Cổ đông lớn chập chờn sở hữu 25% vốn tại REE

(ĐTCK) Sở hữu 24,65% cổ phần tại Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Quỹ Platinum Victory PTE. Ltd (gọi tắt là Quỹ Platinum) gây thắc mắc cho nhiều nhà đầu tư khi liên tục đăng ký mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu REE, rồi lại thông báo không mua được. Mục đích của quỹ này là gì và vì sao việc mua REE lại cứ “chờn vờn” như vậy?
Cổ đông lớn chập chờn sở hữu 25% vốn tại REE

Dấu hỏi Quỹ Platinum Victory mua hụt mã REE

Từ ngày 6/9 đến 5/10/2018 là khoảng thời gian mà Platinum - cổ đông ngoại đang sở hữu 76,4 triệu cổ phiếu, tương đương 24,65% vốn điều lệ CTCP Cơ điện lạnh (REE) - đăng ký mua vào 1,079 triệu cổ phiếu REE theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn.

Nếu giao dịch thành công, Quỹ Platinum sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại REE lên mức 24,99%. Đây là lần thứ 6 trong năm 2018, quỹ này thông báo giao dịch mua cổ phiếu REE, trong đó có 4 lần với kết quả bất thành. 

Cụ thể, tháng 12/2017, Platinum Victory đăng ký mua vào 6,6 triệu cổ phiếu REE để nâng tỷ lệ sở hữu từ 23,91% lên 24,99%, nhưng kết quả chỉ mua được 3,21 triệu cổ phiếu.

Tháng 4 năm 2018, Quỹ tiếp tục đăng ký mua vào 3,38 triệu cổ phiếu (tương đương lượng cổ phiếu chưa mua được của đợt trước đó) với kết quả mua được hơn 2,2 triệu cổ phiếu.

Từ đó đến nay, Platinum Victory đăng mua phần còn lại là 1,079 triệu cổ phần, nhưng đăng ký nhiều lần vẫn chưa thực hiện được.

Về diễn biến giá của REE, sau khi bật tăng mạnh từ khoảng cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 với mức tăng từ 30.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng cổ phiếu thì từ đầu năm 2018 đến hết phiên giao dịch 10/9, REE giảm hơn 16% thị giá.

Thực tế, tỷ lệ 24,99% hay 25% chưa thực sự có thể tác động đến quyết định của REE, nhưng nếu tăng lên từ mức 26% thì đó là một vấn đề khác.

Đây là tỷ lệ có thể chi phối được các vấn đề trọng yếu tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên.

Với việc tăng số lượng thành viên HĐQT đại diện cho Quỹ lên 2 người mới đây là một trong điều kiện để cổ đông lớn này có thể triệu tập các cuộc họp bất thường, chiếu theo Điều lệ Công ty REE.

Quỹ Platinum Victory đăng ký mua phần còn lại là 1,079 triệu cổ phần REE vào các khoảng thời gian giá mã này có xu hướng giảm, nhưng kết quả mua lại không thành với lý do thị trường diễn biến không thuận lợi. Đây là điểm gây thắc mắc cho nhiều nhà đầu tư. 

Mua hụt: vô tình hay hữu ý?

Trong 3 năm trở lại đây, REE duy trì tăng trưởng đều đặn về doanh thu và lợi nhuận trung bình 30%/năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, REE đạt doanh thu hợp nhất 2.272 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 988 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2017.

Với kết quả này, dù chỉ mới hoàn thành khoảng 40% kế hoạch doanh thu, nhưng kế hoạch lợi nhuận năm đã được REE hoàn thành hơn 72% sau 6 tháng.

Việc “mua hụt” rồi lại đăng ký mua hết lần này đến lần khác của Platinum Victory liệu có đơn thuần là hành động thể hiện sự quyết tâm nâng tỷ lệ sở hữu tại REE? Với nhà đầu tư đại chúng, công bố mua của cổ đông lớn tại REE giống như một động thái “đỡ” về mặt tâm lý cho cổ phiếu REE trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực trong thời gian qua.

Nếu mua thành công, Quỹ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại REE lên mức tiệm cận mốc 25%. Thực tế, tỷ lệ 24,99% hay 25% chưa thực sự có thể tác động đến quyết định của REE, nhưng nếu tăng lên từ mức 26% thì đó là một vấn đề khác.

Đây là tỷ lệ có thể chi phối được các vấn đề trọng yếu tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên. Với việc tăng số lượng thành viên HĐQT đại diện cho Quỹ lên 2 người mới đây là một trong điều kiện để cổ đông lớn này có thể triệu tập các cuộc họp bất thường, chiếu theo Điều lệ Công ty REE.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại REE vẫn đang ở mức tối đa 49% do Công ty có hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đó có thể cũng là một trong những trở ngại khiến Platinum phải “trầy vi tróc vẩy” để tăng tỷ lệ sở hữu tại REE.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, hiện REE chưa có ý định mở rộng room, do có tham gia đầu tư lĩnh vực nằm trong danh mục giới hạn sở hữu nước ngoài là bất động sản.

Tuy nhiên, nếu chính sách thay đổi và có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới thì HĐQT sẽ đem vấn đề này ra trao đổi trong thời gian tới.

Trở lại câu chuyện của REE, Tập đoàn Jardine Cycle and Carriage (JC&C), sở hữu 100% vốn Platinum Victory, theo thông tin đăng tải trên trang web của JC&C thì đang quan tâm đầu tư lĩnh vực hạ tầng và logistics.

Trong khi đó tại REE, kể từ khi Platinum tham gia vào năm 2012, hoạt động đầu tư và sản xuất điện, nước của REE có vẻ được chú trọng hơn với lợi nhuận đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh chung.

Tính đến 30/6/2018, REE có giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là 29.261 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá kết phiên 10/9, REE dừng ở mức 34.450 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E trượt 4 quý gần nhất 5,8 lần, dự  phóng năm 2018 là 7,8 lần và P/B là 1,17 lần.

Thực tế, quỹ này đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần VNM trong đợt thoái vốn của SCIC và đăng ký mua qua sàn sau đó.

Còn với REE, giả sử với mức biến động giữa mức giá cao nhất và thấp nhất trong mỗi đợt đăng ký là 3.000 đồng/cổ phiếu thì để sở hữu 1 triệu cổ phiếu REE, số tiền mà Quỹ bỏ ra chênh lệch cũng chỉ vài tỷ đồng.

Vậy tại sao Quỹ Platinum cứ chập chờn mua hụt? Câu hỏi này nhà đầu tư đại chúng không tự trả lời được, mà chờ đợi sự xem xét của các cơ quan chức năng.    

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục