Rắc rối từ vốn góp nhà nước
GDI được thành lập ngày 9/8/2007, quy mô vốn điều lệ hiện tại là 378,7 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu của Công ty gồm: Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định (đã cổ phần hóa), sở hữu 60 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 15,84%; Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), sở hữu 11,62%; Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Khang Thông (Khang Thông), sở hữu 11,09%…
Đáng lưu ý, trong tổng số vốn góp của Dệt may Gia Định là 60 tỷ đồng, có tới 58 tỷ đồng được góp bằng tài sản khác, bao gồm chi phí xây dựng cơ bản dở dang là quyền tài sản của Dự án Gia Định Plaza (20,826 tỷ đồng) và Dự án Bến Chương Dương (38 tỷ đông).
Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của GDI được ký bởi Công ty kiểm toán Deloitte cho biết: “Không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đến giá trị sổ của các khoản góp vốn điều lệ và chi phí xây dựng cơ bản này. Do đó, chúng tôi không thể xác định được số liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này hay không”.
Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của GDI cho thấy, ngày 23/4/2015, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính có Công văn số 543/TCDN-CN cho rằng, việc Dệt may Gia Định sử dụng một phần giá trị quyền tài sản tại 354 Bến Chương Dương để góp vốn vào GDI trị giá 38 tỷ đồng là không đúng quy định và không có ý kiến chấp thuận của UBND TP. HCM.
Biên bản cuộc họp cũng cho biết, theo Công văn 543 nói trên, năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ quyền tài sản tại 354 Bến Chương Dương (38 tỷ đồng), nhưng đến ngày ký Công văn, Dệt may Gia Định chưa nộp khoản tiền này.
Mặc dù đang tồn tại những “lùm xùm” chưa có hướng giải quyết, nhưng đến đầu năm 2017, Dệt may Gia Định vẫn thực hiện công bố thông tin về việc thoái vốn tại GDI. Việc thoái vốn này đã không diễn ra thành công, do không có nhà đầu tư đăng ký đấu giá. Câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ diễn ra nếu nhà đầu tư vì không nắm hết thông tin mà đăng ký mua lại cổ phần GDI từ Dệt may Gia Định?
… tới những khúc mắc trong quản lý tài chính
Trong khi câu chuyện về vốn góp của cổ đông lớn chưa có hướng giải quyết, thì bản thân GDI cũng đang tồn tại một số vấn đề.
Theo đó, GDI chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để hợp tác đầu tư. Khoản đầu tư 98 tỷ đồng thực hiện mua cổ phần ký từ tháng 7/2015, và một khoản có tổng mức tối đa 100 tỷ đồng là hợp đồng hợp tác đầu tư, thời hạn 3 tháng, với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất 4,9 ha và 20,2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Khang Thông.
Đến nay, thuyết minh báo cáo tài chính của GDI không thể hiện khoản vay trên, nhưng thể hiện khoản đầu tư, cho vay và phải thu với Khang Thông, tương ứng là 98 tỷ đồng, 41,7 tỷ đồng, 5,5 tỷ đồng; với Phú An tương ứng là 65 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và 8,3 tỷ đồng khoản phải thu.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc khi có diễn biến mới.