Thị trường Mỹ: Ồ ạt chốt lời
Hoạt động bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ đang diễn ra rầm rộ, khi lãnh đạo các doanh nghiệp tranh thủ đà hồi phục của thị trường chứng khoán sau cú sốc đại dịch Covid-19 để thu về lợi nhuận. Trước đó, các cổ đông nội bộ có làn sóng mua vào cổ phiếu trong giai đoạn thị trường xuống đáy tháng 3/2020.
Theo số liệu của Washington Service, nhà cung cấp và phân tích số liệu về các giao dịch nội bộ, tỷ lệ doanh nghiệp có cổ đông nội bộ mua cổ phiếu so với bán cổ phiếu là 0,27 lần trong tháng 7/2020, mức thấp nhất kể từ năm 2000.
“Trên diện rộng, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các cổ đông nội bộ cho rằng, đà bán tháo trong tháng 3/2020 là quá bi quan. Khi thị trường dần hồi phục, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều giao dịch bán ra thay vì mua vào, bởi giá cả đã dần quay trở lại mức bình thường”, Tavis McCourt, chiến lược gia tại Raymond James chia sẻ.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua chuỗi ngày leo dốc ấn tượng sau quý I/2020 xuống đáy lịch sử vì đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất - kinh doanh đóng băng.
Sau khi giảm 34% xuống mức thấp nhất tháng 3/2020, chỉ số S&P 500 đã hồi phục trong quý II với đà tăng 46% so với đáy và tăng trưởng dương kể từ đầu năm tới nay.
Trong thời kỳ thị trường xuống dốc, nhiều cổ đông nội bộ tích cực mua gom cổ phiếu, phát đi tín hiệu tự tin về hoạt động của doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng trong dài hạn.
Hiện tại, trong số các thương vụ cổ đông nội bộ bán cổ phiếu, số lượng lớn nhất thuộc về CEO James Gorman của Morgan Stanley, khi bán ra khoảng 150.000 cổ phiếu, thu về gần 8 triệu USD. Giá cổ phiếu Morgan Stanley đã tăng hơn 85% kể từ mức đáy trong tháng 3.
CEO Larry Fink của BlackRock bán hơn 40.000 cổ phiếu, trị giá 24 triệu USD. Giá cổ phiếu BlackRock đã tăng gần 80% so với đáy tháng 3 và tăng 15% kể từ đầu năm tới nay.
Tương tự, nhiều cổ đông nội bộ tại UnitedHealth lần lượt bán ra sau khi cổ phiếu của Công ty tăng hơn 60% so với đáy gần nhất.
Trong đó, Chủ tịch Stephen Hemsley bán gần 230.000 cổ phiếu, trị giá 70 triệu USD, tương đương 9% số cổ phần nắm giữ; Giám đốc Tài chính John Rex bán khoảng 69.000 cổ phiếu, trị giá hơn 21 triệu USD.
Ðáng chú ý, trong bối cảnh có sự dịch chuyển từ mua vào cổ phiếu sang bán ra của cổ đông nội bộ, riêng tại phân khúc tài chính, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang tích cực gom cổ phiếu, theo số liệu từ Raymond James.
Theo nhận định của công ty dịch vụ tài chính này, các cổ đông nội bộ ngành tài chính đánh giá cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị so với các lĩnh vực khác và quyết định mua vào, nhất là khi các ngân hàng lớn tại Mỹ bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với kết quả tích cực hơn dự báo.
Khoảng 6 triệu cổ phiếu đã được mua vào và khoảng 7,4 triệu cổ phiếu được bán ra trong lĩnh vực tài chính trong tháng 7.
Các lĩnh vực còn lại bao gồm công nghệ, viễn thông, sản xuất… đều chứng kiến cổ đông nội bộ đẩy mạnh bán ra. Chẳng hạn, cổ đông nội bộ tại các công ty công nghệ bán gần 24 triệu cổ phiếu trong tháng 7, trong khi mua vào chỉ 4,2 triệu cổ phiếu.
VN-Index so với một số chỉ số quốc tế kể từ đầu 2020 đến nay.
Thị trường Việt Nam: Bên mua chiếm ưu thế
Thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động tương đồng với thị trường toàn cầu, khi đã gia tăng tích cực sau cú sốc đại dịch, ngoại trừ vài phiên gần đây. Ghi nhận các thông tin về lãnh đạo mua bán cổ phiếu trên thị trường cho thấy, lực mua vẫn đang chiếm ưu thế.
Trong đó, những giao dịch nổi bật phải kể tới việc Chủ tịch Gelex (GEX) muốn gom thêm 20 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 3,2% lên gần 7,45%, trực tiếp trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp. Dự kiến, ông Tuấn sẽ chi trên 400 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Tại cuộc họp thường niên diễn ra ngày 18/6, ông Tuấn cho rằng, giá cổ phiếu GEX thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại. Ðó là lý do không chỉ ông mà chính Gelex cũng thực hiện mua lại trên 18,2 triệu cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần CMVIETNAM (CMS) đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu CMS từ ngày 23/7 - 21/8. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Phúc sẽ tăng từ 24,07% lên 50,24%.
Thông tin về giao dịch nội bộ được công bố gần đây bao gồm Tổng giám đốc Lilama 10 (L10) chào mua 2 triệu cổ phiếu; Chủ tịch NKG đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu; ông Nguyễn Ngọc Thái Bình - con trai Chủ tịch Cơ điện lạnh (REE) đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu; ông Tô Hải, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu; con trai Chủ tịch Tập đoàn Khách sạn Ðông Á (DAH) muốn gom 1 triệu cổ phiếu.
Tại Coteccons, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu, đúng như lời nói tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Các giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 9/7 - 7/8. Chiếu theo mức giá đóng cửa ngày 6/7, ước tính ông Dương sẽ chi xấp xỉ 80 tỷ đồng để hoàn tất kế hoạch.
Giao dịch của cổ đông tổ chức tại nhiều doanh nghiệp cũng diễn ra sôi động. Chẳng hạn, Ðầu tư Vinatex - Tân Tạo mua thành công 5 triệu cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Ðô thị Kinh Bắc, nâng tỷ lệ sở hữu từ 1,27% lên 2,34%. Ông Ðặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC hiện cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ðầu tư Vinatex - Tân Tạo.
Sovico thành công trong việc mua hơn 2,55 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, hoàn tất kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu như đã đăng ký. Như vậy, Sovico tăng sở hữu tại HDBank từ 13,34% lên 14,36%.