Cơ hội kinh doanh từ “gom” tín chỉ carbon

Nhà đầu tư Nhật Bản sớm nhìn ra cơ hội kinh doanh tiềm năng từ việc tạo ra tín chỉ carbon tại thị trường Việt Nam.
Lasuco liên kết với 8.000 hộ nông dân trồng mía và canh tác mía theo hướng giảm phát thải Lasuco liên kết với 8.000 hộ nông dân trồng mía và canh tác mía theo hướng giảm phát thải

“Bám” vào nông nghiệp tái sinh

Idemitsu cam kết dành nhiều tâm huyết và nỗ lực hơn nữa để phát triển các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Đó là chia sẻ của ông Egashira Hideaki, Trưởng phòng Phát triển Việt Nam, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Idemitsu Việt Nam tại sự kiện công bố Dự án giảm phát thải carbon đầu tiên tại Việt Nam cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn theo Phương pháp Cải thiện, Quản lý đất nông nghiệp (VM0042) của Tổ chức Verra (tổ chức phi lợi nhuận về môi trường có trụ sở tại Mỹ).

Có thể nói, dự án này là một sáng kiến tiên phong trong việc thực hiện nông nghiệp tái sinh bền vững tại Việt Nam. Không chỉ là dự án đầu tiên tại Việt Nam tạo ra tín chỉ carbon từ việc cải thiện quản lý đất nông nghiệp, đây cũng là lần đầu tiên, Idemitsu thực hiện một dự án như vậy.

Dự án bắt đầu thử nghiệm vào đầu năm 2025 trên diện tích 500 ha đất nông nghiệp do các nông dân có hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) vận hành, để thực hành mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường.

Sau giai đoạn này, nếu lượng giảm phát thải nhà kính đủ lớn, Dự án sẽ chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026 và mở rộng quy mô lên 8.000 ha. Đồng thời, các tín chỉ carbon tạo ra sẽ được đăng ký theo VM0042. Nếu dự án được chứng nhận và đăng ký bởi Verra, đây sẽ là dự án đầu tiên ở Việt Nam được đăng ký theo VM0042.

Việt Nam có khoảng 170.000 ha trồng mía. Trong đó, khoảng 50% diện tích có thể bán tín chỉ carbon ngay cho bên có nhu cầu vì nhiều công ty cũng đã số hoá đồng ruộng. Vấn đề còn lại là chờ cơ chế mua bán được hoàn thiện trong thời gian tới.- Viện Nghiên cứu mía đường

Đáng chú ý, trong thương vụ hợp tác này, Idemitsu là nhà đầu tư mua các tín chỉ carbon của dự án và có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan quản lý tại Việt Nam. Trong đó, Sagri (Nhật Bản) đóng vai trò quản lý dự án, cung cấp công nghệ phân tích dữ liệu vệ tinh, thực hiện quy trình đăng ký tín chỉ carbon; còn Lasuco triển khai dự án, giới thiệu dự án đến các hộ nông dân, hợp tác triển khai mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường.

Bên cạnh cây mía - đối tượng chính trong dự án hiện tại, Idemitsu đã nghiên cứu thêm cà phê và lúa. Đó là những loại cây trồng có khả năng triển khai trên quy mô lớn sẽ được ưu tiên nghiên cứu nhằm phát triển các dự án tạo tín chỉ carbon trong tương lai.

Hồi tháng 9/2024, Công ty TNHH Faeger (Nhật Bản) cũng “bắt tay” với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An để thực hiện thử nghiệm các mô hình xây dựng tín chỉ carbon từ sản xuất lúa ứng dụng phương pháp ngập khô xen kẽ. Mục tiêu của dự án này là đến năm 2030, sẽ hỗ trợ nông dân tại Long An thu tín chỉ carbon trên 100.000 ha lúa ứng dụng phương pháp ngập khô xen kẽ.

Trong giai đoạn đầu (tháng 10/2024 - 7/2025), Dự án sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình tại Trại nghiên cứu và dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú (huyện Châu Thành) và một hộ dân tại huyện Vĩnh Hưng (Long An). Diện tích mỗi điểm thử nghiệm là 0,5 ha.

Trước đó, Faeger ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhằm cộng tác trong việc triển khai các dự án và thử nghiệm trên toàn bộ khu vực tại Việt Nam.

