“Lá chắn” kinh tế mới?
Việc Mỹ áp thuế lên đến 145% với một số mặt hàng từ Trung Quốc và mức cao với các quốc gia Đông Nam Á là cú sốc lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh này, du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), du lịch là ngành dịch vụ có tính nhạy cảm cao với thu nhập và tâm lý tiêu dùng. Khi thu nhập giảm do sản xuất đình trệ, chi tiêu cho du lịch thường là khoản đầu tiên bị cắt bỏ.
Cũng theo ông Phương, không chỉ thu nhập giảm, mà niềm tin tiêu dùng cũng bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Người dân trở nên thận trọng hơn với những khoản chi xa xỉ như du lịch quốc tế. Đồng thời, sự gia tăng chi phí do chiến tranh thương mại cũng kéo theo giá tour tăng, khiến việc đi lại trở thành gánh nặng tài chính với không ít gia đình.
Ở chiều ngược lại, làn sóng hạn chế visa và tăng chi phí nhập cảnh vào Mỹ cũng khiến lượng du khách từ châu Á đến Mỹ sụt giảm rõ rệt.
Theo nhiều chuyên gia, cú sốc thuế quan này đang tạo ra những kịch bản dài hơi ảnh hưởng đến du lịch quốc tế, từ việc giảm chi tiêu, hoãn kế hoạch đi lại, đến nguy cơ mất khách do các biện pháp trả đũa về chính sách thị thực, phí du lịch, hay thậm chí là suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Quốc Hưng, Phó giám đốc Hanoi Travel cho hay, công ty ông đang chứng kiến những thay đổi đáng kể trong lựa chọn điểm đến của khách hàng thời gian gần đây. “Chính sách thuế quan mới của Mỹ có vẻ là câu chuyện thương mại, nhưng thực tế lại ảnh hưởng rất rõ đến du lịch, đặc biệt là thị trường xa như Mỹ và châu Âu. Khách bắt đầu cân nhắc, tính toán nhiều hơn trước khi chốt hành trình”, ông chia sẻ.
Đáng chú ý, không chỉ lượng khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) bị ảnh hưởng, mà ngay cả các tour outbound đưa người Việt đi nước ngoài cũng chịu tác động. Những tour đến Mỹ hay châu Âu, với chi phí cao và điều kiện thị thực chặt chẽ, đang có xu hướng chững lại. “Người dân đang chọn các điểm đến trong khu vực châu Á nhiều hơn vì giá cả phải chăng và linh hoạt hơn về lịch trình”, ông Hưng cho hay.
Theo quan sát từ thị trường, du lịch nội vùng châu Á đang dần trở thành một lựa chọn an toàn trong bối cảnh thế giới biến động. Tầng lớp trung lưu ở các nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay Philippines đang tăng mạnh, kéo theo nhu cầu du lịch ngắn ngày, chi phí hợp lý. Đây là một trong những tín hiệu khả quan, giúp ngành du lịch khu vực “sống sót” giữa cơn bão thuế quan.
Trong Báo cáo tác động kinh tế năm 2024 (EIR) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), du lịch được xác định là một ngành kinh tế không chỉ tạo ra lượng lớn việc làm, mà còn có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP bền vững, thông qua việc thu thuế từ chi tiêu của du khách. Đặc biệt, du lịch còn được xem là “lá chắn” kinh tế trong giai đoạn mà thương mại hàng hóa bị tổn thương nặng nề bởi chủ nghĩa bảo hộ.
Trong nguy có cơ
Khi hàng hóa xuất khẩu bị siết chặt bởi thuế quan, du lịch đang trở thành “container vô hình” giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại.
Từ thực tế hoạt động, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup cho rằng, mỗi du khách nước ngoài, nhất là từ những nước giàu có như Mỹ, châu Âu đến Việt Nam là một “container” hàng hóa giá trị cao. Họ tiêu tiền tại đất nước chúng ta, đó là một hình thức xuất khẩu dịch vụ rất hiệu quả, không bị áp thuế.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần nhiều thay đổi về chính sách, đặc biệt là thị thực. Chính sách visa hiện tại của Việt Nam dù đã có bước cải thiện, nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với các đối thủ trong khu vực. “Chúng ta mới chỉ mở rộng miễn thị thực cho một số quốc gia châu Âu, nhưng như thế là chưa đủ. Nếu muốn hút khách cao cấp, đặc biệt là khách Mỹ và các nước có khả năng chi tiêu lớn, chúng ta cần mở rộng ít nhất gấp ba lần”, ông Hà đề xuất.
Mặt khác, ông Hà kiến nghị, Việt Nam nghiên cứu các loại “visa vàng”, visa dài hạn cho nhóm khách cao tuổi đến nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe - đây là một phân khúc có chi tiêu cao và nhu cầu lưu trú dài. Họ cần visa 5 năm, 10 năm, hoặc visa đầu tư để có thể trở lại và gắn bó lâu dài với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mở thêm đường bay thẳng đến các thị trường trọng điểm, đẩy mạnh truyền thông số và xúc tiến đầu tư cũng là những chiến lược mà Việt Nam cần chú trọng. “Chúng ta không chỉ cần khách đến đông, mà còn cần họ tiêu nhiều, ở lâu và quay lại”, ông Hà nói.
Với góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, đây là thời điểm ngành du lịch Việt Nam cần cơ cấu lại toàn diện, từ xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm đến công tác quản lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh và đặc biệt là cải thiện hạ tầng kết nối giữa các trung tâm du lịch với điểm đến mới nổi. “Muốn giữ chân du khách, chúng ta phải tạo ra sản phẩm du lịch có bản sắc, có chiều sâu và khác biệt. Không thể mãi đi theo mô hình đại trà, na ná nhau giữa các địa phương. Việc phát triển các tour theo chủ đề, dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên đặc sắc của từng vùng miền, là hướng đi bền vững trong thời gian tới”, ông Phương nhấn mạnh.