Cơ hội để logistics Việt Nam tăng tốc

Lĩnh vực logistics của Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển nhanh chóng nhờ sở hữu vị trí địa lý chiến lược và có năng lực sản xuất đầy tiềm năng.
Xuất nhập khẩu là động lực chính cho phát triển ngành logistics. Trong ảnh: Xe container làm thủ tục thông quan tại Cảng quốc tế Long An

Động lực cho tăng trưởng logistics

Việt Nam hiện đứng thứ 43 trên toàn cầu về Chỉ số Hiệu suất logistics, nằm trong 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về logistics. Hiện Việt Nam là nơi đặt trụ sở của khoảng 30 tập đoàn toàn cầu và hơn 34.000 công ty đang cung cấp dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái logistics.

Tính đến quý III/2024, lợi nhuận của ngành logistics tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 8.100 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay, lĩnh vực này dự kiến tạo ra lợi nhuận 24.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua hệ thống cảng biển tăng 20% lượng hàng hóa so với năm trước.

Tăng trưởng của ngành logistics được thúc đẩy nhờ hoạt động xuất nhập khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, tăng 16,7%, đạt hơn 578,47 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho sự tăng trưởng này, phần lớn là các đối tác thương mại như Mỹ, EU, Trung Quốc có nhu cầu và số lượng đơn đặt hàng đang tăng lên.

Ngoài ra, sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thương mại điện tử, dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp hậu cần tiên tiến, đặc biệt là trong quản lý chuỗi cung ứng và giao hàng chặng cuối.

Lĩnh vực logistics ở Việt Nam được coi là lĩnh vực kinh doanh chuyên biệt. Vì vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu tập trung vào các dự án dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.

Sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn một thời gian, đến nay, vốn FDI vào lĩnh vực logistics có dấu hiệu phục hồi, với mức tăng đáng chú ý lần lượt lên 72 và 177 dự án vào năm 2022 và 2023. Về tổng vốn đăng ký, ngành này có mức tăng trưởng ổn định hàng năm là 1,27% vào năm 2023, với 463 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của lĩnh vực này tăng đột biến, vượt qua con số của năm 2023, đạt 558,6 triệu USD. Quỹ đạo tăng trưởng này cho thấy ngành logistics Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có tiềm năng cải thiện về tiêu chuẩn và tính chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Xu hướng toàn cầu tác động đến logistics

Chúng tôi nhận thấy, chiến lược Trung Quốc+1 và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến sản xuất được ưa chuộng, tạo cơ hội phát triển hệ thống logistics trong nước.

Ngoài ra, chiến lược “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước, khiến Việt Nam trở thành lựa chọn thuận lợi cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thách thức toàn cầu.

Trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khu vực, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng, mang lại khả năng tiếp cận mạng lưới đối tác thương mại rộng lớn và thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ hậu cần liên quan. Vị trí chiến lược của Việt Nam trong ASEAN cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh với tư cách là trung tâm khu vực về hậu cần ở Đông Nam Á và các thị trường toàn cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Đông Á.

Trong khi đó, sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử đã làm thay đổi hoạt động hậu cần trên thế giới, đòi hỏi các giải pháp kho bãi thích ứng hơn và mô hình phân phối hiệu quả hơn.

Các gã khổng lồ thương mại điện tử đều đến và đang hoạt động tại Việt Nam như Amazon, Alibaba, Tao Bao, Shopee, Lazada... Sự bùng nổ về thương mại điện tử khiến các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phải đổi mới dịch vụ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ hậu cần chuyên biệt (giao hàng trong ngày, quản lý trả hàng và trung tâm xử lý đơn hàng tự động...).

Việc tích hợp tự động hóa trong logistics đã tác động đáng kể đến thương mại điện tử, đặc biệt là làm rút ngắn thời gian giao hàng. Hệ thống tự động có quy trình phân loại và đóng gói hợp lý, giảm thiểu sai sót và cải thiện đáng kể hiệu quả giao hàng.

Số hóa đang định hình lại lĩnh vực logistics của Việt Nam, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và cải thiện việc cung cấp dịch vụ. Các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (Internet of Things) đang chuyển đổi các hoạt động hậu cần, từ mức độ chỉ theo dõi luồng hàng tồn kho sang khả năng hiển thị cả chuỗi cung ứng.