Cũng liên quan các tên tuổi Nhật Bản, Carbon EX - nền tảng giao dịch tín dụng carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản (thành viên của Asuene Inc) đã hợp lực cùng FPT IS thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, Carbon EX kết nối các nhà phát triển, người bán, thương nhân và người mua để giao dịch tín dụng carbon. Carbon EX cung cấp tư vấn để giúp mua tín dụng carbon theo yêu cầu và tư vấn để phát triển các dự án tín dụng carbon mới trên thế giới.

Thị trường tiềm năng lớn về nguồn cung

Tín chỉ carbon là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Có thể nói, các giải pháp chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon đang ngày càng được các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế thúc đẩy triển khai. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ.

Theo thống kê dữ liệu từ hai tổ chức Gold Standard và Verra, Việt Nam hiện có 116 dự án đăng ký, chờ xác thực hoặc đạt chứng nhận tín chỉ carbon. Trong đó, 40 dự án đã được chứng nhận, với 10,7 triệu tín chỉ phát hành hàng năm. Nếu tính theo ngành, lâm nghiệp với duy nhất một dự án đang mang về tín chỉ carbon hàng năm nhiều nhất. Đây cũng là dự án quy mô lớn nhất Việt Nam - bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với 5 USD một tấn, dự án này thu về 51,5 triệu USD, khoảng 1.200 tỷ đồng.

Điều này lý giải vì sao, các nhà đầu tư Nhật Bản đang nhanh chóng thực thi việc đầu tư thử nghiệm thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hơn, hơn một năm trước, Nhật Bản liên tục đưa các sàn giao dịch tín chỉ carbon vào hoạt động. Trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon có xác thực của Chính phủ. Nhật Bản đã phác thảo lộ trình đầu tư 150.000 tỷ yen (hơn 1.100 tỷ USD) qua đối tác tài chính công - tư trong 10 năm tới nhằm giúp các ngành công nghiệp đạt mức trung hòa carbon và góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á.

Đặc biệt, theo một dự thảo được Chính phủ Nhật Bản mới công bố, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ XXI, Nhật Bản có kế hoạch đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu vào năm 2040. Những động thái mạnh mẽ này khiến các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản rốt ráo lên kế hoạch đầu tư vào những thị trường tiềm năng.

Trở lại với dự án mang tính điển hình của Indemitsu tại Việt Nam. Được biết, hợp đồng bán tín chỉ carbon từ cây mía của Indemitsu với Lasuco có thời hạn 15 năm. Điều này đồng nghĩa, trong 15 năm tới, nông dân sẽ có thêm một nguồn thu đáng kể từ bán tín chỉ carbon của cây mía.

Hiện Lasuco liên kết với 8.000 hộ nông dân trồng mía và canh tác mía theo hướng giảm phát thải. Chỉ cần tuân thủ là họ được nhận thêm tiền nhờ sử dụng phân bón đúng cách, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào lại vừa có tiền. Ngoài nông dân, doanh nghiệp cũng có lợi khi sản phẩm đường đạt tiêu chí xanh để xuất khẩu.

Theo ông Lê Văn Phương, Tổng giám đốc Lasuco, trồng mía theo hướng giảm phát thải để bán tín chỉ carbon là có lợi cho các bên. Về triển vọng thị trường bán tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phương cho rằng, nhu cầu mua tín chỉ carbon trên thị trường là rất lớn, vấn đề còn lại là các bên có gặp được nhau để thỏa thuận mua bán hay không.

“Lợi nhuận từ dự án sẽ được chi trả cho nông dân để hỗ trợ chi phí và khuyến khích nông dân thực hiện canh tác nông nghiệp tái tạo môi trường, phát triển vùng mía một cách bền vững”, ông Phương nói.

Lý do để Lasuco có thể nhanh chóng tìm được bên mua tín chỉ carbon và triển khai là từ nhiều năm trước, Công ty đã số hóa đồng ruộng. Vì thế, chỉ cần một thao tác nhỏ trên máy tính, bộ phận kỹ thuật có thể biết chính xác một nông dân có bao nhiêu héc-ta trồng mía, loại đất trồng mía là đất nào, tình trạng bón phân ra sao...

Nhờ số hóa đồng ruộng, nên đây chính là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp có thể ký hợp đồng mua bán tín chỉ carbon một cách nhanh chóng, vì chỉ cần vài tháng chuẩn bị là có thể bán cho đối tác.

Nhiều chuyên gia cho biết, về thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam đang chậm chân hơn một số thị trường khác trong khu vực ASEAN. Các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã thành lập thị trường chính thức. Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy, Việt Nam nỗ lực bắt kịp thế giới trong việc phát triển thị trường carbon. Dự kiến, sàn giao dịch carbon sẽ được thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục