Nợ xấu dưới 1%
Điều ghi nhận được trong chuyến công tác tại ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vừa qua là huy động vốn và cho vay của các ngân hàng trên địa phương này đều tăng trưởng khá tốt trong năm qua.
Ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ, đến cuối năm 2013, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 7.796 tỷ đồng, tăng 19,57% so với cuối năm 2012. Tổng dư nợ cho vay đạt 14.750 tỷ đồng, tăng 20,93% so cuối năm 2012.
Còn tại Lai Châu, theo bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc NHNN tỉnh Lai Châu cho biết, đến 31/12/2013, tổng nguồn vốn đạt 10.680 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 3.370 tỷ đồng, chiếm 59,74% nguồn vốn khối ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội.
Dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt 10.504 tỷ đồng (bao gồm cả Ngân hàng Phát triển). Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1.809 tỷ đồng, chiếm 17,22% tổng dư nợ; dư nợ trung và dài hạn đạt 8.695 tỷ đồng, chiếm 82,78%.
Trao đổi với ĐTCK, ông Hà Văn Từ, Giám đốc NHNN tỉnh Điện Biên cho biết, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã huy động 4.801 tỷ đồng trong năm 2013, tăng 16,02% so với cuối năm 2012, đạt 160,2% so với kế hoạch đề ra. Tổng dư nợ tín dụng là 7.864 tỷ đồng, tăng 17,16% so với năm 2012, đạt 143% kế hoạch đề ra.
Điều gây ấn tượng mạnh là trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành tăng cao trong năm vừa qua thì nợ xấu tại các chi nhánh ngân hàng tại vùng Tây Bắc lại rất thấp. Nợ xấu tại Lai Châu chỉ chiếm 0,45% tổng dư nợ, tương đương 67 tỷ đồng. Tỷ lệ này tại Sơn La là 0,82% và Điện Biên là 0,29%, tương đương 23 tỷ đồng.
Mạng lưới ngân hàng còn mỏng
Dù hoạt động huy động vốn cùng như cho vay đều tăng trưởng tốt trong năm qua, nhưng theo phản ánh của lãnh đạo các tỉnh miền Tây Bắc, mạng lưới ngân hàng trong vùng vẫn còn quá thưa thớt, chưa đáp ứng nhu cầu sản phẩm ngân hàng đa dạng cho địa phương.
Bản thân người viết khi có nhu cầu chuyển khoản mà đi mỏi chân cũng không tìm được điểm giao dịch ngân hàng. Và một trong những kiến nghị được lãnh đạo 3 tỉnh đề đạt tại buổi làm việc với lãnh đạo NHNN là cho phép mở rộng mạng lưới ngân hàng tại các địa phương này.
Theo Giám đốc NHNN tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Minh Huệ, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hiện mới chỉ có sự hiện diện của các ngân hàng quốc doanh hoặc ngân hàng cổ phần có gốc quốc doanh như Agribank, BIDV, Vietinbank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Tương tự, tại Sơn La, cũng chỉ có sự hiện diện của các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng TMCP An Bình với 96 chi nhánh và điểm giao dịch. Còn tại Điện Biên, hiện mới có Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietinbank, BIDV và Agribank hoạt động.
Trong khi đó, tiềm năng kinh tế nông nghiệp, công nghiệp như thủy điện, khai khoáng và dịch vụ du lịch của vùng lâu nay được đánh giá là rất lớn.
Chủ tịch tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết, năm qua, trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao so với năm 2012, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 10,02% so với năm 2012; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2012; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 12.564 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu phát triển khá, giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 16.144 tỷ đồng, tăng 26%. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo còn 27%, giảm 2% so với năm 2012.
“Lai Châu có nhiều tiềm năng và thế mạnh như: đất đai, sinh thái thuận lợi để phát triển nông lâm nghiệp; điều kiện sinh thái và bản sắc văn hóa dân tộc phong phú mở ra triển vọng về phát triển du lịch. Với diện tích lưu vực lớn, lượng mưa hàng năm cao, mạng lưới sông suối khá dày, độ dốc lớn, Lai Châu có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện, một số khoáng sản như đất hiếm, vàng…”, ông Nguyễn Khắc Chủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.
Theo giám đốc một doanh nghiệp tại Sơn La, hiện toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 10.000 héc-ta cây cà phê và nhiều vườn cây cây cao su được 5 - 6 năm tuổi sắp được thu hoạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với những chủ vườn hiện nay là thiếu nguồn vốn cũng như sự tư vấn về việc xây dựng dự án thu hoạch và chế biến mủ cao su từ phía các ngân hàng.
Quan trọng hơn, theo lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Chính sách xã hội, là chất lượng tín dụng ở khu vực Tây Bắc rất tốt so với nhiều địa phương khác. Người dân có ý thức trả nợ cao, thanh toán đúng hạn. Những món nợ xấu phần lớn do thiên tai, dịch bệnh…, là những lý do bất khả kháng với người nông dân.
“Có những người dân, dự định vay tiền ngân hàng về để mua trâu, nhưng không tìm mua được trâu, họ gói tiền vào treo lên gác bếp để đúng hạn ra trả lại ngân hàng. Đây chính là nền tảng tốt cho việc phát triển hoạt động Ngân hàng”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với 3 địa phương trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, vài năm trở lại đây, Chính phủ và NHNN luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để bố trí vốn kịp thời cho các nhu cầu tín dụng, đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong các ngành thủy điện và khai khoáng. Tuy nhiên, các địa phương này hiện mới chỉ tập trung khai thác hai lĩnh vực trên mà chưa có quy hoạch để phát triển thế mạnh về trồng cây công nghiệp, rau quả… một cách tương xứng.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng yêu cầu Agribank phải nhanh chóng cân nhắc quy mô, mạng lưới để mở thêm các phòng giao dịch tại các huyện vùng cao để bà con thuận tiện giao dịch ngân hàng. Nếu NHNN chi nhánh tỉnh xem xét các ngân hàng mở phòng giao dịch không phải ở thành phố có thể trình NHNN cho mở thêm chi nhánh.
Được biết, thời gian qua, NHNN đã chấn chỉnh hoạt động Qũy Tín dụng nên thời gian tới tiếp tục cho mở Quỹ Tín dụng tại địa phương và còn mở rộng thêm hoạt động tài chính vi mô.