Không lùi, không được!
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, giám đốc Trung tâm Thương hiệu và truyền thông một ngân hàng cổ phần tư nhân cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng đang đau đầu để chọn thời điểm tổ chức Ðại hội đồng cổ đông 2020.
Danh sách cổ đông đã chốt, nhưng chưa thể chọn được “ngày lành” vì “tập trung đông người kể cả sau thời gian cách ly xã hội mà vô tình trong đó có nguồn lây nhiễm bệnh thì ‘hỏng' luôn”.
Không chỉ với ngân hàng mà cả với doanh nghiệp đại chúng, tổ chức đại hội thời điểm nào là câu hỏi ít có câu trả lời thời điểm này. Không chỉ ở yêu cầu không tụ họp đông người, mà còn có cả lý do hiệu quả tổ chức đại hội.
Câu chuyện của CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) mới đây là một ví dụ, nhiều nội dung quan trọng đã không được đưa ra xin ý kiến tại đại hội, mà phải chờ thêm đại hội bất thường vì cổ đông đến dự quá ít.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng đang xin ý kiến các cơ quan quản lý hướng dẫn về việc tổ chức đại hội.
Theo ông Thành, lúc này, việc lùi thời gian họp cổ đông không chỉ cần thiết, mà còn để đảm bảo chất lượng đại hội.
“Hiện tại, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khi doanh nghiệp lùi tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thì kế hoạch hoạt động kinh doanh của năm sẽ sát với thực tiễn hơn. Còn nếu bây giờ tổ chức đại hội, rồi một hai tháng nữa diễn biến tình hình bệnh dịch xấu hơn hoặc tốt hơn so với thời điểm hiện tại thì kịch bản không còn phù hợp”, ông Thành phân tích.
Ðược biết, LienVietPostBank đang lên kế hoạch chuyển thời gian đại hội từ tháng 4 sang cuối tháng 5. Techcombank thường là ngân hàng tổ chức đại hội sớm, nhưng năm nay cũng thông báo lùi thời gian tổ chức ang tháng 6/2020.
Tương tự, MB cũng vừa có thông báo lùi họp, chậm nhất đến cuối tháng 6/2020. Còn SeABank, Eximbank, ACB, Nam A Bank, TPBank, SHB, MSB… cũng tuyên bố hoãn tổ chức và chưa công bố thời gian cụ thể, nhưng dự báo cũng sẽ họp cổ đông vào tháng 6.
Theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 136 - Luật Doanh nghiệp 2014, Ðại hội đồng cổ đông thường niên phải họp mỗi năm 1 lần trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ðiều này có nghĩa, đa số các doanh nghiệp phải tổ chức đại hội trước 30/4 hàng năm và ngay cả khi được phép cũng không quá 30/6 hàng năm.
Quy định là như vậy, nhưng trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức Ðại hội đồng cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức.
Theo NHNN, việc này nhằm đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.
Ðại hội trực tuyến sẽ khó xảy ra
Ðể tránh vi phạm luật, như đã đề cập thì hầu hết các ngân hàng đã đưa thời gian về mốc muộn nhất 30/6. Nhưng đây cũng chỉ là dự trù vì diễn biến dịch phức tạp, chưa thể nói chính xác về những gì diễn ra tiếp theo.
“Nếu lùi đại hội đến tháng 6 đi nữa, rủi ro vẫn còn vì giả sử dịch đã giảm thì khả năng các biện pháp phòng dịch vẫn được yêu cầu, chẳng hạn như hạn chế tập trung đông người thì đại hội vẫn không thể diễn ra được. Chúng tôi đang tính tới tổ chức đại hội trực tuyến, nhưng hình thức này mới quá và còn rất nhiều câu hỏi phải xử lý”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Ông Hoàng Lê Hoàng, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, bỏ phiếu điện tử là hình thức bỏ phiếu đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) và các cổ đông thực hiện việc bỏ phiếu điện tử được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp như các cổ đông tham dự và biểu quyết trực tiếp.
Còn theo ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc bỏ phiếu điện tử đã và đang được xem là một hình thức bỏ phiếu ưu việt được nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới lựa chọn để lấy biểu quyết của cổ đông”.
Thực tế, trên thế giới, Ðại hội đồng cổ đông trực tuyến vốn đã được triển khai từ nhiều năm trước tại một số quốc gia phát triển và ngày càng trở thành xu hướng được đông đảo doanh nghiệp trên toàn cầu đi theo và trở thành một thông lệ quản trị công ty tiên tiến.
Tại Mỹ, Luật Công ty bang Delaware (sửa đổi năm 2000) cho phép các doanh nghiệp tổ chức Ðại hội đồng cổ đông bằng hình thức trực tiếp, kết hợp sử dụng Internet trong biểu quyết, bầu cử trực tuyến và cho phép tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến toàn phần. Từ năm 2001, Inforte Corporation, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn quản trị quan hệ khách hàng, chiến lược tại Mỹ đã trở thành công ty đầu tiên tổ chức Ðại hội đồng cổ đông trực tuyến.
Theo ông Hoàng, pháp luật Việt Nam đã cho phép, một số đơn vị công nghệ cũng đã cung cấp giải pháp, các doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức này và cơ quan quản lý nên có động thái thúc đẩy, không chỉ vì tình hình dịch bệnh năm nay, mà còn cho các năm sau.
Vấn đề các doanh nghiệp cần phải vượt qua, ngoài tâm lý ngại thay đổi thì cần phải sửa đổi quy định của chính mình.
Ðiều lệ hoạt động nhiều doanh nghiệp vẫn đang quy định phải họp dạng truyền thống, mà chưa có quy định về họp trực tuyến, các văn bản hình thức trực tuyến cũng chưa được chính doanh nghiệp công nhận.