Cơ hội cho chuỗi cung ứng “chuyển mình”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện được xem là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai logistics “xanh”, qua đó thu hẹp khoảng cách với ngành logistics khu vực và thế giới.
Cần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải và kho bãi. Cần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải và kho bãi.

Xu hướng dài hạn

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, logistics “xanh” được hiểu là việc áp dụng giải pháp bền vững vào đầu tư, vận hành các kho bãi, trung tâm xử lý, phân phối và hoàn thiện đơn hàng (distribution center và fulfillment center).

Chẳng hạn, ứng dụng công nghệ trong quản lý hàng lưu kho và đơn hàng vận chuyển, sử dụng vật liệu bền vững và năng lượng tái tạo, hay phấn đấu đạt chứng chỉ bền vững cho tài sản bất động sản công nghiệp…

Theo lãnh đạo Avison Young Việt Nam, logistics “xanh” mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan, cả trước mắt và dài hạn.

Với nhà phát triển bất động sản công nghiệp, họ sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị tài sản nhờ tối ưu nguồn năng lượng tiêu thụ, giảm khí thải và rác thải, tiết kiệm chi phí vận hành, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có chi phí logistics khá cao so với các nước trong khu vực và nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra.

Về dài hạn, bất động sản logistics “xanh” là các tài sản chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu và biến động chuỗi cung ứng, do đó đảm bảo tính bền vững và gia tăng giá trị tích lũy cho chủ sở hữu và nhà đầu tư.

Từ phía khách thuê, bất động sản công nghiệp “xanh”, một trong những thành tố thượng nguồn của chuỗi cung ứng - có đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của đối tác/nhà sản xuất/chủ hàng lớn. Từ đó, khách thuê được mở rộng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics.

Còn ông Lawrence Lennon - Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn CBRE Việt Nam cho hay, đối với các nhà đầu tư, chìa khóa thành công nằm ở việc xác định chu kỳ của thị trường và lựa chọn chiến lược phù hợp để đầu tư cho từng phân khúc cụ thể ở từng khu vực, đồng thời thích ứng với những biến động đang diễn ra trên toàn cầu.

Trong các lĩnh vực tiềm năng, CBRE tiếp tục ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia thị trường Việt Nam, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và logistics (nhu cầu gia tăng sau xung đột thương mại Mỹ - Trung).

Thời điểm chuyển mình

Theo các chuyên gia, hiện là thời điểm thích hợp để Việt Nam đẩy mạnh phát triển logistics “xanh”.

Ông David Jackson cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng lớn của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói riêng, Việt Nam cần nhanh chóng hiện thực hóa định hướng phát triển logistics “xanh”.

Logistics “xanh” là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. Khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics “xanh” trong chiến lược của mình, về lâu dài sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, tăng được nguồn thu và cắt giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, gia tăng hàm lượng công nghệ và tự động hóa trong các dịch vụ kho bãi, vận chuyển để tiết giảm chi phí và nhân lực, giảm phát thải và rác thải, gia tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hiệu suất của kho lưu trữ cũng như trên chặng đường vận chuyển.

“Dù có cơ hội chuyển đổi, phát triển logistics ‘xanh’ tại Việt Nam sẽ là một chặng đường dài và đòi hỏi nhiều nguồn lực, từ tài chính, hệ thống hạ tầng… đến khung pháp lý và nhân lực để theo đuổi chiến lược này”, lãnh đạo Avison Young Việt Nam nói.

Còn theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, để thúc đẩy logistics “xanh”, Chính phủ cần triển khai một số cơ chế, chính sách khuyến khích quan trọng.

Đầu tiên là các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh. Điều này bao gồm việc giảm thuế cho các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện vận tải ít phát thải và các hệ thống quản lý kho bãi thông minh.

Ngoài ra, việc cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể đầu tư vào các giải pháp logistics “xanh”.

Thứ hai, cần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải và kho bãi. Điều này có thể bao gồm việc hỗ trợ xây dựng các trạm sạc điện cho xe tải điện, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học và phát triển các dự án năng lượng mặt trời cho các kho bãi. Các chính sách này không chỉ giúp giảm lượng khí thải, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững hơn.

Cuối cùng, thiết lập hệ thống tín dụng carbon để khuyến khích các doanh nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính. Các doanh nghiệp có thể mua bán tín dụng carbon để bù đắp lượng phát thải của mình, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải. Đồng thời, cần có các quy định rõ ràng về mức phát thải tối đa cho các phương tiện vận tải và cơ sở hạ tầng logistics.

“Những chính sách này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang logistics ‘xanh’, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam”, bà Trang Bùi nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, trong quá trình chuyển đổi sang logistics “xanh”, các doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường như xe điện, xe hybrid và các phương tiện sử dụng nhiên liệu sinh học.

Đồng thời, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển để giảm thiểu quãng đường di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải; đầu tư vào các kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng led tiết kiệm năng lượng và các giải pháp quản lý nhiệt độ hiệu quả; thiết kế kho bãi theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; sử dụng các loại bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học. Bằng cách tập trung vào các hạng mục này, doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh trên thị trường.

Cũng đưa ra khuyến nghị, theo ông David Jackson, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng xanh trong bất động sản logistics và vận tải đường bộ, cùng với đó là chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh logistics “xanh”. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nhân lực trình độ cao trong các ngành khoa học công nghệ để phục vụ cho ngành logistics.

Về phía doanh nghiệp, chuyển đổi xanh sẽ là một hành trình dài. Doanh nghiệp ngành logistics cần liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách tăng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đa dạng hóa, cá nhân hóa các dịch vụ logistics; tăng cường tích hợp với các nền tảng thương mại điện tử…

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục