Cổ đông lớn của Sacombank: cũ thoái, mới mua thêm

Gia đình ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch của Sacombank, đã dần rút lui. Trong khi đó, những người tiếp quản Sacombank lại ấp ủ kế hoạch sáp nhập ngân hàng này với ngân hàng khác.
Cổ đông lớn của Sacombank: cũ thoái, mới mua thêm

Bắt đầu từ đầu năm và cao điểm vào tháng 4, thời điểm cận kề ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự đại hội đồng cổ đông năm của ngân hàng Sacombank, các tổ chức có liên quan đến ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sacombank, đã đăng ký thoái vốn tổng cộng hơn 80 triệu cổ phiếu Sacombank.

 

Bán hết cổ phiếu “ruột”, rút lui khỏi Sacombank

 

Cụ thể, công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), do ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đăng ký bán ra toàn bộ 17,3 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần sản xuất-thương mại Thành Thành Công, bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Thành) giữ chức Chủ tịch, cũng bán 22 triệu cổ phiếu. Các công ty con của Thành Thành Công cũng đồng loạt bán ra cổ phiếu Sacombank, như công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT), bán hết 7,5 triệu cổ phiếu STB, trước đó đường Ninh Hoà cũng thoái vốn Sacombank.

 

Cùng lúc, ông Chang Heng Sui, chồng của bà Huỳnh Quế Hà (Phó chủ tịch Sacombank) cũng bán hết hơn 35 triệu cổ phiếu ngân hàng này. Trước đó ông này đã trút tiền ra để mua lại phần vốn từ Dragon Capital khi tổ chức này thoái vốn.

 

Việc thoái vốn mạnh mẽ của gia đình và người thân quen của cựu chủ tịch Sacombank khiến giới đầu tư bàn tán khả năng thoái vốn nhằm rút lui khỏi Sacombank. Bởi họ còn nhớ, trong năm 2011, khi vợ, con gái và con dâu ông Thành bán toàn bộ 14,81 triệu cổ phiếu Sacombank, ông đã giải thích rằng việc chuyển từ sở hữu cá nhân thành hoạt động đầu tư của tổ chức để nâng cao tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tình hình đã khiến Thành Thành Công bán ra hầu hết lượng cổ phiếu “ruột” của họ.

 

Với lượng bán hơn 80 triệu cổ phiếu, với giá giữa tháng 5 xoay quanh 25.000 đồng/cổ phiếu, ước những người này đã thu về xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 6, cha con ông Thành giữ lại tổng cộng 7,43%. Chuỗi bán ra chưa chấm dứt. Trong tháng 9 và tháng 10, có gần 97 triệu cổ phiếu Sacombank, tương ứng 9,9% lượng cổ phần đang lưu hành của Sacombank đã được chuyển nhượng dưới hình thức thoả thuận. Lấy mức giá thấp nhất trong tháng 10 là 19.200 đồng/cổ phần, thì có khoảng 1.860 tỷ đồng đã được bỏ ra mua vào. Ngược lại, cùng thời gian đó, những người tiếp quản Sacombank liên tiếp mua vào, như gia đình ông Trầm Bê mua vào nâng tỷ lệ sở hữu lên cao hơn.

 

Ấp ủ kế hoạch sáp nhập

 

Vài năm gần đây, Eximbank đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam . Tính đến cuối năm 2011, Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 16.300 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 183.000 tỷ đồng. Với năng lực tài chính mới, Hội đồng quản trị Eximbank nhận thấy cần đa dạng hoá, cơ cấu lại nguồn vốn, thay vì chỉ tập trung cho hoạt động tín dụng.

 

Theo ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank, Eximbank đánh giá Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới bán lẻ rộng khắp, sản phẩm tài chính đa dạng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nhân sự được đào tạo bài bản. Việc đầu tư vào Sacombank là một cơ hội tốt cho Eximbank. “Chúng tôi đã đề ra hai phương án. Một, chỉ là khoản đầu tư tài chính, khi có lời là bán. Hai, đó sẽ là đầu tư chiến lược và không loại trừ khả năng sẽ hợp nhất hai ngân hàng khi hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Với kịch bản này, đâu đó vào năm 2015, Việt Nam sẽ có một ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng, có khoảng 600 chi nhánh trải rộng khắp toàn quốc”, ông Dũng chia sẻ kế hoạch trên báo chí.

 

Ông Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch của Sacombank, trong trao đổi ngoài lề cuộc họp báo ra mắt nhân sự mới vào ngày 3/11, các cổ đông lớn của Sacombank cũng ấp ủ kế hoạch mở rộng bằng sáp nhập, và ông cho rằng, đó là phương án mở rộng hoạt động tốt nhất. Theo quan điểm của riêng ông, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều ngân hàng, nếu sau này các cổ đông tính đến việc sáp nhập, ví dụ như hợp nhất ba ngân hàng Sacombank, Eximbank, Phương Nam Bank, thì ngân hàng mới sẽ có khoảng 800 chi nhánh, điểm giao dịch, tạo một vị thế mới trên thị trường.

 

Năm tháng sau khi nhận chức tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang, nhân sự từ ngân hàng Phương Nam sang Sacombank, cho biết ông đã hầu như không gặp khó khăn gì trong điều hành, quản trị và trong mối quan hệ với đồng nghiệp trong môi trường mới. Theo ông, việc điều hành một ngân hàng có quy mô lớn hơn gấp ba lần so với ngân hàng trước đó, thì không phải điều hành một ngân hàng lớn hay nhỏ, mà là cách điều hành như thế nào. “Tôi cảm thấy tự hào về sự kết hợp cực kỳ tốt giữa nhân sự mới và cũ”, ông nói.

 

Hiện Hội đồng quản trị Sacombank đang xúc tiến việc bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. “Có bảy ngân hàng, đa số từ Nhật Bản tìm hiểu. Tôi nghĩ trong vòng bốn tháng tới tôi có thể ký kết được, tất nhiên mức giá sẽ khả quan nếu tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực”, ông Phú nói.

 

Đã thoái gần hết vốn, và với việc riêng đang rối bời, khi rời bỏ chức chủ tịch đã liên tục giữ trong 17 năm, ông Đặng Văn Thành có lẽ đã xao lãng ý định (nếu có) với Sacombank. Những người tiếp quản và phát triển Sacombank sau chặng đường 17 năm ông ghi dấu ấn, sẽ tiếp tục đưa Sacombank đi, dù cái bóng của ông ở Sacombank còn quá lớn, như tân chủ tịch thừa nhận. Song, ông Phú, với tư cách chủ tịch mới, đã cam kết tạo ra Hội đồng quản trị minh bạch quản trị, chuyên nghiệp và sẽ không có quyết định cá nhân ở trong đó. Vai trò cá nhân trong ngân hàng sẽ được giảm thiểu và ban điều hành dựa vào quyết định tập thể mà thực thi.

 

> Tân Chủ tịch Sacombank và những câu hỏi nóng


Sài Gòn tiếp thị

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