Tính bền vững đã trở thành trọng tâm chính trong ngành logistics toàn cầu. Logistics xanh đang thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ thu mua đến quản lý chất thải. Cách tiếp cận này giúp giảm thiểu tác động môi trường của ngành, đồng thời góp phần phát triển bền vững.

Việt Nam đang đón nhận xu hướng logistics xanh. Những thành phố lớn như TP.HCM đang thí điểm các giải pháp giao thông bền vững như sử dụng xe điện để giao hàng chặng cuối, nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, các trung tâm hậu cần hiện đại đang áp dụng thiết kế thân thiện với môi trường, bao gồm sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng và cách nhiệt tiết kiệm năng lượng. Những hoạt động hậu cần xanh này phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu và giúp các công ty giảm chi phí hoạt động về lâu dài.

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh bằng cách thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, các mô hình tăng trưởng đổi mới, đảm bảo tính bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Để hỗ trợ chiến lược này, một kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được ban hành, xác định dịch vụ hậu cần là một trong 18 lĩnh vực trọng tâm chính.

Công và tư đều phải tăng tốc để logistics bứt phá

Theo Báo cáo Chỉ số logistics của các thị trường mới nổi 2024, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi hàng đầu thế giới, song cần sự nỗ lực từ cả khu vực công và tư để đảm bảo phát triển bền vững, củng cố vị thế ngành logistics Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng phải là ưu tiên chính. Đối với phát triển hạ tầng, PPP được coi là mô hình tối ưu để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Cách tiếp cận này được chứng minh là thành công trong việc tăng cường đầu tư và quản lý vận hành các cảng cạn, khu hậu cần và nền tảng hậu cần.

Trong bối cảnh đó, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đang cung cấp giải pháp để triển khai các dự án PPP hiệu quả, bao gồm phát triển danh mục dự án có tính khả thi cao, nâng cao năng lực và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, cũng như hợp lý hóa những quy định chi tiết để triển khai dự án.

Việc xây dựng các trung tâm vận tải đa phương thức để cải thiện khả năng kết nối cũng là một ưu tiên quan trọng khác đối với Việt Nam. Những trung tâm này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vận chuyển khối lượng lớn, giảm chi phí, tăng cường an toàn giao thông và thúc đẩy bảo vệ môi trường.

Việc tích hợp đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển thông qua các trung tâm vận tải này sẽ thúc đẩy đáng kể hiệu quả của hệ thống logistics, kích thích đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hàng hóa từ các khu công nghiệp sau đó có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt đến sân bay, cảng nội địa và cảng biển, tối đa hóa lợi thế hậu cần trên toàn chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam đã chú trọng hơn vào các ứng dụng kỹ thuật số trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ hậu cần điện tử vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Vì hầu hết các công ty logistics của Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, nên họ thường gặp phải những hạn chế về tài chính và nhân lực trong nỗ lực chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi các chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan liên quan như xây dựng khung chính sách và công cụ định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cổng thông tin điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn chuyển đổi số phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, cần có các giải pháp khác như kết nối chuyên gia với doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp và triển khai các gói hỗ trợ tài chính, hướng dẫn giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phù hợp với quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp.

Là một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành logistics của Việt Nam phải phù hợp với sự thay đổi toàn cầu theo hướng bền vững bằng cách áp dụng năng lượng xanh và các hoạt động thân thiện với môi trường.

Để phát triển và duy trì ngành logistics xanh, cần phải xây dựng các biện pháp theo mục tiêu rõ ràng như giảm lượng khí thải carbon trong các hoạt động và quản lý, thúc đẩy vận tải đa phương thức, tăng cường khung pháp lý cho hậu cần xanh, thực thi luật hỗ trợ các sáng kiến xanh, khuyến khích thực hành xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và giới thiệu Chỉ số Hiệu suất logistics xanh.

Lĩnh vực logistics của Việt Nam đang ở thời điểm then chốt, với các xu hướng toàn cầu như đa dạng hóa thương mại, tăng trưởng thương mại điện tử và tính bền vững đang định hình tương lai của Việt Nam cũng như các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng. Tiếp tục đầu tư vào các hoạt động logistics xanh và áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế là trung tâm logistics khu vực, tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại.

Melissa Cyrill
(Chuyên gia tại Dezan Shira and Associates) /baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục