động nhanh và mạnh vừa qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam, VN-Index đã gặp áp lực bán tháo trong 4 phiên liên tiếp và “bốc hơi” hơn 200 điểm, tương ứng mức giảm 17%. Trong bối cảnh đó, hàng loạt cổ phiếu ghi nhận giảm giá sàn, những cổ phiếu “gắn mác” cổ tức cao cũng không nằm ngoài xu thế giảm chung, nhưng sau đó ghi nhận hồi phục tốt như QTP, VIP, VEA, SLS...
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup cho rằng, đầu tư cổ phiếu ở mức giá thấp nhằm hưởng cổ tức là một phương pháp hợp lý ở giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Phương thức đầu tư này mang lại sự an toàn và bền vững, tránh được những biến động ngắn hạn, giúp nhà đầu tư không bị ảnh hưởng tâm lý.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân tích kỹ doanh nghiệp trước khi quyết định mua cổ phiếu để hưởng cổ tức. Cần theo dõi lịch sử trả cổ tức để biết doanh nghiệp có đang trả cổ tức ổn định hay không? Tính toán mức lợi tức thu được hàng năm (mức cổ tức nhận được hàng năm/giá mua vào) và so sánh với lãi suất ngân hàng để xem xét quyết định. Đặc biệt, nhà đầu tư cần phân tích xem ở những giai đoạn biến động của kinh tế vĩ mô trước đây thì mức chi trả cổ tức có thay đổi hay không và mức độ thay đổi như thế nào? Tính toán mức cổ tức trung bình trong một khoảng thời gian đủ dài (5 - 10 năm). Cũng cần xem xét tính chu kỳ của ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh, bởi kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp có tính chu kỳ thường biến động mạnh, ảnh hưởng đến việc chi trả cổ tức.
Theo ông Trung, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành mang tính phòng thủ, thiết yếu cho đời sống hàng ngày như điện nước, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy, một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, dự kiến chi trả trong quý II/2025 như Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) với mức 22%, Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) với mức 21,9%, ; Lideco (mã NTL) với mức 17,8%, VEAM (mã VEA) với mức 12,8%, Thủy điện Cần Đơn (mã SJD) với mức 12,5%, Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) với mức 10,9%, Bột giặt Lix (mã LIX) và Sabeco (mã SAB) với mức 10,2%...
Với doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu thì bên cạnh định giá hấp dẫn, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Hòa Phát đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20% và khi thị trường ổn định trở lại, doanh nghiệp dự kiến sẽ trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu đều đặn hàng năm. Năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 21% và 25% so với năm ngoái.