Du lịch Đồng Tháp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Du lịch Đồng Tháp đã và đang chuyển mình phát triển theo hướng hiệu quả bền vững, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh vị thế Đất sen hồng Đồng Tháp, vừa tạo thêm các nguồn lực đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (áo trắng) gặp gỡ trao đổi các doanh nghiệp. nhà tài trợ Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ Tam Nông- Đồng Tháp Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (áo trắng) gặp gỡ trao đổi các doanh nghiệp. nhà tài trợ Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ Tam Nông- Đồng Tháp

Sau khi Kết luận số 249 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch số 61 ngày 25/2/2022 thực hiện Kết luận số 249 bám sát mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung Kết luận, tổ chức thực hiện với 5 chỉ tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 10 nhóm giải pháp trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tiễn đơn vị, địa phương.

Qua công tác triển khai, quán triệt, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng.

Đặc biệt, Đồng Tháp là một trong những địa phương vùng ĐBSCL rất chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài tỉnh, thực hiện bằng nhiều hình thức, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ… Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương của cấp ủy, chính quyền liên quan đến phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

Các điểm tham quan cộng đồng đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ khách trong và ngoài địa phương. Tính chung, tỉnh có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn điểm du lịch địa phương theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017; hơn 100 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động tại các huyện, thành phố với 57 điểm được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt, các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) đang tích cực phối hợp ngành chức năng trong chương trình Đưa đàn sếu trở về

Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) đang tích cực phối hợp ngành chức năng trong chương trình Đưa đàn sếu trở về

Chỉ riêng trong năm 2024, toàn tỉnh đón 4.490.000 lượt khách du lịch, đạt 106,9% kế hoạch (tăng 11,28% so với cùng kỳ năm 2023), đạt chỉ tiêu so với Kết luận số 249 đề ra. Tổng thu du lịch đạt 2.170 tỷ đồng, đạt 108,5% (tăng 12,71% so với cùng kỳ năm 2023). Tính chung tổng khách du lịch giai đoạn 2021 - 2024 đạt gần 18,6 triệu lượt người và tổng doanh thu gần 9.000 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, trong tháng 3/2025, du lịch Đồng Tháp ước đón 420.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế là 2.000 lượt khách), tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 8,4% theo kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt 200 tỷ đồng, tăng 33,33 % so với cùng kỳ, đạt 9,52% theo kế hoạch. Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2025, du lịch Đồng Tháp đón khoảng là 1,6 triệu lượt khách, tăng 40,9% so với năm 2024, đạt 32,4% so với kế hoạch (trong đó, có khoảng 12.000 lượt khách quốc tế). Tổng thu du lịch đạt 900 tỷ đồng, tăng 87,5% so với năm 2024, đạt 42,86% so với kế hoạch.

Tích cực góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương, ngành du lịch Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển, liên kết xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh. Tổ chức đoàn học tập mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch chuyển đổi số; tổ chức tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong hoạt động du lịch và triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch “Hành trình về Đất Sen hồng thăm miền di sản”…

Tại buổi làm việc với Đảng ủy UBND tỉnh về công tác phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2025 - 2030 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025, việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ là hướng đi chiến lược. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ.

Phát triển du lịch Đồng Tháp phải dựa trên việc khai thác đa giá trị, tận dụng tối đa tiềm năng và thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Từ những lợi thế này cần xây dựng những sản phẩm du lịch mới, đa dạng và phong phú, nhằm thu hút du khách đến với Đồng Tháp ngày càng nhiều hơn. Điều này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn giúp quảng bá văn hóa và hình ảnh của Đồng Tháp đến với du khách trong và ngoài nước.

Tam Nông - điểm sáng phát triển kinh tế kết hợp du lịch cộng đồng

Cách đây hơn một thập niên, Tam Nông từng là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Đồng Tháp. Cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập đầu người thấp, Tam Nông khi ấy được ví như “vùng trũng” cả về kinh tế lẫn cơ hội phát triển. Thế nhưng, bằng tinh thần quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Tam Nông có cuộc bứt phá ngoạn mục để trở thành vùng đất đầy tiềm năng - một miền quê đáng sống.

Ngay khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được khởi xướng, Tam Nông xác định đây không chỉ là cuộc “nâng cấp” hạ tầng nông thôn mà là một cuộc cách mạng tư duy. Với khí thế hừng hực, huyện đã vào cuộc quyết liệt từ những việc đầu tiên như: làm đường, kéo điện, xây mới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng... Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nâng cao và thị trấn Tràm Chim đạt chuẩn đô thị văn minh.

Hiện Tam Nông là một trong những địa phương tiên phong thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” của tỉnh Đồng Tháp, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Tam Nông còn chú trọng phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, đặc biệt thông qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: lúa, gạo, khô cá lóc, các sản phẩm chế biến từ sen, mật ong... được xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng, đưa lên sàn thương mại điện tử và tiếp cận thị trường rộng lớn.

Khởi nghiệp nông thôn cũng là điểm sáng trong bức tranh phát triển của Tam Nông. Từ mô hình sản xuất các sản phẩm từ sen, sản xuất khô cá truyền thống đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ... đã và đang tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Song song đó, huyện đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hướng đi mới như đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Một điểm nhấn đặc biệt trong chiến lược phát triển của huyện là đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Huyện tăng cường kết nối Khu Du lịch Tràm Chim, Vườn Quốc gia Tràm Chim với cộng đồng dân cư vùng đệm, tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn như: tham quan sinh cảnh sếu đầu đỏ, trải nghiệm làng nghề nông thôn, trải nghiệm làm nông dân tại các hợp tác xã nông nghiệp...

Các mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu mà còn góp phần gìn giữ văn hóa bản địa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Đây là bước chuyển mình lớn từ “nông nghiệp thuần túy” sang “kinh tế đa dạng, gắn với du lịch sinh thái bền vững”.

Kết quả từ nỗ lực toàn diện và bền bỉ trong suốt 14 năm qua là vô cùng ấn tượng. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 66,9 triệu đồng/người/năm, tăng gấp nhiều lần so với năm 2010. Nhiều xã như: Phú Cường, An Hòa, Phú Thọ, Phú Đức... vươn lên tốp đầu về phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống vật chất - tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, Tam Nông hôm nay thật sự “thay da đổi thịt”, từ một vùng đất nghèo khó trở thành vùng quê đáng sống, giàu tiềm năng, đầy khát vọng. Hành trình 14 năm đi lên là minh chứng sống động cho một “Tam Nông - Vùng đất của những điều kỳ diệu”. Và hành trình ấy, với niềm tin, trí tuệ và sự đồng lòng, chắc chắn vẫn đang tiếp tục viết nên những chương mới rực rỡ hơn. Huyện đang khẩn trương cùng với tỉnh và ngành chức năng, chuyên gia các tổ chức quốc tế, đơn vị tài trợ tích cực triển khai thực hiện chương trình “Đưa đàn Sếu trở về” theo kế hoạch đã đề ra, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế điểm đến sinh thái bền vững, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp thời gian tới.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục