Lãi lớn
Orchid Fund, quỹ đầu tư có nguồn gốc từ Singapore tuần qua đã bán ra toàn bộ hơn 10% vốn điều lệ FPT trị giá hơn 1.300 tỷ đồng bằng các giao dịch thỏa thuận. Tuy giá vốn đầu tư của quỹ này vào FPT không được công bố, song thị trường có thể đánh giá rằng đây là thương vụ rất thành công.
Orchid Fund trở thành cổ đông lớn của FPT từ tháng 10/2011 và gia tăng sở hữu tại tập đoàn này lên 29.168.462 cổ phần, chiếm 10,65% vốn của FPT trong vòng nửa đầu năm 2012. Cụ thể, vào tháng 1/2012, Orchid Fund mua 4,3 triệu cổ phiếu FPT quanh mức giá 34.000 đồng/CP. Tháng 2/2012, quỹ này tiếp tục mua 1,8 triệu cổ phiếu FPT, với mức giá khoảng 36.000 đồng/CP. Đến tháng 5/2012, Orchid Fund đã nắm giữ hơn 21 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 9,81% vốn của công ty này và tiếp tục đăng ký mua thêm gần 11 triệu cổ phiếu FPT trong tháng 5/2012 nhưng giao dịch bất thành do giá FPT tăng mạnh. Thay vì mua trên sàn, Orchild Fund đã nhận chuyển nhượng 2,7 triệu cổ phiếu FPT từ 3 nhà đầu tư ngoại khác, giao dịch hoàn tất vào ngày 5/7/2013.
Kể từ khi Orchid Fund đầu tư, FPT đã phát hành tăng vốn điều lệ thêm 25%, trả cổ tức bằng tiền tổng cộng 45% (trên mệnh giá). Cộng với chênh lệch giá cổ phiếu trong thời gian đầu tư, mua vào chưa đầy 38.000 đồng/CP và bán ra giá 45.000 đồng/CP, việc thoái hơn 29 triệu cổ phiếu FPT mang về cho Orchid khoản lợi không nhỏ.
NĐT nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ sở hữu 49% sau thương vụ thoái vốn của Orchid Fund
Orchid được đánh giá là nhà đầu tư kín tiếng trên thị trường. Họ hầu như không có các cuộc tiếp xúc và đánh giá về các DN và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT, trước khi thoái vốn tại FPT, Quỹ có chia sẻ với lãnh đạo FPT về định hướng tái cơ cấu danh mục đầu tư, dù tiếp tục đánh giá cao triển vọng của Tập đoàn.
“Đây là việc phân bổ lại tỷ trọng đầu tư của Quỹ tại các thị trường và là hoạt động tái cơ cấu danh mục định kỳ", ông Phương nhận định.
FPT liệu có xáo trộn?
Ngoài Orchid, FPT hiện có 6 cổ đông tổ chức nước ngoài, gồm Red River Holding (nắm 5,73% cổ phần); Vietnam Equity Holding (nắm 1,65% cổ phần), Dragon Capital Vietnam Mother Fund (nắm 1,63% cổ phần), Amersham Industries Limited (nắm 1,6% cổ phần); Vietnam Enterpries Investments Limited (nắm 1,54% cổ phần) và Wareham Group Limited nắm 1,48% cổ phần. Trong tuần qua, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Dragon Capital - Norges Bank gồm Amersham Industries Limited, Balestrand Limited, Grinling International Limited, Wareham Group Limited,Vietnam Enterprise Investment Limited, Norges Bank đã thông báo mua thêm 3,55 triệu cổ phiếu FPT, đưa tổng số cổ phiếu sở hữu lên 17.324.303 cổ phần, chiếm 6,3% cổ phần tại tập đoàn này.
Sau đợt thoái vốn của Orchid Fund, FPT sẽ xuất hiện cổ đông nước ngoài lớn? Theo một nguồn tin của ĐTCK, một nhóm NĐT đã mua phần lớn số cổ phần trên, nhưng tính riêng mỗi tổ chức lại không đủ 5% cổ phần của Tập đoàn, vì thế, họ sẽ không phải công bố thông tin trên sàn. Vì Orchid bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngoại nên cơ cấu cổ đông của FPT không có gì thay đổi, room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn kín 49%.
Về phía cổ đông nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hiện trở thành cổ đông lớn nhất của FPT với 7,1% cổ phần, tiếp theo là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 6% cổ phần. Quan điểm đầu tư của SCIC tại FPT ra sao? Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC quan tâm đến lợi nhuận dài hạn và sự phát triển bền vững của DN. Theo quan điểm của SCIC, FPT là DN hoạt động hiệu quả, quản trị DN tốt và có nhiều tiềm năng phát triển. Bởi vậy, SCIC không có chủ trương thoái vốn tại FPT.
Ngoài Orchid thoái vốn, ông Trương Đình Anh, thành viên HĐQT FPT mới đây cũng thông báo bán hơn 1 triệu cổ phần FPT, với lý do cơ cấu lại danh mục đầu tư. Sau động thái của các nhà đầu tư trên, HĐQT FPT liệu có biến động? Trong HĐQT FPT, bà Lê Nữ Thùy Dương là ứng viên được Orchid Fund đề cử. Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, lãnh đạo FPT cho biết, bà Dương tham gia HĐQT với tư cách cá nhân, chứ không phải đại diện cho Quỹ Orchid. Tương tự, ông Trương Đình Anh cũng tham gia HĐQT dựa trên những tiêu chuẩn cá nhân, mà không phụ thuộc vào số cổ phần FPT mà ông sở hữu. Bởi vậy, trước mắt, HĐQT của FPT sẽ không có xáo trộn và vì thế, hoạt động và định hướng của FPT cũng không có gì ảnh hưởng.
Dự kiến, trong tuần tới, FPT sẽ công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2013. Theo ông Nguyễn Thế Phương, ước tính sơ bộ cho thấy, doanh thu và lợi nhuận trong 8 tháng của Tập đoàn vẫn đạt kế hoạch đề ra, làm cơ sở để FPT về đích kế hoạch năm.