Cổ đông ngân hàng lại bâng khuâng chuyện chia cổ tức

(ĐTCK) Theo Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là ngân hàng hoặc không chia, hoặc chia cổ tức thì chỉ bằng cổ phiếu.
Nhiều ngân hàng lên phương án không chia cổ tức 2019 để dành nguồn vốn vượt khó do dịch.

Chia cổ tức, chuyện nóng tại các đại hội đồng cổ đông

Thực ra ở góc độ nghĩa vụ với cổ đông, Chỉ thị 02 của NHNN vừa qua lại là một sự “giải tỏa” với lãnh đạo các ngân hàng. Áp lực xử lý nợ xấu giai đoạn trước, rồi yêu cầu tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu khiến phương án chia cổ tức ngành ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông các năm vừa qua chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc thậm chí có ngân hàng không chia theo cách tính “không chia thì còn đó”.

Ðiều này khiến nhiều cổ đông bức xúc vì đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chỉ còn cửa chờ cổ phiếu tăng giá để hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư, còn nếu không tăng giá thì coi như của để dành vì hiệu quả tài chính ngắn hạn còn thua cả gửi tiết kiệm.

Ðại hội đồng cổ đông năm ngoái (2019) của một ngân hàng cổ phần, đến phần thảo luận, mặc cho lãnh đạo Ngân hàng đã giải thích trên cơ sở Thông tư 08/2016/TT-NHNN quy định “TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”, các cổ đông vẫn bức xúc vì vẫn tiếp tục… không chia cổ tức.

Chủ trì đại hội, lãnh đạo ngân hàng này buộc phải “xoa dịu” tình hình theo cách “chúng tôi cũng là cổ đông, chúng tôi cũng sốt ruột lắm, mong quý cổ đông thông cảm”.

Cũng tại mùa đại hội năm 2019, một ngân hàng cổ phần khác có tình hình khá hơn, khi có phương án cổ tức bằng cổ phiếu vẫn bị cổ đông chất vấn mạnh.

Lãnh đạo ngân hàng này lại phải dẫn một loạt yêu cầu về việc nâng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II để trả lời.

Chuyện cổ tức nóng cả với khối ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhà nước chi phối, Ban lãnh đạo ngân hàng nào cũng muốn giữ lại lợi nhuận bằng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thế nhưng lại có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành về giải pháp này.

Năm 2016, Bộ Tài chính thậm chí có cả văn bản đề nghị Thống đốc chỉ đạo người đại diện vốn tại BIDV và Vietinbank chia cổ tức bằng tiền mặt để nộp vào ngân sách nhà nước.

Bâng khuâng 2020

Cho đến thời điểm tháng 2 của năm nay, không ít cổ đông khấp khởi vì 2019 là năm hoạt động rất tốt của các ngân hàng nên lợi nhuận cao hứa hẹn cổ tức sẽ được chia cao cả ở cổ phiếu và tiền mặt.

Ðặc biệt, SHB được NHNN chấp thuận chia cổ tức năm 2017 và 2018 cho cổ đông với tỷ lệ 20,9% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại tính đến 31/12/2018. Thông tin một số Ngân hàng lớn cũng rậm rịch chia cổ tức tới 30% như VPBank, ACB, HDBank…

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm tan biến tin vui chưa kịp đến của các cổ đông. Cuối tháng 3, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ðáng chú ý tại Chỉ thị, NHNN đã nhấn mạnh, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Trong mắt các chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng thì yêu cầu trên là hoàn toàn hợp lý vì diễn biến dịch chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng 2020, đặc biệt khi các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ.

Nhưng điều đó có nghĩa là cổ đông nhà băng lại có thêm một năm để bâng khuâng với việc “tôi đã đầu tư và tôi nhận lại được gì”.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP.HCM, với tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch hiện nay thì ban lãnh đạo ngân hàng thậm chí không tính tới việc chia cổ tức, dù là phương án bằng cổ phiếu, sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2019.

“Ngay cả cổ phiếu ESOP khuyến khích người lao động mà ban lãnh đạo hứa sẽ có từ cuối năm ngoái khi tổng kết hoạt động 2019 cũng sẽ bị hủy”, vị lãnh đạo này cho biết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục